.
Nghĩ

Đà Nẵng và APEC

Vào Wikipedia(*) gõ cụm từ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về diễn đàn hướng đến mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị của các nước thành viên. Đà Nẵng - địa danh sẽ tổ chức Hội nghị thường niên của APEC lần 29, năm 2017 được nhấn mạnh bằng nền chữ màu đỏ.

Nguyên thủ của 21 nước thành viên, gồm lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản…; lãnh đạo của hàng ngàn doanh nghiệp hàng đầu thế giới sẽ có mặt tại Đà Nẵng vào năm 2017. Hàng nghìn phóng viên sẽ quy tụ về đây và cả thế giới sẽ nhìn về Đà Nẵng trong năm 2017.

Vì lẽ đó, APEC không còn là hội nghị đơn thuần về mặt kinh tế, chính trị. Đó còn là dịp để Đà Nẵng cải thiện hơn nữa đô thị, để vững vàng hơn trong hành trình hội nhập, để giới thiệu với thế giới hình ảnh dân tộc, về sự tự tin và lòng mến khách của người Đà Nẵng. Tuy nhiên, để được như thế, có lẽ, điều Đà Nẵng cần không chỉ là “lạc quan” về sự kết hợp giữa bãi biển đẹp với một vài con đường thông thoáng của một thành phố năng động.

Tuần qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã làm việc với Tổ liên ngành 43 để đánh giá lại công tác thực hiện “Năm Văn hóa văn minh đô thị” của thành phố trong 9 tháng đầu năm. Bên cạnh những việc làm được, các thành viên trong cuộc họp vẫn đau đầu khi đối diện thực tế: nhiều hành vi của người dân thành phố không biết đến bao giờ mới văn minh?

Ví dụ chuyện chèo kéo du khách. Để đối phó với biện pháp “đẩy, đuổi” của lực lượng chức năng, các đối tượng đeo bám, chèo kéo khách trên địa bàn thành phố đã thay đổi phương thức hoạt động từ đi bộ sang sử dụng xe máy. Bắt gặp khách du lịch, họ dựng xe, đến chào mời theo kiểu “không cho chúng nó thoát”. Hàng hóa được đựng trong túi ni-lông, giỏ xe chứ không để vào rổ rá cồng kềnh như trước, khi bóng lực lượng chức năng xuất hiện, họ nhanh chóng lên xe, phóng chạy.

Người dán quảng cáo, rao vặt cũng đã chuyển sang làm việc vào lúc nửa khuya, về sáng, thao tác nhanh, gọn, tinh vi hơn. Khi bị bắt giữ, lập biên bản vi phạm hành chính, họ không đủ điều kiện về tài chính để thi hành quyết định xử phạt, tang vật thu giữ chỉ vài tập giấy không có giá trị nên việc cưỡng chế gặp nhiều khó khăn. Đối tượng khi bị bắt lại chối quanh co, lực lượng chức năng không thể xác định được chủ nhân thực sự của số điện thoại trên quảng cáo nên việc chấm dứt hẳn tình trạng dán quảng cáo, rao vặt dường như vẫn là chuyện “không thể”.

Những cung đường ven biển của thành phố như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa vẫn còn những đoạn nhếch nhác, mất mỹ quan bởi các quán nhậu hải sản. Nhân viên quán nhậu luôn sẵn sàng lao xuống lòng đường để chèo kéo, mời chào khách mà không quan tâm đến an toàn giao thông…

Bên cạnh đó, vẫn còn chuyện dùng hốc tường, gốc cây, thậm chí ngay cả vỉa hè đường phố làm chỗ đi vệ sinh, chuyện chưa có ý thức tôn trọng trật tự giao thông, chưa tự giác, bình tĩnh và lịch sự xếp hàng tại rạp chiếu phim, quầy thanh toán ở siêu thị hay khu vực làm thủ tục ở sân bay... Đây không phải là chuyện quá to tát, nhưng có lẽ, đó là mức tối thiểu để đánh giá một thành phố văn minh, hiện đại.

Mong rằng, mỗi công dân Đà Nẵng hướng về APEC như một cơ hội để tự đánh thức ý thức trách nhiệm và lòng tự tôn, tự hào của bản thân. Để tự cải thiện hành vi. Để mọi ứng xử được thực hiện từ ý thức tự nguyện chứ không phải bởi chính sách hay mệnh lệnh hành chính. Để cùng chung tay đổi thay bộ mặt đô thị Đà Nẵng. Để chứng minh với thế giới rằng, Đà Nẵng không chỉ có truyền thống văn hóa, người Đà Nẵng còn biết sống và tổ chức xã hội văn minh.

MAI CHI MAI


(*) https://vi.wikipedia.org

;
.
.
.
.
.