.
Nghĩ

Tết chi mà cực

.

Phụ nữ đã có chồng, còn lùm đùm mấy đứa con mà còn hào hứng chờ Tết là coi bộ hơi bị nhí nhảnh. Không hiểu sao hồi nhỏ ai cũng thích Tết nhưng càng lớn người ta lại càng ngại Tết. Hỏi mấy chị, mấy cô về chuyện Tết nhất, ai nấy chỉ trả lời một tiếng: Sợ!

Sợ đầu tắt mặt tối lo cho gia đình, chăm chút nhà cửa đến đêm 30 mới lật đật đi gội cái đầu, chuốt lại bộ móng tay móng chân. Sợ nghĩa vụ chúc tụng, quà cáp, thăm hỏi hai bên gia đình, bốn bên nội ngoại. Sợ phận làm dâu với những cái Tết “mất tự do” trong nhà chồng.

Sợ quanh quẩn từ bàn ăn đến bồn rửa chén ngày mấy dạo. Và cái sợ phổ biến nhất của phụ nữ Việt ngày Tết hẳn là sợ cắm mặt trong bếp hết đãi khách đến cúng cơm. Theo tục lệ truyền thống, trước Tết, tầm 28, 29, 30 tháng Chạp, mọi người lại “rước” ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết.

Ông bà “về” đến nhà rồi thì ngày ba bữa con cháu thực hiện nghi lễ cúng cơm. Cơm có đơn sơ, đạm bạc cũng đủ ba món cá/thịt, canh, xào nóng hổi. Nấu nấu, nướng nướng xong lại xúm vào… than thở mệt cả hơi.

Tính ra thì ông bà đâu có đòi hỏi, chẳng qua do người sống tự đặt ra. Thử tưởng tượng bản thân mình là ông bà nhưng không phải ông bà tâm linh mà là người bằng xương bằng thịt từ quê được con cháu rước lên ăn Tết. Mấy ngày Tết, cứ tới bữa cơm lại nghe một tiếng thở dài, thử hỏi có vui sướng nuốt trôi?

Sao không thể đơn giản và vui vẻ hơn bằng cách gia đình ăn gì, “vọng” ông bà thức nấy kiểu như ăn lẩu - mời lẩu, ăn bánh chưng - mời bánh chưng hoặc cùng thưởng thức vị Tết với món thịt heo cuốn bánh tráng. Vậy có đủ ý nghĩa sum vầy?

Cũng vì sợ Tết nên nhiều người xôn xao “bàn mưu” thoát Tết. Nào là về quê trước Tết để đến Tết khỏi về. Nào khóa cửa nhà, “vác ba lô lên và đi”, riết rồi ông bà con cháu cũng dần quen đến Tết lại a-lô hỏi nhau đang du lịch chốn nào. Không biết cách đón Tết kiểu nào thực sự thú vị hơn, nhưng cách “chạy trốn” này có vẻ đang trở thành xu hướng của nhiều gia đình từ hiện đại đến truyền thống.

Tôi chỉ hóng Tết chứ chưa cảm nhận Tết khốn khổ kiểu gì mà phải tìm cách thoát. Tôi cũng chưa từng trải nghiệm những cái Tết vi vu xa nhà nên càng không biết Tết không sum vầy thú vị hơn ra sao. Có điều, trong số những chị, những cô tôi hỏi chuyện Tết nhất, chỉ thấy duy nhất một người cảm thấy sợ Tết chỉ vì Tết năm nay không còn được chộn rộn lo toan.

Cả mẹ chồng và mẹ ruột chị đều ra đi trong một năm và đây là cái Tết đầu tiên chị không còn mẹ để cùng sắm soạn. Những tất bật, rối tay, rối chân chuẩn bị ngày Tết cũng bỗng nhiên chẳng còn, chỉ đọng lại sự rảnh rỗi đến đơn côi.

Ở tuổi này, chị đã chuẩn bị tinh thần một ngày sẽ không còn mẹ cùng đón Tết, nhưng khi điều đó xảy đến, chị vẫn không đủ sức mạnh vượt qua nỗi chông chênh khi sẽ vĩnh viễn mất đi những cái Tết thật bận bịu cùng người mình yêu thương nhất. Tết mồ côi với chị mới thật đáng sợ!

Lại có một chị, thiệt ruột nói rằng, có đến chết chị vẫn thích Tết hơn ngày thường dù bận rộn hơn. Bởi đó là cái bận để biết mình còn… sống. Có Tết mới được đón giao thừa, được gặp con cháu ở xa về, được thấy người già thêm một tuổi, được thấy lộc bàng non nhú lên sau những ngày đông…

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.