.

Kết thúc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2100?

.

Lãnh đạo nhóm G7 (Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản, Pháp, Ý và Anh) kêu gọi một cuộc chuyển giao công nghệ quy mô và dài hạn nhằm chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển qua sử dụng nhiên liệu tái tạo và hạt nhân khi bước sang thế kỷ 22. Nhưng đó là một con đường được các nhà khoa học nhận định là đầy gian nan và khó thành hiện thực.

G7 sẽ hỗ trợ cho các nước nghèo giảm nhẹ thiên tai và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
G7 sẽ hỗ trợ cho các nước nghèo giảm nhẹ thiên tai và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Ý tưởng đẹp của G7

G7 không phủ nhận nhiên liệu hóa thạch đã đưa nền kinh tế phát triển vượt bậc từ cuộc cách mạng công nghiệp (diễn ra từ cuối thế kỷ 18) nhưng đã tới lúc phải thay đổi. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: Đó là sự thay đổi lớn của các nhà lãnh đạo G7.

Mục tiêu của G7 là tới năm 2050, lượng khí thải nhà kính toàn cầu sẽ giảm từ 40-70% so với năm 2010. G7 muốn gửi thông điệp rõ ràng tới các nhà đầu tư về một tương lai kinh tế thế giới được vận hành bằng nhiên liệu sạch.

G7 chấp nhận các quốc gia giàu có sẽ giúp các nước nghèo hơn, đặc biệt là châu Phi, phát triển công nghệ năng lượng sạch, ứng phó với những thay đổi không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu. G7 cũng hứa sẽ giải quyết thảm họa thiên tai ngày càng tàn khốc và nặng nề hơn.

Khó thành vì thời gian quá ngắn

Tom Kloza, người đứng đầu bộ phận phân tích của Dịch vụ thông tin giá dầu (Mỹ), nói rằng: Các công ty dầu nhận định nhiên liệu hóa thạch vẫn duy trì vị trí thống lĩnh trong thế kỷ 22 và có thể là cả thế kỷ 23 nữa. Phân tích số liệu thống kê, chúng tôi thấy chỉ riêng tại California, sẽ có tới 90-95% phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025. Đơn giản vì lái một chiếc ô-tô chạy bằng xăng hoặc dầu diesel vẫn là lựa chọn tốt nhất về mặt kinh tế hiện nay.

G7 cho biết sẽ tiến tới một nền kinh tế toàn cầu có lượng khí thải thấp bằng cách phát triển và triển khai những công nghệ tiên tiến về chuyển giao năng lượng từ năm 2050. Tuy nhiên, Tom Kloza nhận định không hề ấn tượng với mục tiêu này.

Nhiều nước đang phát triển vẫn lựa chọn than đá là nguồn nhiên liệu chính bởi giá thành thấp. Dù giá thành của năng lượng mặt trời đã giảm mạnh nhưng vẫn còn quá cao so với than đá nên đây là cuộc chiến không cân sức trong sự lựa chọn của các quốc gia đang phát triển mà G7 không thể bù đắp nổi.

ANH THƯ (Theo BBC, Marketwatch)

;
.
.
.
.
.