.

Góp phần làm nên thương hiệu du lịch

.

Là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, hằng năm, tại Đà Nẵng diễn ra hàng chục lễ hội truyền thống lẫn hiện đại. Việc xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào lễ hội hứa hẹn là mảnh đất vàng nhằm thu hút du khách tham gia vào các loại hình du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng ở địa phương.

Bài chòi, một hoạt động văn hóa truyền thống của vùng đất Quảng, thường được giới thiệu trong các lễ hội tổ chức ở Đà Nẵng.  Ảnh: H.N
Bài chòi, một hoạt động văn hóa truyền thống của vùng đất Quảng, thường được giới thiệu trong các lễ hội tổ chức ở Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo

Thống kê cho thấy, Đà Nẵng hiện có trên dưới 30 lễ hội được tổ chức hằng năm. Từ những lễ hội truyền thống như lễ hội đình làng Túy Loan, Hòa Mỹ, Hải Châu; lễ hội Cầu ngư, lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Mục đồng, lễ hội đua thuyền truyền thống, Đà Nẵng đã chủ động tổ chức những lễ hội mang tính chất giải trí dành cho người dân và du khách như lễ hội pháo hoa, lễ hội ẩm thực quốc tế, đường chạy sắc màu, lễ hội âm nhạc - giải trí…

Cùng với chiến lược phát triển, hoàn thiện các sự kiện, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, thể thao bãi biển, du lịch kết hợp hội thảo (MICE), trong năm nay, thành phố kỳ vọng sẽ đón khoảng 6,3 triệu lượt khách, tổng thu du lịch khoảng 18.500 tỷ đồng.

Một trong những động lực thúc đẩy ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục định hình sản phẩm du lịch lễ hội là danh hiệu “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading Festival and Event Destination) được World Travel Awards (WTA) trao cho thành phố, tháng 10-2016.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để nhận danh hiệu này, Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến hàng đầu châu Á như Bắc Kinh, Hồng Kông, Macau, Seoul, Băng Cốc, Thượng Hải, Kuala Lumpur, Singapore, dựa trên các tiêu chí như: các hoạt động sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế; sức hấp dẫn của tài nguyên và sản phẩm du lịch của điểm đến; khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ của điểm đến; mức độ hài lòng của khách du lịch đối với điểm đến.

Cũng theo ông Bình, thời gian tới, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch lễ hội gắn liền với đời sống cộng đồng dân cư, đẩy mạnh khai thác những sản phẩm mang đời sống tinh thần của người dân như lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Mục đồng, lễ hội đua thuyền truyền thống... Ngoài phần “lễ” sẽ tập trung xây dựng phần “hội” mang bản sắc riêng của vùng đất, đáp ứng đời sống văn hóa cũng như bảo đảm tính an toàn, thân thiện trong mỗi lễ hội.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn và khả năng hút khách của loại hình du lịch lễ hội. Sự kiện mở ra cơ hội quảng bá hình ảnh vừa truyền thống, vừa hiện đại mà Đà Nẵng đang hướng tới. Gần 10 năm qua, chương trình “Điểm hẹn mùa hè” diễn ra vào giữa mùa du lịch biển đã góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp hiếm có của biển Đà Nẵng.

Cùng với những lợi thế như bãi biển luôn sạch sẽ, dịch vụ nghỉ dưỡng phong phú, nơi sinh sống của nhiều loài hải sản, rặng san hô…, thành phố cũng đang đẩy mạnh dịch vụ thể thao bãi biển. Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng cho rằng, những hoạt động trong chương trình du lịch này được làm mới mỗi năm, theo xu hướng “Thành phố sự kiện”, góp phần thu hút du khách đến Đà Nẵng nhiều hơn. Lễ hội biển được tổ chức định kỳ hằng năm luôn đề cao tính cộng đồng với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, để người dân và du khách đều có thể tham gia. Có thể nói, “Điểm hẹn mùa hè” đã giúp biển Đà Nẵng hấp dẫn và sinh động hơn. Đồng thời, “biến” một nơi còn ẩn mình lặng lẽ những năm trước trở thành một bãi biển nổi tiếng, đón cả triệu lượt khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, “Điểm hẹn mùa hè” đã trở thành sự kiện thường niên, nên các hoạt động sẽ luôn được làm mới theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp để phục vụ người dân và du khách ngày một tốt hơn. Lễ hội sắp tới cũng sẽ được xã hội hóa, huy động sự góp sức đầy tiềm năng của những doanh nghiệp, giúp xây dựng những chương trình chuyên sâu hơn, đa dạng hơn. “Chúng tôi mong muốn chương trình du lịch này vượt lên trên tầm sự kiện, trở thành lễ hội du lịch biển có quy mô, đẳng cấp và không chỉ kéo dài trong khoảng 7 đến 10 ngày, mà nó sẽ được kết nối với những hoạt động khác, trở thành chuỗi, xuyên suốt mùa du lịch biển”, ông Vũ chia sẻ.

Tiềm năng nhiều, khai thác ít

Là thành phố biển, đời sống văn hóa Đà Nẵng gắn với những lễ hội cầu ngư. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đầy đủ các thủ tục như lễ nghinh cá Ông, lễ vọng, lễ cúng cô hồn, lễ tiểu khước, xây chầu, hát bả trạo… Trong khi đó, phần hội hấp dẫn và sôi nổi bởi các trò chơi như ngoáy thúng, bơi thúng, gánh cá, đan lưới, kéo co, nhảy bao bố…

Nhạc sĩ Trần Hồng, người có nhiều nghiên cứu về văn hóa vùng biển cho biết, Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng được tổ chức rải rác từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, mang đậm văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những lễ hội này cũng chỉ là hoạt động mang tính địa phương, mạnh ai nấy làm, chưa có sự chung tay, góp sức từ ngành du lịch cũng như chưa được quảng bá rộng rãi đến du khách. Theo ông, nếu được tổ chức bài bản hơn, lễ hội cầu ngư chắc chắn sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố thời gian tới.

Một lễ hội khác, quy mô nhỏ hơn, nhưng nhiều năm qua đã tạo nên dấu ấn riêng của khu nghỉ dưỡng Furama Resort. Đó là lễ hội ẩm thực “Chợ quê ngày Tết” với những món ăn dân dã, đậm hương vị Việt Nam. Bếp trưởng Furama Doãn Văn Tuấn cho biết, “Chợ quê ngày Tết” đã được tổ chức liên tục trong 6 năm qua nhằm giới thiệu các món ăn cổ truyền, mỗi năm thu hút khoảng một nghìn khách du lịch địa phương và quốc tế.

Những món ăn truyền thống của Việt Nam khi được nấu, trình bày và nâng lên tầm lễ hội đã neo đậu trong lòng mỗi người nỗi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Khoảng hai năm gần đây, nhiều gia đình đưa con trẻ đến chợ quê này, những mong con cảm nhận được những giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống mà người Việt đang giữ gìn. Đây được xem là thành công ngoài mong đợi của một lễ hội ẩm thực dành cho du khách.

Bài học du lịch từ Hội An cho thấy, địa phương này đã khai thác rất tốt những lễ hội nhỏ, mang yếu tố cộng đồng dân cư như lễ hội cầu ngư, lễ hội lồng đèn, lễ hội làng quạt, lễ hội bắp nếp Cẩm Nam, lễ hội làng lụa… nhờ đưa vào đó những yếu tố truyền thống từ phố đến làng. Trong đó, người dân là chủ thể, là “linh hồn” làm nên thành công cho lễ hội.

Trong khi đó, các lễ hội của Đà Nẵng diễn ra chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa gắn kết sâu rộng cộng đồng. Thiết nghĩ, thời gian tới, Đà Nẵng cần tập trung chọn lọc những lễ hội đặc sắc, ấn tượng, kết hợp với công tác quảng bá để tạo nên những sản phẩm du lịch lễ hội mang thương hiệu địa phương, có chất lượng để thu hút du khách.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.