Đường ngang dân sinh: Tai nạn rình rập

.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 30 đường dân sinh (tự phát) băng ngang đường sắt, được Công ty CP Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng cho lát tấm đan bê-tông, cắm biển “chú ý tàu lửa” để cảnh báo. Trong đó địa phương đã tổ chức chốt gác tại 12 đường ngang dân sinh có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ.

Việc thu hẹp đường ngang dân sinh tại Km778+760 (phường Hòa Hiệp Nam) chỉ mới thực hiện được một bên nên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.
Việc thu hẹp đường ngang dân sinh tại Km778+760 (phường Hòa Hiệp Nam) chỉ mới thực hiện được một bên nên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.

“Xử lý” 2 đường ngang dân sinh

Tại Km776+545 lý trình đường sắt của tuyến đường sắt Bắc Nam có đường ngang dân sinh dẫn xuống chợ Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, cách ga Kim Liên khoảng 300m. Bà Nguyễn Thị Mười, cán bộ Văn phòng – Thống kê phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, chợ Kim Liên đông cả ngày, lại nằm trong khu dân cư nên lượng người qua lại đường ngang rất đông. Nơi đây chưa xảy ra tai nạn chết người, một phần do gần ga nên tàu lửa vào hay rời ga đều chạy chậm, một phần có tổ trật tự đô thị của phường thường đến kiểm tra, nhắc nhở người dân giữ khoảng cách với hành lang an toàn giao thông đường sắt vào mỗi ngày Rằm, mồng Một đông người đi chợ.

Theo ông Lê Văn Khánh, một trong 3 người trực gác chắn, trước đây đường ngang này rộng hơn 2m, chỉ lắp thanh ngang một bên, mỗi khi có tàu qua là hạ thanh ngang xuống chắn đường, bên kia thì người trực ra đứng giữ. Vì thế, xe cộ luồn lách băng qua thanh chắn ngang, rất nguy hiểm. Thêm vào đó, ban đêm không có người trực nên việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại đây vẫn chưa hiệu quả.

Năm 2016, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng phối hợp quận Liên Chiểu nghiên cứu thực tế và đưa ra phương án thu hẹp đường ngang dân sinh bằng gác chắn di động. Phường Hòa Hiệp Bắc lập tờ trình xin quận hỗ trợ trên 19 triệu đồng làm gác chắn, cửa chắn giờ chỉ hẹp còn 1,2m, mỗi bên có thêm 2 cửa di động để khi cần thì mở rộng ra cho xe cứu thương, xe cứu hỏa... đi qua. Bà Mười cho biết thêm, từ ngày 15-8-2016, sau khi thu hẹp đường ngang dân sinh, UBND phường đã hợp đồng thêm người, tăng thời gian trực lên 24/24 giờ, bảo đảm an toàn cho tàu chạy qua địa điểm này.

Tại Km778+760 có đường ngang độc đạo băng qua đường sắt tại dốc Bà Tân dẫn vào khu dân cư Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam. Dốc đứng, ô-tô, xe máy từ trên dốc chạy xuống dễ va chạm với các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1A (bên số nhà 988 Nguyễn Lương Bằng), từ phía dưới hai bên dốc muốn lên phải chạy tốc độ cao nên dễ gây ra tai nạn.

Cầu vượt ngã ba Huế đã chấm dứt tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này. TRONG ẢNH: Tàu lửa song song đường gom dọc đường Trường Chinh chạy về phía cầu vượt ngã ba Huế. Ảnh: V.T.L
Cầu vượt ngã ba Huế đã chấm dứt tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này. TRONG ẢNH: Tàu lửa song song đường gom dọc đường Trường Chinh chạy về phía cầu vượt ngã ba Huế. Ảnh: V.T.L

Ông Ngô Tấn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam, Bí thư Chi bộ khu dân cư Xuân Dương, cho biết ngày 1-6-2016, UBND phường đã mời Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, các tổ trưởng dân phố trong khu dân cư họp triển khai nội dung công văn của UBND thành phố Đà Nẵng về thu hẹp bề rộng đường dân sinh tạm thời giữ lại tại Km778+760 xuống còn 1,2m, chỉ phục vụ lưu thông cho mô-tô, xe gắn máy, các phương tiện giao thông thô sơ và người đi bộ, nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường, đường sắt tại khu vực.

Thế nhưng, theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, ngày 5-7-2016, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng phối hợp chính quyền địa phương tổ chức thu hẹp đường ngang dân sinh nói trên thì ngay sau đó một số người dân đã tháo dỡ toàn bộ tà vẹt bê-tông và biển báo phía quốc lộ 1A. Đường ngang dân sinh độc đạo này dẫn vào khu dân cư Xuân Dương, nơi sinh sống của 17 tổ dân phố với 464 hộ, 1.860 nhân khẩu (trong đó có 350 học sinh Trường tiểu học Triệu Thị Trinh), bà con thường xuyên đi lại, sinh hoạt hằng ngày, lưu thông hàng hóa... Trong đó có một số hộ kinh doanh bằng xe tải nên phải chạy xe về nhà.

Bà Lệ cho biết UBND phường đã lập tờ trình gửi Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng có ý kiến với Công ty CP Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng nghiên cứu làm hàng rào có bánh xe di động. Khi tình huống cấp bách xảy ra thì mở hàng rào còn bình thường thì khóa lại cố định, chỉ chừa lại 1,2m theo quy định. Việc khóa và mở hàng rào di động này được giao cho trạm gác chắn tại Km778+760, các tổ trưởng dân phố và Công an phường quản lý.

Đường gom dọc đường sắt

Tổng số đường ngang không có người gác trên địa bàn Đà Nẵng là 6 đường, trong đó có 3 đường phòng vệ bằng biển báo, 2 đường phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động và 1 đường phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động có cần chắn tự động. Tất cả những đường ngang dân sinh này đều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Có nơi, như ở kiệt 47 đường Tôn Đức Thắng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, người dân thiếu quan sát khi băng qua đường sắt nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Ông Đặng Văn Lợi, một người dân đã tự làm chuông báo động mỗi khi có tàu đến giúp người dân qua đường an toàn, chấm dứt các vụ tai nạn.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt, UBND thành phố Đà Nẵng giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Đà Nẵng làm nhiệm vụ chủ đầu tư, điều hành dự án tuyến đường gom dọc đường sắt từ ngã ba Huế đến Hòa Cầm dài 5,4km, dọc đường Trường Chinh.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, ông Phan Đình Đức cho biết, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9-2017 sau 1 năm thi công. Đa số các hộ dân dọc theo tuyến đường đều thống nhất ủng hộ chủ trương của chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thi công dự án. Tuy nhiên, theo ông Đức, do có đến gần 850 hồ sơ đền bù để giải phóng mặt bằng theo phương án “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên có một số hộ dân không thống nhất chủ trương này làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó, phần lớn các hộ dân dọc tuyến đường là kinh doanh buôn bán nên rất khó khăn trong việc tìm vị trí để kinh doanh tạm trong thời gian tháo dỡ nhà cửa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ bàn giao mặt bằng.

Đoạn đường sắt từ cầu vượt ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm, hiện có 9 đường ngang trong đó có 5 đường ngang dân sinh. Khi hoàn thành tuyến đường gom, sẽ đóng các đường ngang dân sinh, chỉ còn 4 đường ngang đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất, gồm: đường ngang gần quán bún Bà Liên, ngã tư Lê Trọng Tấn – Trường Chinh, đường vào kho bom CK55 (Quân khu 5) và đường vào Kho than Miền Trung).

Ông Võ Châu, người trực gác chắn đường ngang dân sinh tại 630 Trường Chinh (trước Trạm Y tế phường Hòa Phát), tán thành việc đóng các đường dân sinh tự phát, bởi đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Tuy nhiên, ông đề nghị nên thêm một đường ngang nữa, bởi từ ngã ba Huế đến quán bún xa cả cây số mà chỉ có một đường ngang thì việc đi lại của người dân sẽ không được thuận tiện.

“Dự án Tuyến đường gom dọc đường sắt từ ngã ba Huế đến Hòa Cầm được Thường trực Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng xác định là công trình trọng điểm nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông trong khu vực, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại cũng như phát triển kinh tế xã hội dọc tuyến đường này cũng như kết nối giao thông với các khu vực xung quanh.

Ảnh: V
Ảnh: V

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến đường gom sẽ nằm tách biệt với tuyến đường sắt Bắc Nam, giữa đường gom và đường sắt được ngăn cách bằng hệ thống tường hộ lan mềm chạy dọc theo toàn tuyến”.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình
NN&PTNT Đà Nẵng Phan Đình Đức.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.