.

Từ Đà Nẵng đến Sài Gòn - Hai vấn đề cấp bách

.

Trưa ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được giải phóng, tin này loan nhanh đi khắp nơi khiến nhiều người ứa nước mắt và tràn ngập tiếng cười. Thời gian hơn một tháng ngay sau đó, ngoài việc thực hiện 10 nhiệm vụ quan trọng (thông qua tại buổi họp đầu tiên ngày 1-4-1975 của Ủy ban Quân quản các cấp của Đà Nẵng), thì có hai vấn đề lớn được Khu ủy 5 lãnh đạo thực hiện để hỗ trợ giải phóng và tiếp quản Sài Gòn sau này, nhất là kinh nghiệm tiếp quản, xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng mới và vấn đề sử dụng người của chính quyền cũ.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, khởi đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975) đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.  Trong ảnh: Một đơn vị quân giải phóng qua cầu Trình Minh Thế tiến vào Đà Nẵng.Ảnh: TTXVN
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, khởi đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975) đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong ảnh: Một đơn vị quân giải phóng qua cầu Trình Minh Thế tiến vào Đà Nẵng.Ảnh: TTXVN

Đà Nẵng với đặc thù là thành phố, là căn cứ quân sự lớn thứ hai ở miền Nam (sau Sài Gòn), mặc dù trước đó Trung ương, Khu ủy 5 và Đặc khu ủy Quảng Đà có đưa ra các phương án tiếp quản cụ thể cho Đà Nẵng (cũng như các tỉnh khác trên địa bàn Khu 5) nhưng cũng dự báo sẽ không tránh khỏi những sự việc phát sinh ngoài ý muốn, nhất là thông qua đó sẽ rút kinh nghệm cho việc tiếp quản Sài Gòn. Do vậy, ngay khi bắt tay vào thực hiện 10 nhiệm vụ chính sau giải phóng, Bộ Chính trị và Khu ủy 5 đã thành lập một đoàn công tác và phân chia các bộ phận cùng lúc đi khảo sát các tỉnh, thành để kịp thời gian trong tình thế quân ta “tiến công như vũ bão” về Sài Gòn.

Trong vấn đề kinh nghiệm quản lý và tiếp quản, theo một Công điện số 08/B08 của đoàn công tác gửi Ban Bí thư vào ngày 20-4 cho biết lịch trình và kết quả của đoàn như sau (1): “Trưa ngày 16-4, chúng tôi đến sân bay Đà Nẵng, có anh Chu Huy Mân và một số đồng chí khu tỉnh ra đón. Sau đó, chúng tôi về Hội An là nơi Khu ủy đóng. Tôi có nghe các đồng chí Khu ủy báo cáo. Ngày 17 và 18-4, chúng tôi ra thăm một số cơ sở ở Đà Nẵng: sân bay, quân cảng, thương cảng, nhà máy dệt, đề pốt xe lửa, khách sạn, bệnh viện và một số khu phố. Tối ngày 17-4, nghe các đồng chí Tỉnh ủy báo cáo, chiều ngày 18-4 đến Bộ Tư lệnh Quân khu gặp anh Mân, anh Chánh, thăm Sư đoàn 2 (của Quân khu).

Ngày 19-4 làm việc ở Khu ủy, anh Hoàng Anh cũng ở Huế đến. Anh Năm Công cũng vừa từ Nha Trang về, anh San ở Tây Nguyên về được nghe các anh ấy cho biết tình hình mới ở các địa phương. Anh Nguyễn Tường Lân - Bộ Giao thông cũng đến báo cáo tình hình khôi phục đường sắt Huế - Đà Nẵng, thương cảng Đà Nẵng và tình hình khôi phục cầu đường ô-tô, tổ chức Ty Giao thông vận tải của tỉnh Quảng Nam. Sáng ngày 21-4, đoàn chúng tôi và đoàn anh Hoàng Anh đã họp chung với Thường vụ Khu ủy để truyền đạt tinh thần chính sách mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường vụ Chính phủ. Chúng tôi cũng nêu lên những ý kiến truyền đạt về những việc cấp bách hiện nay của việc tiếp quản Đà Nẵng. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu các đề nghị của Khu ủy. Tất cả việc xem xét tình hình và những đề nghị cụ thể, chúng tôi đã ghi thư cho giao thông về thẳng Trung ương có thể tối ngày kia (23-4) Văn phòng sẽ nhận được”.

Theo đó, trong đợt khảo sát kinh nghiệm này, có 2 việc cấp bách mà đoàn đã đề nghị để phù hợp với thực tế sau giải phóng: Cho hoãn không thi hành giá gạo 300 đồng/1kg (vấn đề giải quyết mấu chốt về lương thực) và việc trả phụ cấp tạm thời cho những nhân viên của chế độ cũ nên giải quyết sớm và thống nhất từ Huế trở vào. Điều đáng nói ở đây là mặc dù Đà Nẵng được giải phóng dường như nguyên vẹn nhưng kinh nghiệm cho thấy, ngay sau giải phóng, để giải quyết công việc này cần có một đội ngũ cán bộ tương ứng. Đoàn cho biết rằng, “kinh nghiệm trong việc tiếp quản Đà Nẵng dễ bị phá phách và tháo gỡ rất nhiều, sau này việc tiếp quản Sài Gòn phải có một bộ máy và cán bộ tương đối để làm trong vài tháng thì mới bảo đảm. Đề nghị cho chuẩn bị cán bộ ngay. Phải có hàng nghìn người mới làm xuể. Đây là bài học cho Sài Gòn sắp tới”.

Trước diễn biến mau lẹ của tình hình, đoàn xin ý kiến Ban Bí thư có nên đi thẳng vào chiến trường B2 (vào miền Đông Nam bộ để kịp thời hoạch định việc tiếp quản Sài Gòn sau giải phóng) hay đi theo lịch trình. “Tình hình liệu có biến chuyển nhanh không? Chúng tôi có cần vào B2 sớm không, hay cứ theo chương trình cũ. Dự kiến chương trình sắp tới sẽ là: Ngày 21-4 đi Quy Nhơn. Ngày 22-4 đi Nha Trang. Ngày 23-4, 24-4, 25-4 ở Nha Trang và Cam Ranh. Ngày 26-4 đi Đà Lạt. Sau đó đi B2”. Và trên thực tế, đoàn đã có sự thay đổi kế hoạch, bỏ qua một vài nơi để tiến vào B2. Như vậy, qua hoạt động của đoàn khảo sát cho thấy trong việc tiếp quản Sài Gòn sau ngày 30-4 đã rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn ở chiến trường Quảng Đà, nhất là đô thị Đà Nẵng.

Vấn đề thứ hai quan trọng không kém, thể hiện chính sách của Trung ương Đảng về hòa giải, hòa hợp dân tộc vào thời điểm 1975 - đó là vấn đề sử dụng người chế độ cũ. Ngay trong ngày 29-3-1975, Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy 5 Hồ Nghinh và Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận cùng với bộ phận tiền phương của Khu 5 và Đặc khu ủy Quảng Đà vào thành phố Đà Nẵng (làm việc tại ngôi nhà số 245 Phan Châu Trinh), một cơ sở cách mạng trong nội thành để chỉ đạo phong trào.

Nhận rõ tính cấp thiết của vấn đề này, ngay lúc 8 giờ tối cùng ngày, đồng chí Võ Chí Công phát hành Công điện số 63 gửi Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ(2): “Sau khi ta giải phóng và tiếp quản thành phố, thị xã có nhiều vấn đề phức tạp, sẽ lần lượt nghiên cứu giải quyết. Riêng vấn đề nhân viên công chức bộ máy ngụy quyền của địch, khi ta vào tiếp quản đã có hàng ngàn người ra trình diện, đăng ký. Một số xin ta được tiếp tục phục vụ cách mạng và ta cần sử dụng họ”.

Theo đó, Khu ủy 5 chủ trương: “Đối với số nhân viên công chức phản động, gian ác và bọn làm chính trị trong các cơ quan có tính chất chính trị, cơ quan trực tiếp đàn áp cách mạng như công an, chiến tranh tâm lý chiêu hồi, bình định… thì không sử dụng. Đối với số nhân viên công chức thuộc các ngành chuyên môn khoa học kỹ thuật, các ngành kinh tế-xã hội, chăn nuôi, y tế, thương mại, giao thông, điện nước, bưu điện, dạy học… trước mắt nên sử dụng họ. Nhưng phải chưa vào biên chế ngay mà cần tiếp tục chọn lọc, giáo dục tư tưởng, chính trị rồi sẽ lần lượt nhận vào biên chế sau. Chú ý tăng cường giáo dục giúp đỡ họ về chính trị, tư tưởng và phải cảnh giác đề phòng tay chân địch cài lại. Số ta sử dụng tạm cấp cho họ như mức cấp đối với anh em nhân viên hay cơ sở của ta. Đối với số giỏi về chuyên môn kỹ thuật có thể cấp thêm cho họ một ít, bằng mức cấp anh em sơ cấp của ta” (3). Ngay ngày hôm sau (1-4), Khu ủy đã đánh điện cho tất cả các tỉnh, thành thực hiện nghiêm chỉnh chính sách này.

Ý nghĩa chủ trương này của Khu ủy 5 được thực hiện rất hiệu quả ở Đà Nẵng và tránh được cùng lúc hai trình trạng: những người phục vụ trong chế độ cũ không lo chạy trốn, tránh việc gây phức tạp thêm tình hình an ninh chính trị; đồng thời chính quyền cách mạng có thêm nhân lực để ổn định tình hình trên các mặt. Đơn cử như ngay từ sau ngày giải phóng, các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Tổng y viện Duy Tân, bệnh viện tuyến quận, huyện vẫn tiếp tục hoạt động bình thường với sự tham gia tích cực của đội ngũ bác sĩ là những bác sĩ, y tá được lưu dung. Đây cũng là một bài học lớn trong việc tiếp quản và sử dụng người của chế độ cũ ở Sài Gòn sau này. Và bài học này đến nay vẫn còn có giá trị thực tiễn về thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, về việc xóa bỏ dần khoảng cách ý thức hệ trước đây, tránh tư duy “bên thắng cuộc được tất cả” để cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước.

VÕ HÀ


(1) “Điện số 08/B08, ngày 20-4-1975 gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng”. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Ký hiệu Y-v-104.

(2) “Công điện số 63 của Khu ủy 5 gửi Bộ Chính trị ngày 29-3-1975. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Ký hiệu Y-III-245.

(3) “Công điện số 63 của Khu ủy 5 gửi Bộ Chính trị ngày 29-3-1975. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Ký hiệu Y-III-245.

;
.
.
.
.
.