.

Nghĩ về đất nước sau năm 1975

.

1. Ngay sau khoảnh khắc người Đà Nẵng Bùi Văn Tùng - Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Quân Giải phóng kết thúc bài phát biểu ở Đài Phát thanh Sài Gòn: “Tôi, Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203, đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm dinh Độc Lập long trọng tuyên bố: thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”, Tổ quốc ta chính thức chuyển sang một trang sử mới: đất nước đã tái thống nhất sau hơn 20 năm tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc.

Từ những năm tháng chiến tranh, thống nhất đất nước luôn là khát vọng cháy bỏng của mọi người Việt. Ở bên kia Bến Hải, nhà thơ Tế Hanh từng viết hai câu thơ rất hay về khát vọng này: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu (Nói chuyện với sông Hiền Lương, 1959).

Ở bên ni Bến Hải, nhiều đô thị như Sài Gòn, Đà Nẵng… cũng đều có một đường phố được đặt tên là Thống Nhất. Cả sau khoảnh khắc lịch sử nói trên, người Việt vẫn luôn nghĩ về thống nhất đất nước, không chỉ vì giang sơn cơ bản đã được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, mà còn vì thống nhất bao giờ cũng gắn liền với toàn vẹn lãnh thổ…

Không phải ngẫu nhiên mà ở Thành phố Hồ Chí Minh, dinh Độc Lập được đổi tên thành hội trường Thống Nhất, sân vận động Cộng Hòa được đổi tên thành sân vận động Thống Nhất, và ngày 31-12-1976, hai con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát cùng giờ tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, khai thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam trong niềm phấn khởi của đồng bào cả nước.

Quang cảnh buổi mít-tinh ra mắt Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn sau ngày giải phóng 30-4-1975.  							Ảnh: TTXVN
Quang cảnh buổi mít-tinh ra mắt Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn sau ngày giải phóng 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

2. Sống trong những ngày tháng hòa bình và trong niềm vui “nối vòng tay lớn” (chữ của Trịnh Công Sơn), người Việt vẫn luôn nghĩ về thống nhất đất nước, vì như vừa nói trên, thống nhất bao giờ cũng gắn liền với toàn vẹn lãnh thổ, mà toàn vẹn lãnh thổ thì vẫn đang là một khát vọng còn cháy bỏng hơn khát vọng thống nhất đất nước mấy mươi năm trước.

Hơn 40 năm trôi qua, giờ đây câu chuyện “vẫn chưa thể gọi là hoàn toàn giải phóng” vẫn luôn là nỗi trăn trở thường nhật không chỉ của người Đà Nẵng mà còn của người Khánh Hòa và rộng hơn là của mọi người Việt Nam yêu nước. Riêng với người Đà Nẵng, ngày nào cũng là ngày 19 tháng 1 - ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ huyện đảo Hoàng Sa hơn bốn mươi năm trước, và/vì với họ còn nhớ là chưa mất, chỉ mất khi đã lãng quên đi!

3. Hơn 40 năm trước, người Đà Nẵng đã chứng kiến sự hy sinh của người chiến sĩ biệt động thành Nguyễn Văn Dự ở đầu cầu Trần Thị Lý - cây cầu lúc đó còn mang tên viên tướng Bình Xuyên Trình Minh Thế. Những tưởng đó là người liệt sĩ cuối cùng ngã xuống để giành lại độc lập, giành lại non sông gấm vóc.

Nhưng rồi máu người Đà Nẵng nói riêng và máu người Việt nói chung vẫn tiếp tục đổ trong hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam từ sau 1975 và biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979, vẫn tiếp tục đổ trong cuộc hải chiến không cân sức bảo vệ Trường Sa tháng 3 năm 1988. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà ở Đà Nẵng có con rồng sắt biết phun nước và phun lửa.

Rồng phun nước - biểu tượng của mưa thuận gió hòa - không có gì đáng nói vì rất phù hợp với hình ảnh con rồng xưa nay trong cái nhìn truyền thống của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, điều đáng nói ở đây là rồng phun lửa.

Truyền thuyết Việt Nam từng xuất hiện hình ảnh con ngựa sắt của Thánh Gióng phun lửa thiêu đốt kẻ thù trong chiến trận, vì thế khi con rồng sắt của người Đà Nẵng ngày nay phun lửa thì đó chính là ngọn lửa tượng trưng cho nhiệt huyết nồng cháy sục sôi của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, hiểu rất rõ cái giá của một ngày bình yên nhưng khi cần lại biết sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mình.

4. Khi những người Việt sinh sau năm 1975 lớn lên, đất nước tiếp tục bước sâu vào công cuộc Đổi Mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo với nhiều thành tựu đáng kể, cho nên với họ những nhọc nhằn của một thời bao cấp kế hoạch hóa dường như chỉ còn là cổ tích.

Còn những người Việt các thế hệ trước thì thường tự hỏi và bảo nhau rằng không biết đất nước sẽ đi về đâu, sự nghiệp cách mạng và khát vọng đổi đời của cả dân tộc sẽ ra sao nếu như năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng không dũng cảm vượt qua những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời để đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Đầu năm 2016, đánh giá công cuộc Đổi Mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn”.

Người giữ vai trò kiến trúc sư trưởng của công cuộc đổi mới đất nước hồi ấy là Tổng Bí thư Trường Chinh, đó là điều đã được lịch sử thừa nhận. Có điều người Đà Nẵng vẫn luôn tự hào về những đóng góp của dân Quảng  mình và nhất là của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng Hồ Nghinh vào sự nghiệp đổi mới đất nước ngay từ những năm ông còn công tác ở quê nhà - đóng góp bằng những điều mà nhờ lấy thực tiễn làm thước đo chân lý ông đã quyết định không những đúng mà còn mang tính tiên giác, và đóng góp bằng cả những điều do không vượt qua được lỗi hệ thống ông đã quyết định không đúng với quy luật phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

5. Trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ của sinh viên học sinh miền Nam vào đầu thập niên 70 thế kỷ XX, đã vang lên một lời ca hào sảng hùng hồn như mệnh lệnh của trái tim: “Nếu là Người tôi sẽ chết cho quê hương” (ca khúc Tự nguyện của Trương Quốc Khánh).

Tuy nhiên Tổ quốc không chỉ cần những người sẵn lòng chết cho quê hương mà còn cần thậm chí rất cần những người sẵn lòng sống cho quê hương, sống hết mình vì quê hương, vì sự giàu mạnh của quê hương. Đây cũng là chỗ khác nhau giữa cách thể hiện lòng yêu nước của thế hệ người Việt đương đại với cách thể hiện lòng yêu nước của các thế hệ cha anh ngày trước.

Sống hết mình vì quê hương, vì sự giàu mạnh của quê hương trước hết là sống hết mình vì công việc, vì công vụ mà mình đang đảm trách. Muốn thế phải có tài năng. Có người nói rằng số đông thế hệ người Việt đương đại được đào tạo bài bản hơn nhiều so với những thế hệ người Việt trưởng thành trong chiến tranh giải phóng thì đương nhiên là có tài năng rồi.

Đó cũng là một quan niệm không phải hoàn toàn thiếu cơ sở. Thế nhưng từ chỗ được học hành bài bản theo hệ thống trường lớp, có nhiều bằng cấp đến chỗ khẳng định tài năng trong thực tế vẫn còn một khoảng cách có khi khá xa. Học không giỏi khó mà làm nghề cho giỏi, song không phải ai học giỏi cũng đều làm nghề giỏi, và điều quan trọng là thời chúng ta đang sống đây không ai chỉ học một lần mà có thể ung dung làm nghề một đời, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, lạc hậu trong nghề xem như đã đứng ngoài cuộc.

Sống hết mình vì công việc, vì công vụ mà mình đang đảm trách còn đòi hỏi thế hệ người Việt đương đại phải có tinh thần hợp tác, sẵn lòng hợp tác với người khác. Nhiều người nói rằng người Việt đương đại rất coi trọng cá nhân, khác với thiên hạ năm châu bốn biển - và khác cả những thế hệ người Việt trưởng thành trong chiến tranh giải phóng - thường coi trọng tập thể.

Đây cũng là một cách nhìn không phải không có sức thuyết phục. Tuy nhiên nhìn sâu hơn vào thực tế, có thể thấy người Việt đương đại rất dễ cá nhân ở những chỗ cần tinh thần tập thể, song lại rất hay tập thể ở những chỗ cần sự khẳng định của cái tôi cá thể. Sáng tạo trong văn học nghệ thuật cũng như trong khoa học kỹ thuật chẳng hạn, thị hiếu thẩm mỹ chẳng hạn, tinh thần trách nhiệm sẵn sàng nhận lỗi nhận sai chẳng hạn… rất cần sự khẳng định của cái tôi cá thể thì mình lại rất tập thể; trong khi đó chung tay nâng tầm ý tưởng chẳng hạn, liên kết hợp tác để phát triển chẳng hạn… rất cần tinh thần tập thể, cần tiếng vỗ tay đều khắp nhịp nhàng thì mình lại rất cá nhân, một mình một cõi hẹp hòi. Muốn sống hết mình vì công việc, vì công vụ mà mình đang đảm trách rất nên khắc phục sớm nhược điểm này.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.