.

Sức sống những mô hình

.

Để góp phần gìn giữ bình yên từng nhà dân, con đường, khu phố, phải kể đến các mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả tại chính các khu dân cư, khơi dậy sức mạnh đoàn kết, trách nhiệm phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội của toàn dân. Ba mô hình: “Tiếng kẻng an ninh vây bắt tội phạm”, “Ban tự quản về an ninh trật tự ở khu dân cư” và “Câu lạc bộ giúp nhau cùng tiến” của phường Hòa An, quận Cẩm Lệ từ năm 2009 là những điển hình như thế.

Từ 2009, tiếng kẻng an ninh vây bắt tội phạm đã trở thành niềm tự hào của người dân khu dân cư số 10, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Ảnh: T.T
Từ 2009, tiếng kẻng an ninh vây bắt tội phạm đã trở thành niềm tự hào của người dân khu dân cư số 10, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Ảnh: T.T

Với 3 mô hình trên, năm 2009, phường Hòa An trở thành địa phương dẫn đầu và là một trong những điểm sáng về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) của thành phố Đà Nẵng, vinh dự đón nhận cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ Công an. Trải qua gần 10 năm hoạt động, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” và “CLB giúp nhau cùng tiến” vẫn vẹn nguyên sức sống, chỉ một mô hình không thể tiếp tục duy trì, vì không còn phù hợp.

“Giúp nhau cùng tiến”

Xóm Trụ Vôi (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) khét tiếng một thời, bởi từ trước năm 1975, nơi đây được xem là “đất” của các tệ nạn xã hội từ cờ bạc đến ma túy, mại dâm. Hàng chục năm sau giải phóng, người dân nơi đây vẫn ngại ra đường vào buổi tối. Không chỉ sợ sự liều lĩnh của những “con nghiện” lên cơn, mà sợ cả những đối tượng một thời liều lĩnh đã mãn hạn tù “chờ thời” ở khắp nơi.

Theo ông Đỗ Tấn Bình, Bí thư Chi bộ Khu dân cư 14 (xóm Trụ Vôi xưa), đó chính là lý do năm 2008, “Câu lạc bộ giúp nhau cùng tiến” (gọi tắt là CLB) ra đời tại khu dân cư này. Từ đó đến nay, CLB đã động viên hàng trăm đối tượng mãn hạn tù, thanh niên chậm tiến, nghiện ngập, đối tượng chuyên gây rối trật tự, bạo lực gia đình tìm được con đường sống đúng đắn. “Có lần mẹ con một đối tượng nghiện ma túy đã lao đến nhà tôi trong đêm tối khóc than, cầu xin giúp đỡ.

Khi đó, vợ con tôi đã vô cùng hoảng hốt. Rất nhanh sau đó, tôi vừa tìm cách trấn an đối tượng, vừa phải trấn an gia đình mình”, ông Bình kể. Bằng cái tâm chân thành, sự khéo léo và rất nhiều trường hợp - cần cả sự dũng cảm và hy sinh, các thành viên trong câu lạc bộ đã dần đem sự yên ấm, hy vọng trở lại cho nhiều gia đình, nhiều hoàn cảnh tưởng đã đi vào ngõ cụt, tăm tối.

Không chỉ dừng lại ở những lời khuyên, động viên từ đáy lòng, CLB còn vận động, liên kết với nhiều tổ chức đoàn thể tìm việc làm, nguồn vốn vay để các đối tượng làm lại cuộc đời. Bởi, chỉ khi giải được bài toán kinh tế mới có thể đảm bảo các đối tượng từng phạm tội không lặp lại lầm lỗi trong quá khứ. Ngày mới thành lập, CLB chỉ có vài thành viên là các đảng viên nòng cốt của Chi bộ khu dân cư, đến nay, CLB ngày càng được kiện toàn chặt chẽ hơn với 12 thành viên gồm Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ, 7 tổ trưởng của 7 tổ dân phố cùng đại diện của Mặt trận, các đoàn thể tại khu dân cư. CLB được đánh giá là một trong những mô hình có sức sống bền bỉ và hoạt động hiệu quả nhất trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ…

Tuy nhiên, điều khiến ông Bình và các thành viên trong CLB lo lắng, trăn trở nhất, chính là các loại tội phạm gây mất trật tự, lún sâu vào các tệ nạn ở ngoại tỉnh đến thuê trọ ngày càng phức tạp, liên tục di chuyển chỗ ở, cách thức hoạt động nên rất khó quản lý. “Khi phát hiện bất thường, dù ở khu dân cư hay các khu vực trọ, chúng tôi đều lập tức báo lên chính quyền, cơ quan công an, song, thực tế các tội phạm lẩn khuất khá phức tạp. Thực sự, rất cần những giải pháp quản lý nơi cư trú chặt chẽ hơn, đối với các đối tượng này”, ông Bình trăn trở.

Tiếng kẻng trong đêm

Một trong những niềm tự hào của Chi bộ thuộc khu dân cư số 10 (phường Hòa An) từ năm 2009 đến nay là mô hình “Tiếng kẻng an ninh vây bắt tội phạm”. Mô hình được hình thành tại xóm chợ  nhờ sáng kiến của Bí thư Chi bộ khu dân cư Lê Văn Thương. Ông Thương cùng các đảng viên trong chi bộ xây dựng mô hình này từ đầu năm 2009 thì đến cuối năm đó, “tiếng kẻng an ninh” cùng các mô hình “câu lạc bộ giúp nhau cùng tiến”, “Ban tự quản về ANTT ở khu dân cư” đã đưa phường Hòa An trở thành điển hình, điểm sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

Bất kỳ người dân nào khi phát hiện có sự cố, bất ổn xảy ra tại nơi ở của mình hay hàng xóm, họ sẽ lập tức lấy những vật dụng có thể tạo ra âm thanh như nồi niêu, soong chảo… phát tín hiệu báo động. Những nhà bên cạnh, nghe thấy tiếp tục thao tác tương tự, cho đến khi nhà giữ kẻng chủ (mỗi tổ dân phố có 1 kẻng chủ) nghe thấy, đánh kẻng, và sau cùng là tất cả các kẻng chủ của các tổ dân phố sẽ đồng thanh vang lên, tạo nên một thứ âm thanh vang dội khắp khu dân cư, mọi người sẽ lao ra cùng dây thừng, gậy đã chuẩn bị sẵn, vây bắt tội phạm. Đó là cách thức hoạt động của mô hình “Tiếng kẻng an ninh vây bắt tội phạm”. Cho đến nay, mô hình này trở nên quen thuộc với nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Nhưng những ngày đầu gầy dựng không hề dễ dàng. Ngoài việc phải đến từng tổ dân phố vận động, giải thích cho từng nhà dân hiểu, tham gia tiếng kẻng an ninh, ông Thương còn phải tự mình lặn lội đi xin, tìm mua các bình chữa cháy hỏng về làm kẻng. Có kẻng rồi việc phân công giữ kẻng cũng “là cả vấn đề”. “Các nhà được phân công giữ kẻng chủ khá vất vả bởi chiếc kẻng khá nặng nhưng ngày phải bưng vào nhà, đêm lại đem ra treo (để những kẻ ăn cắp vặt không biến thành món bán đồng nát khá được giá), nhưng sau khi vận động, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình thực hiện”, ông Thương vui vẻ kể.

Từ ngày mô hình tiếng kẻng an ninh đi vào hoạt động, khu dân cư số 10 nay yên bình hẳn. Gần 10 năm, hầu như chưa có sự cố lớn nào xảy ra, khu vực quanh chợ - nơi ngày trước người nghiện ma túy vứt kim tiêm vung vãi khắp nơi, nay cũng không còn. Song, để người dân không lơ là, mất cảnh giác, các buổi diễn tập tiếng kẻng an ninh tại khu dân cư này vẫn diễn ra đều đặn hằng năm, do các tổ dân phố trực tiếp lên kế hoạch, luân phiên thực hiện.

“Nếu không có các cách làm thiết thực, sự phối hợp chặt chẽ từ trong dân thì công an chúng tôi dù có ba đầu sáu tay cũng khó có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Các mô hình có bề dày từ nhiều năm trên địa bàn như “Câu lạc bộ giúp nhau cùng tiến”, “Tiếng kẻng an ninh”, cho đến những mô hình mới hơn như “4 quản 2 xây”, “Đội xe thồ tự quản” tại các khu dân cư thực sự rất hữu ích”, ông Nguyễn Xí, Trưởng Công an phường Hòa An nhận định. Cũng theo ông Xí, trong thời gian tới, gắn với chủ trương “Thành phố 4 an”, các mô hình sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao hiệu quả, cùng chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương góp phần vào mục tiêu chung của thành phố.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.