.

Nghiệt ngã

.

Giọng đứt quãng lúc vừa bước lên khỏi hồ bơi, Nguyễn Thị Ánh Viên tự đánh giá thành tích của mình tại đấu trường Olympic 2016 như thế. Vận động viên từng mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam tại đấu trường châu lục thiếu điều muốn khóc trước ống kính truyền hình: “Em thấy mình tệ thật khi không đáp lại lòng mong đợi của bà con ở quê nhà. Em mong mọi người thứ lỗi”. Nhìn Ánh Viên trong bộ dạng mỏi mệt, nghe Ánh Viên cố nén nỗi nghẹn ngào, không ít người trong chúng ta thấm thía chất khắc nghiệt của thao trường.

“Em thấy mình tệ thật khi không đáp lại lòng mong đợi của bà con ở quê nhà. Em mong mọi người thứ lỗi”. TRONG ẢNH: Vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. (Ảnh: TTXVN)
Em thấy mình tệ thật khi không đáp lại lòng mong đợi của bà con ở quê nhà. Em mong mọi người thứ lỗi”. TRONG ẢNH: Vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. (Ảnh: TTXVN)

Huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn cũng tự nhận rằng những gì Viên làm được ở đấu trường Rio chưa đạt yêu cầu. Dù không ai mong đợi cô gái vàng trên đường đua xanh của Việt Nam chạm tay đến huy chương ở đấu trường quy tụ đỉnh cao thế giới nhưng mục tiêu vượt qua vòng loại để vào chung kết tại ít nhất một cự ly, tiếp cận với  thành tích cao nhất của bơi lội thế giới là điều nằm trong tính toán. Tiếc là Viên đã không thể chạm đến cái đích này, vì tâm lý và cả vì chiến thuật.

“Thật tệ” cũng là lời tự trách của Nguyễn Thị Lệ Dung ở môn đấu kiếm, khi cô không thể vào sâu trong giải. Cũng như Ánh Viên, vận động viên này cảm thấy áy náy vì phải dừng bước quá sớm và muốn được khán giả ở quê nhà thứ lỗi. Giọng Dung chân thành, cứ như cô cảm nhận mình đang mang vào người một món nợ vô hình mà hãy còn lâu lắm mới có thể thanh thản trả xong.

Quả là nghiệt ngã con đường đến với vinh quang! Tự bao giờ, những sứ giả thể thao có lòng tự trọng, mang màu cờ sắc áo quê nhà thi thố tài nghệ ở đấu trường thế giới đã cảm nhận đoạn đường chông gai mà mình phải đương đầu. Dù phần đông công chúng xác định việc phó hội sân chơi Olympic đối với một nền thể thao non trẻ thiên nhiều về mục tiêu cọ xát, rèn giũa nhưng khi đã bước vào đấu trường, trực tiếp tranh tài với các đối thủ thì không ai trong những Ánh Viên, Phan Thị Hà Thanh, Thạch Kim Tuấn dễ dãi với chính mình.

Càng thêm mến yêu và cảm kích vẻ khiêm cung của Hoàng Xuân Vinh khi mang về cho xứ sở hai chiếc huy chương quý giá. Lúc chiến thắng ở viên đạn cuối cùng cự ly 10 mét súng hơi, anh biểu tỏ phong thái điềm nhiên, giấu chặt niềm phấn khích để bắt tay đối thủ trực tiếp vừa bị mình đánh bại. Sự tôn trọng đầy tinh thần thượng võ giới thiệu với bốn phương bè bạn về một phẩm hạnh của Việt Nam! Cũng vậy, khi trượt chân trong hai phát đạn cuối ở cự ly 50 mét súng ngắn khiến vuột mất chiếc huy chương vàng thứ hai, anh vẫn trầm tĩnh giấu nỗi thất vọng vào lòng để xoay qua chúc mừng đối thủ vừa đánh bại mình.

Không phấn khích đến độ kiêu căng khi chiến thắng, chẳng buồn phiền đến mức bi quan tuyệt vọng lúc vấp ngã, nhân vật vừa làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam ở đấu trường thế vận hội cung cấp cho chúng ta nhiều giá trị sâu xa hơn hai chiếc huy chương mà anh vừa vinh dự quàng vào cổ.

Từ Vinh đang phát đi một thông điệp không riêng cho anh mà cho cả nền thể thao nước nhà. Rằng chiến thắng chỉ có giá trị đúng nghĩa nếu nó trở thành động lực khích lệ, cổ vũ thể thao nước nhà hướng về phía trước với khát vọng, kế hoạch và mục tiêu cao hơn. Chiến tích ở Rio sẽ trở nên tai hại nếu nó bị biến thành vật phẩm để ai đó xưng tụng công trạng, thành bình phong che đậy các yếu kém, thiếu sót trong công tác quy hoạch, đào tạo, phát triển nhân tài thể thao, làm mờ những đôi mắt thiếu tầm nhìn xa.

Những Ánh Viên, Lệ Dung trong sâu thẳm tình tự sắc áo màu cờ đã biết tự trách mình còn yếu kém để thao thức nhìn về phía trước. Những người có trách nhiệm với thể thao nước nhà cũng cần biết thốt lên cái từ “tệ” đầy áy náy ấy để hướng phần việc của mình về phía thiết thực, hiệu quả hơn.

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.