.

Thử nghiệp

Nghỉ Tết năm đại học thứ nhất, con gái xin phép ba mẹ làm nghề phục vụ thức uống trong một quán cà-phê nổi tiếng của một người họ hàng.

Con bảo thích không khí của quán cà-phê, lại được tiếp xúc nhiều với người nước ngoài vì vốn tiếng Anh của con tương đối vững. Theo như lời con, nghề phục vụ ngoài ngoại hình ra, chỉ cần tập trung là làm được. Con còn tự tin rằng, càng ngày khách sẽ càng đông vì họ thích cung cách phục vụ của con. Những ước muốn đó thoạt nghe thật đẹp. Ba mẹ nghĩ như thế cũng tốt, coi như là cho con học một khóa về kỹ năng sống, con còn được luyện ngoại ngữ miễn phí nên không có gì phải lo lắng quá.  

Nhưng mọi thứ không đơn giản như con gái tưởng tượng. Mấy ngày đầu làm nhân viên phục vụ, con thường xuyên bị khách phàn nàn vì cung cách làm việc quá chậm chạp, nhiều lần làm rơi đồ, bể ly, kể cả văng thức uống vào khách. Ngày nào con gái cũng vắt chân lên cổ nhưng vẫn không sao làm vừa lòng khách. Con xin nghỉ việc giữa chừng, còn làm cho ba mẹ sốc nặng khi bảo rằng: Công việc này không thích hợp với con, sinh viên đại học như con phải làm những công việc cao siêu hơn thì mới xứng đáng (!)

Con gái ơi, trường đại học không phải là con đường duy nhất bắt buộc mọi người phải bước vào thì mới thành công trên đường đời, mới sống có ích cho gia đình và xã hội. Chưa kể, muốn trụ lâu với nghề, bất kể là nghề nào thì ngoài lòng yêu nghề còn đòi hỏi óc cầu tiến, sáng tạo, chấp nhận một số thiệt thòi, gai góc… Con đường nào rồi cũng sẽ gặp trục trặc, trắc trở, sự cố ngay cả khi con đã thạo việc. Công việc nào cũng cần phải có thời gian trải nghiệm thì mới có được nhiều điều thú vị. Cho dù điều thú vị đó kèm theo cả nước mắt chứ không chỉ là nụ cười. Cái quan trọng là con phải yêu nghề và đi hết con đường đã chọn cho dù đó là con đường rất ngắn như thời gian con nghỉ Tết...

THU HIỀN

;
.
.
.
.
.