.

Học kỹ năng: Càng sớm càng tốt

.

Kỹ năng mềm (KNM) hay còn gọi là Kỹ năng thực hành xã hội như thói quen cần được học tập, rèn giũa càng sớm càng tốt. Một cá nhân được “học” KNM sớm, bài bản, sẽ có sự trưởng thành khác biệt so với những cá nhân khác.

Các bé Trường mầm non Bình Minh tập tưới cây.(Ảnh do Trường mầm non Bình Minh cung cấp)
Các bé Trường mầm non Bình Minh tập tưới cây.(Ảnh do Trường mầm non Bình Minh cung cấp)

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, kỹ năng của trẻ được nghiên cứu và được các nhà giáo dục xây dựng chương trình đào tạo từ khi trẻ chưa đến 1 tuổi, thậm chí trẻ từ 0-6 tháng tuổi cũng đã có chương trình giáo dục kỹ năng riêng. Ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, khái niệm KNM giờ đây không còn xa lạ và đang được ngành giáo dục chú trọng ngay từ những bậc học đầu tiên.

Rèn luyện từ bậc mầm non

Đầu tháng 11, trong một ngày hửng nắng, công viên Đa Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) lại sống động bởi sự có mặt của các bé mầm non. Bé chơi xích đu, bé trượt ván, bé hái hoa, bé dõi theo đàn bướm, bé cùng bạn ca hát... Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh cho biết, đó là hoạt động, là lớp học thường ngày của nhà trường.

Trừ những ngày mưa gió, đúng 9 giờ sáng, sau khi tập thể dục, ăn sáng, uống sữa trong lớp, các em sẽ được các cô giáo dẫn ra công viên, vườn dạo, vườn cây thuốc nam của trường, siêu thị gần trường để vui chơi, sưởi nắng, khám phá thiên nhiên, cuộc sống quanh mình. Theo cô Trâm, đó cũng là cách vừa chơi vừa học được nhiều kỹ năng, thói quen tốt như biết tự chuẩn bị mũ, nước uống trước khi đi chơi, biết đi trật tự theo hàng, đến chơi vui vẻ, hòa thuận với các bạn ra sao, khi về như thế nào… Khuôn viên Trường mầm non Bình Minh thoáng, rộng (hơn 1.500m2), xung quanh lại được bao bọc bởi công viên, vườn dạo là điều kiện thuận lợi để cô trò trường có thể thực hiện những buổi dã ngoại bổ ích như trên mỗi ngày.

Bên cạnh những giờ học ngoài trời, trong lớp học, Trường mầm non Bình Minh cũng có những cách làm khá đặc biệt để đem đến những định hướng, kỹ năng tốt cho các cháu. Chẳng hạn, với chủ đề “Trường mầm non” (theo khung chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo) thay vì làm theo khuôn mẫu, thì trường lại đưa hình ảnh bếp ăn và cô cấp dưỡng làm trung tâm, để các bé biết, có bữa ăn ngon lành, bổ dưỡng, các cô cấp dưỡng đã phải tận tâm tận lực như thế nào. Các bé được tham gia nhặt rau, bóc trứng, làm bánh giúp nhà bếp với những việc làm vừa sức để biết giá trị bữa cơm mỗi ngày, biết làm một số việc vặt cần thiết, để về nhà chia sẻ với cha mẹ; các bé được cùng cô giáo phơi, gấp quần áo đồng phục cũ ủng hộ đồng bào trong đợt lũ lụt vừa qua…

Ý thức tầm quan trọng của vấn đề giáo dục kỹ năng ngay từ thơ bé, không riêng Trường mầm non Bình Minh, càng ngày, nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố áp dụng nhiều phương pháp, cách làm đa dạng, linh hoạt nhằm đưa đến hiệu quả giáo dục tốt nhất cho học sinh của mình. Như Trường mầm non tư thục Thần Đồng Việt, với mục tiêu rèn luyện sự tự tin, dạn dĩ cho các bé, trong các hội thi truyền thống như “con đã lớn khôn”, hội diễn văn nghệ, kể chuyện… của trường thì tất cả các bé đang theo học tại đây đều được lên sân khấu, kể cả những bé mới biết đi. “Chúng tôi không đặt nặng thành tích, với các bé Trường mầm non tư thục Thần Đồng Việt, sân khấu cũng là sân chơi. Để các bé phát triển tự nhiên, phát huy hết khả năng, sở trường của mình, chúng tôi không đặt các bé trong bất kỳ một áp lực thành tích nào, kể cả đối với giáo viên, các cô được linh hoạt, sáng tạo trong cách giảng dạy”, cô Cẩm Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không là chuyện ngày một ngày hai

Tháng 10-2015, Trường tiểu học Núi Thành được giao thí điểm phối hợp với Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội mở lớp dạy Kỹ năng sống (ngoài giờ học) cho học sinh, thu hút sự tham gia của trên 100 học sinh. “Tham gia khóa học có mấy tháng mà con trai tiến bộ hẳn. Sinh nhật vừa rồi, cháu tự tin đứng phát biểu trước bao người, chững chạc từ giọng nói, đến ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, tôi nhận không ra con mình luôn”, chị Minh Huyền, một phụ huynh có con tham gia khóa học kỹ năng vui vẻ thổ lộ.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào, phụ huynh có con em tham gia khóa học nào cũng nhận được kết quả với sự hài lòng như chị Huyền. Bằng chứng là ngày đầu, các lớp kỹ năng sống tại Trường tiểu học Núi Thành thu hút 150 học sinh, nhưng đến cuối đợt chỉ còn 50 em. Theo cô giáo Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường, giáo dục kỹ năng cho học sinh cần được lồng ghép trong mọi giờ học, mọi phong trào, mọi lúc mọi nơi. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường với gia đình. Thực tế, vấn đề giáo dục kỹ năng đã được ngành giáo dục quan tâm từ rất lâu rồi, rõ nhất là ở các môn học như Giáo dục công dân, Khoa học thường thức… “Hay như hồi mới học lớp 4, tôi nhớ đã được học cuốn kỹ năng phòng chống bão - Đó có lẽ là cuốn sách kỹ năng và vấn đề kỹ năng được đặt ra, gọi tên lần đầu tiên trong nhà trường”, cô Thu Nguyệt nhớ lại. Cũng theo cô Thu Nguyệt, ở Đà Nẵng, chừng 5-6 năm trở lại đây, phụ huynh bắt đầu quan tâm đến vấn đề giáo dục kỹ năng cho con em mình.

Nhưng đó là chuyện ở địa bàn trung tâm, một số trường điểm, còn địa bàn vùng ven, và tâm lý nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn vấn đề giáo dục KNM cho con em. Nhiều phụ huynh cho rằng, tham gia lớp học kỹ năng thì con phải tiến bộ ngay, không thấy con tiến bộ thì bỏ giữa chừng, hoặc gửi con đi học kỹ năng chỉ để có người trông con hộ thêm vài giờ sau giờ tan tầm, để tranh thủ công việc.

Theo chuyên gia Đồng Xuân Tứ - người sáng lập, Chủ tịch Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội, trực tiếp soạn giáo trình, giảng dạy kỹ năng cho hàng ngàn sinh viên, học sinh trong, ngoài thành phố, hạn chế lớn nhất của sinh viên, (kể cả người đã đi làm) ở Việt Nam là thái độ làm việc, sự nhìn nhận chưa chính xác về năng lực của bản thân, khả năng làm việc nhóm, sự tự tin…

Theo ông Tứ, chúng ta thường mắc bệnh “biết rồi”: Việc gì cũng tưởng biết rồi nhưng giữa biết với làm là một khoảng cách lớn, và biết với làm tốt, làm một cách chuyên nghiệp càng lớn hơn. Đó là những “lỗ hổng” về kỹ năng, thói quen, nếp nghĩ đóng khung từ nhỏ tới lớn. Việc giáo dục những KNM vì thế cần được bắt đầu càng sớm càng tốt và duy trì lâu dài, chứ không phải chuyện ngày một ngày hai. Thái độ nôn nóng của một số phụ huynh là không phù hợp. Ngoài việc học trên lớp, sự phối hợp của phụ huynh ở nhà tối quan trọng, kỹ năng cần nhuần nhuyễn thành thói quen mỗi ngày, nếu chỉ học lý thuyết ở lớp, không được thực hành, rèn luyện thường xuyên ở nhà, ở nhiều môi trường khác nhau cũng coi như bỏ.

Nắm bắt tâm lý “sốt” kỹ năng trên, trên địa bàn thành phố, ngoài các lớp dạy kỹ năng của Nhà Văn hóa Thiếu nhi, Học kỳ quân đội của Thành Đoàn khá nhiều trung tâm đào tạo KNM mọc lên, dưới nhiều hình thức. Nhiều trung tâm dạy tiếng Anh kết hợp mở lớp dạy kỹ năng… Song hiện tại chỉ có Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội là đơn vị duy nhất được Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường học và các hoạt động giáo dục kỹ năng ngoài giờ chính khóa từ bậc mầm non đến đại học. Từ năm 2015, ngoài việc đào tạo kỹ năng cho người đi làm, sinh viên, doanh nghiệp, Trung tâm này bắt đầu tổ chức thí điểm mở các lớp dạy kỹ năng trong Trường tiểu học Núi Thành, tiểu học Lý Công Uẩn. Năm nay, Trung tâm tiếp tục triển khai chương trình tại các Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu), tiểu học Lê Lai (quận Ngũ Hành Sơn) và tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà).

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.