.
Nghĩ

Nghệ thuật "cãi nhau"

.

Trong suốt mùa bầu cử ở Mỹ, có lẽ, phần thú vị nhất của cuộc đua vào Nhà Trắng là những cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trước cử tri cả nước.

Không văn bản, không giấy bút, các ứng cử viên sử dụng toàn bộ kiến thức của mình để thuyết phục cử tri Mỹ về khả năng lãnh đạo đất nước và sự xứng đáng với chức vụ quyền lực nhất thế giới.

Bên cạnh đó họ thẳng thắn chỉ trích, đả kích nhau không thương tiếc từ vấn đề chính trị - xã hội lớn như nhập cư, khủng bố cho đến những vấn đề cá nhân như vụ bê bối tình dục của nguyên Tổng thống Bill Clinton… Tất cả đều được các ứng cử viên nêu lên để tranh cãi công khai.

Sau tất cả những tranh cãi đó, họ vẫn có thể hợp tác, làm việc cùng nhau (như trường hợp của ông Obama và bà Hillary). Dường như, họ có thể để sang một bên những hiềm khích, đả kích thậm chí mỉa mai đã dành cho nhau để cùng hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm việc vì tổ chức, vì đất nước, vì tình yêu dành cho công việc…

Việc chỉ trích nhau công khai và cùng bắt tay làm việc có lẽ là điều không lạ tại các quốc gia phương Tây. Hành động ném chiếc điện thoại iPhone hoàn chỉnh xuống hồ cá của Steve Jobs đã khiến tất cả các nhân viên trong công ty phẫn nộ và bùng nổ nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, họ vẫn phải thừa nhận rằng, những bong bong nhỏ xíu tỏa ra là minh chứng cho việc chiếc điện thoại vẫn còn nhiều khoảng trống vô nghĩa. Họ cần thu nhỏ và lấp đầy nó bằng các tính năng vượt trội khác. Chính hành động gây tranh cãi của Jobs đã giúp iPhone xây dựng nên đế chế điện thoại thông minh.

Trong khi đó, tại Việt Nam trong thời gian qua, dường như, những bất đồng thay vì được nêu lên trực tiếp, công khai để cùng tranh luận lại được thể hiện một chiều trên mạng xã hội. Ứng xử giữa người Việt không còn mang mặt người với nhau mà chỉ một người cùng màn hình điện thoại, máy tính.

Một nữ sinh tại Hà Nội từng uống thuốc trừ sâu vì bị ghép ảnh trên facebook. Công an Đà Nẵng cũng từng vào cuộc điều tra về việc nói xấu trên facebook mà một cô gái tại quận Thanh Khê chọn cách tự tử. Hay gần đây nhất là việc cựu quán quân Olympia nói xấu trường trên mạng xã hội…

Trong những vụ việc này, không có sự rạch ròi giữa người đúng, người sai. Tất cả chỉ được viết từ một phía và nhận được sự bình luận, trao đổi sôi nổi từ phía cộng đồng mạng – những người không liên quan trực tiếp đến câu chuyện. Dường như văn hóa chỉ trích tạo nên thói quen đầu tiên và trên hết là nghĩ đến lỗi lầm của người khác chứ không bao giờ nhìn lại lỗi lầm của mình.

Tranh luận trực tiếp có thể giúp tìm hướng giải quyết cho công việc chứ không phải làm tổn thương nhau. Tranh luận thẳng thắn thiết nghĩ còn là cách để học cách lắng nghe người khác, để đưa ra và dám đưa ra ý kiến bản thân, hình thành thói quen lập luận để bảo vệ ý kiến cá nhân trên cơ sở vẫn tôn trọng đồng nghiệp.

Trong khi đó, “trải lòng” về nhau trên facebook chỉ thỏa mãn được sự nóng giận tức thời và thói quen chỉ trích, đẩy vấn đề đi xa hơn khả năng giải quyết ban đầu, khiến mối quan hệ trong công việc bị phá vỡ và khả năng phản biện dần dần bị mài mòn…

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.