.

Cách nhìn của một người trẻ

.

1. Mới đây, trong cuộc thi viết thư UPU quốc tế lần thứ 44 với chủ đề “Thế giới mà em mơ ước lớn lên trong đó”, Lưu Trương Vĩnh Trân, học sinh Trường THCS Nguyễn Khuyến (nay là học sinh lớp 10 chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đã viết thư gửi cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Có một nội dung trong bức thư đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ khi bài viết được đăng trên mạng xã hội: “Tận đáy lòng, cháu ước ao sau này sẽ xây dựng cho thành phố những ngôi nhà dưỡng lão tiện nghi để góp phần làm cho Đà Nẵng đáng sống hơn nữa…”. Hàng ngàn bạn đọc đã gửi lời nhắn cho Vĩnh Trân và nhiều nhất là lời cảm ơn cậu học sinh đã nói hộ suy nghĩ của nhiều người.

Em Lưu Trương Vĩnh Trân. Ảnh: Q.T
Em Lưu Trương Vĩnh Trân. Ảnh: Q.T

2. Bức thư có sức lay động mạnh mẽ như thế bởi một học sinh 15 tuổi không mơ ước đến thế giới công nghệ, tiện nghi mà mơ ước đến một thế giới trong đó, người già được chăm sóc toàn diện về thể chất và tinh thần.

Khi được hỏi, tại sao em không mơ ước cho thế hệ trẻ mà lại nghĩ cho người già? Vĩnh Trân lý giải, “Nghĩ cho người già đã đồng thời nghĩ về người trẻ. Người già là lịch sử, xã hội không thể thiếu người già nên nếu người già được chăm sóc tốt, người trẻ sẽ có thời gian để làm việc, học tập, nghiên cứu”.

Trân kể, ước mơ xây dựng nhà dưỡng lão của em bắt nguồn từ những sự việc em nhìn thấy trong gia đình. Ông nội mất sớm, với em, bà nội đóng vai trò rất đặc biệt, bà như là trung tâm tinh thần, kết nối cả dòng họ với nhau.

Việc những năm tháng cuối đời bà phải trải qua nhiều căn bệnh là nỗi buồn của cả gia đình. Bà nội có 7 người con, mỗi khi bà bệnh, con cháu phải bỏ việc chia nhau ra chăm sóc. Cùng gia đình trải qua những ngày tháng như vậy, em cứ suy nghĩ mãi: “Tại sao người già không có một nơi để được chăm sóc về thể chất và tinh thần một cách chuyên nghiệp? Con cháu dù có tình thương nhưng hạn chế kiến thức về y khoa, sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc. Việt Nam nên xây dựng nhà dưỡng lão, trong đó, chuyên viên sẽ có phương pháp chăm sóc người cao tuổi một cách khoa học và chuyên nghiệp nhất?”.

Chia sẻ về quan niệm, con cháu không chăm sóc được đấng sinh thành, đưa ông bà cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, Trân cho biết, chúng ta nên cởi mở, nghĩ thoáng để thấy rằng: bảo đảm sức khỏe và một đời sống thanh thản, vui vẻ cho đấng sinh thành là trách nhiệm của con cái, dù các cụ ở nhà hay viện dưỡng lão.

Tùy theo cách mỗi người, nếu chúng ta bỏ mặc cha mẹ trong viện thì mới là bất hiếu, còn nếu thường xuyên thăm hỏi, không tạo tâm lý bỏ rơi cha mẹ thì việc được ở cùng những người cùng thế hệ với mình là điều rất tốt đối với người lớn tuổi.

Người già sẽ được chăm sóc tốt hơn ở Trung tâm dưỡng lão. Trong ảnh: Người cao tuổi khuyết tật được tình nguyện viên Tổ chức AI (Activity International - Tổ chức Hoạt động quốc tế, Hà Lan) hướng dẫn tập vật lý trị liệu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Người già sẽ được chăm sóc tốt hơn ở Trung tâm dưỡng lão. Trong ảnh: Người cao tuổi khuyết tật được tình nguyện viên Tổ chức AI (Activity International - Tổ chức Hoạt động quốc tế, Hà Lan) hướng dẫn tập vật lý trị liệu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

3. Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, người già được kính trọng và con cháu có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển đã khiến người trong độ tuổi lao động ngày càng bận rộn, thời gian chăm sóc cho ông bà, cha mẹ bị hạn chế.

Nhiều người già phải chịu cảnh vào ra vò võ một mình; bị tai biến, đột quỵ cũng vào lúc con cháu không có mặt ở nhà. Vậy nên có một nơi chăm sóc tốt cho những người già là mong mỏi của nhiều người.

Một đồng nghiệp kể, trước đây, chưa bao giờ chị có ý nghĩ sẽ đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, điều đó dường như đi ngược lại với văn hóa truyền thống của người Việt. Thế nhưng, từ khi xem bộ phim The Notebook, với hình ảnh một cụ ông ở viện dưỡng lão hằng ngày đọc truyện cho một bà cụ tóc bạc phơ bị chứng mất trí nhớ nghe.

Thật kỳ diệu, câu chuyện của ông đã làm bà từ từ nhớ lại những hồi ức xưa cũ và bình phục. Câu chuyện khiến chị thay đổi suy nghĩ của mình. “Phải chăng, mỗi thế hệ có cách nhìn về thế giới khác nhau? Người già nếu được sống với những người giống mình sẽ không bị lạc lõng, bơ vơ? Vậy nên, quan niệm đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão là bất hiếu, là đi ngược lại với truyền thống gia đình Việt Nam… có lẽ cần phải thay đổi”.

Cô Trương Thị Thời, mẹ của Vĩnh Trân tâm sự, viện dưỡng lão là xu thế tất yếu của xã hội. Không đợi đến bây giờ mà từ lâu Vĩnh Trân đã nói với mẹ về điều này. Em thuyết phục mẹ rằng, sau này mẹ già, con sẽ để mẹ ở nhà dưỡng lão.

Mưa dầm thấm đất nên riết rồi mẹ cũng thấy có lý và ủng hộ. Trân đưa ra lý lẽ rằng, mẹ ở nhà dưỡng lão sẽ được chăm sóc y tế tốt, rảnh rang tham gia mọi hoạt động mẹ thích, không phải trông cháu, làm việc nhà. Các con yên tâm hơn là mẹ ở nhà một mình khi đi làm. Con sẽ thường xuyên đón mẹ về nhà. Khi chị băn khoăn, Việt Nam mình làm gì có nhà dưỡng lão thì em nói chắc nịch: “Đến lúc mẹ về già xã hội sẽ thay đổi. Nếu sau này có điều kiện con sẽ ủng hộ xây nhà dưỡng lão tại Đà Nẵng”.

Bà N.T.T (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho rằng, nếu tư duy của mọi người dần thay đổi, không coi việc vào nhà dưỡng lão là bất hạnh thì giữa cha mẹ và con cái sẽ cởi bỏ được nhiều gánh nặng. Việc nên hay không nên đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão khi về già vẫn còn tạo ra những luồng ý kiến trái chiều.

Mong rằng xã hội sẽ dần cởi mở hơn khi nhà dưỡng lão sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí (thay vì gia đình nào cũng phải “cử” một người chăm sóc người già và thay vào đó một người già sẽ được chăm sóc bởi 1-2 chuyên gia), và phù hợp với cuộc sống hiện đại.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.