.

Người cao tuổi với mái ấm gia đình

Tuổi nào cũng cần mái ấm gia đình, nhưng có lẽ tuổi thơ và đặc biệt tuổi già là cần hơn cả. Ở đây người viết bài này chỉ bàn riêng về tuổi già - người cao tuổi với mái ấm gia đình.

Vì sao tuổi già cần mái ấm gia đình? Đó là để cảm thấy bớt cô đơn. Người cao tuổi nói chung rất dễ bị tổn thương về tâm lý, rõ nhất là thường xuyên phải đối mặt với hội chứng cô đơn. Tất nhiên cô đơn khác với cô độc, bởi con người có thể cảm thấy rất cô đơn và thậm chí càng cảm thấy cô đơn hơn ở chỗ… đông người. Cho nên những trại dưỡng lão chỉ giúp người già cảm thấy bớt cô độc chứ chưa chắc đã giúp được họ vơi bớt nỗi cô đơn, và những người già có đông con cháu chưa chắc đã ít cô đơn hơn những người hiếm con muộn cháu cùng cảnh ngộ.

Người trẻ ở phương Tây có xu hướng tự lập sớm, thường sống xa cha mẹ ngay khi vừa đến tuổi trưởng thành, nên người già Tây phương có vẻ dễ thích nghi với cảnh sống cô độc tĩnh lặng hơn người già Đông phương, và không phải ngẫu nhiên mà người già Đông phương nói chung, người già Việt Nam nói riêng hay xem trọng việc sinh con nối dõi tông đường - tức xem trọng việc có người phụng dưỡng cha mẹ ông bà lúc tuổi già và thờ cúng ông bà cha mẹ trong mai hậu.

Thật bất hạnh cho những người già không có được mái ấm gia đình phải sống lang thang cơ nhỡ tứ cố vô thân đói cơm lạt muối. Đó là chưa kể trong bối cảnh đạo đức xã hội có phần suy thoái như hiện nay, tuy chưa phổ biến nhưng không còn cá biệt những trường hợp người già bị chính con cái mình bạc đãi khiến phải chịu cảnh cô đơn ngay giữa căn hộ/ngôi nhà từ lâu đã không còn là tổ ấm, thậm chí ngược đãi đẩy ra đầu đường xó chợ hết sức đau lòng.

Người già cần mái ấm gia đình còn để được chăm sóc về đời sống sinh học. Không ở đâu cái ăn cái ngủ của người già được chăm sóc tốt bằng ở trong mái ấm gia đình. Đó là chưa kể già hay đi đôi với yếu, tuổi già thường sức yếu và tuy  bệnh tật không phải là đặc sản của tuổi già, nhưng tuổi già hay lắm bệnh, khó ai vượt qua được sự nghiệt ngã của thời gian. Người cao tuổi thường không giữ được độ minh mẫn và tinh tường như xưa, từ đó mà sinh ra bi quan trong cuộc sống. Mái ấm gia đình hoàn toàn có thể giúp người cao tuổi vẫn giữ được niềm lạc quan - phương thuốc diệu kỳ có thể giúp họ vượt qua thậm chí chữa lành những cơn đau thể xác.

 So với căn hộ/ngôi nhà Việt truyền thống thì căn hộ/ngôi nhà Việt ngày nay có nhiều hơn những không gian riêng tư dành cho các thành viên trong gia đình. Đây là biểu hiện của tư tưởng văn minh, của tư duy hiện đại: xem trọng tự do cá nhân. Có điều cũng chính vì thế mà trong căn hộ/ngôi nhà Việt ngày nay, không chỉ không gian chung để cả nhà cùng quây quần bên nhau ngày càng bị thu hẹp với hàng loạt lý do bao giờ cũng rất thuyết phục, mà thời gian cả nhà cùng tề tựu trong cái không gian chung ấy mật độ/tần suất cũng rất thấp, rất thưa.

Sở dĩ như vậy là bởi thế hệ trung niên thì bận lam lũ làm ăn lo toan mọi thứ nên hiếu thảo đến mấy cũng chỉ để trong lòng; còn thế hệ thiếu niên đi học thì chịu áp lực của nền giáo dục nặng về thi cử, mà về nhà thì dán mắt dán mũi vào những trò chơi điện tử đầy hấp dẫn trong không gian riêng tư - có lẽ bây giờ chỉ còn phòng ăn là nơi cả nhà gặp nhau thường xuyên nhất. Và cũng chính vì thế mà tiếng là sống chung với con cháu trong một gia đình tam đại, tứ đại đồng đường, nhưng không ít bậc cao niên vẫn có khả năng phải đối mặt với nỗi cô đơn thường nhật...

Huống chi, theo dòng chảy của đời sống đương đại, ngày nay mô hình gia đình hai thế hệ đã dần thay thế mô hình gia đình tam đại, tứ đại đồng đường, do vậy càng không dễ làm cho người già vơi bớt nỗi cô đơn thường nhật và có thể sống lạc quan trước thách thức của ốm đau bệnh tật ngay trong mái ấm gia đình. Theo tôi cần khuyến khích mô hình gia đình tam đại/tứ đại bất đồng đường. Mô hình này cho phép không cần sống chung dưới một mái nhà mà vẫn có sự liên kết mật thiết giữa các gia đình một thế hệ/hai thế hệ, thông qua những bữa cơm gia đình/những cuộc gặp mặt thân mật nhân ngày giỗ, ngày Tết cổ truyền hoặc sinh nhật/mừng thọ, Mother’s Day (Ngày của Mẹ), Father’s Day (Ngày của Cha)…  

Nói không ít bậc cao niên vẫn có khả năng phải đối mặt với nỗi cô đơn thường nhật, nhưng nếu hai vợ chồng già còn có thể nương tựa vào nhau mà sống thì cô đơn vẫn chưa thật cô đơn. Nhân đây xin nói thêm rằng dân gian xưa có một câu nghe có vẻ rất bất bình đẳng giới: “Con lo cho cha không bằng bà lo cho ông”. Và chính vì chỉ có bà lo cho ông chứ ông không tự lo được cho mình, nên nếu chẳng may bà qua đời trước ông thì thường ông cũng sớm qua đời theo bà, không chỉ bởi với ông lúc này cô đơn mới thực sự cô đơn - nếu ông qua đời trước thì bà cũng tổn thương về tâm lý như vậy, mà chủ yếu còn bởi sự xáo trộn quá lớn về mọi sinh hoạt đời thường ông phải chịu do không được bà chăm sóc. Cho nên trong câu chuyện người già với mái ấm gia đình cũng cần quan tâm đến việc làm thế nào để người già - nhất là nam giới - có đủ khả năng tự chăm sóc đời sống thể chất và tinh thần của mình, không nên ỷ lại dựa dẫm hoàn toàn vào sự chăm sóc của con cháu cũng như của người bạn đời thân thiết...

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.