Hiểm họa từ ý thức người đi đường

.

Chỉ vì chút tiện lợi, nhanh chóng, nhiều người dân đã bỏ qua mối nguy hiểm tại một số đường ngang dân sinh, nơi tai nạn đường sắt (TNĐS) luôn rình rập mỗi ngày.
 

Nâng cao ý thức của người dân khi đi qua những đường ngang không rào chắn rất quan trọng trong việc phòng ngừa tai nạn đường sắt có thể xảy ra. (Ảnh chụp đường ngang tại khu vực phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê).
Nâng cao ý thức của người dân khi đi qua những đường ngang không rào chắn rất quan trọng trong việc phòng ngừa tai nạn đường sắt có thể xảy ra. (Ảnh chụp đường ngang tại khu vực phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê).

Theo quan sát của chúng tôi, tuyến đường sắt chạy song song đường Trường Chinh là một trong những điểm nóng về TNĐS. Đầu năm 2017, tại đường ngang dân sinh thuộc Km 794+700 nằm trên địa bàn phường Hòa An, quận Cẩm Lệ xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa và một phụ nữ điều khiển xe máy. May mắn vụ tai nạn không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng phần nào gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa TNĐS đang rình rập tại khu vực này.

Ông Đỗ Thành, nhân viên gác chốt tại Km 794 + 064 cho biết, hiện tuyến đường sắt này có 5 chốt gác do địa phương quản lý. Tuy nhiên chỉ có 2 điểm gác có người trực cả ngày lẫn đêm, 3 điểm còn lại chỉ có người trực ban ngày còn buổi tối không có người trông coi. Chưa kể, chuyện người dân ngang nhiên vượt chốt khi có thông báo tàu gần tới vẫn thường xuyên diễn ra, xuất hiện nhiều nhất vào các giờ cao điểm hoặc trong khung giờ phụ huynh đưa, đón con đi học.

Anh Tuấn Hưng, ở số nhà 300 Trường Chinh, phường Hòa An cho biết, từ chân cầu vượt ngã ba Huế đến số nhà 466 Trường Chinh có đến 3 điểm giao nhau giữa đường sắt và đường ngang, người dân khi qua lại khu vực này thường tự ý băng qua đường sắt, thậm chí mở rào chắn khi tàu đang đến gần, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra. Theo anh Hưng, nguyên nhân của tình trạng này là do người dân ngại di chuyển một đoạn đường dài từ chốt này đến chốt khác. Bên cạnh đó, có không ít người chọn cách băng qua đường ray để có thể nhanh chóng đón xe trên đường quốc lộ.

So với nhiều tỉnh, thành có hệ thống đường sắt Bắc - Nam thì Đà Nẵng là địa phương có chiều dài đường sắt đi qua ngắn nhất nhưng phần lớn ngang qua khu vực dân cư đông đúc, gây khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn cho người dân. Đơn cử, địa bàn quận Thanh Khê có 4 con đường nội thành cắt ngang qua đường sắt là Trần Cao Vân, Nguyễn Đức Trung, Hà Huy Tập và Lê Độ. Tại những khu vực trên, mỗi khi có thông báo tàu gần tới, người dân lại chen lấn để vượt chốt nhằm tránh thời gian đợi tàu. Ông Phạm Hữu Lạc, sinh sống gần điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Lê Độ cho biết, mỗi khi có lực lượng Cảnh sát giao thông xuất hiện, người dân sắp hàng ngay ngắn, nhưng khi Cảnh sát giao thông vừa đi, tình trạng chen lấn, lộn xộn lại diễn ra. Những lúc như vậy, người gác chốt cũng tỏ ra bất lực vì trong khi tàu gần đến thì nhiều xe máy đã chạy lọt vào khu vực nguy hiểm, buộc phải nâng chốt cho họ qua luôn.

Một cán bộ ngành đường sắt nhớ lại, cách đây tròn 10 năm, Đà Nẵng có gần 100 đường ngang, trong số này có đến hơn 50% đường ngang dân sinh tự phát. Đỉnh điểm, tại khu vực đường sắt chạy qua địa phận hai phường Hòa An và Hòa Phát có năm xảy ra 55 vụ TNĐS, làm chết 21 người và bị thương 36 người. Hơn một nửa nguyên nhân TNĐS được xác định do người dân bất cẩn khi băng qua đường ngang. Vì sự bất ổn này, năm 2007, ngành đường sắt Đà Nẵng đã quyết định cho “xóa sổ” 27 đường ngang dân sinh, từng bước siết chặt việc quản lý tại các điểm chốt chặn. Nhưng với những hộ dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông ngang qua đường sắt, thì việc để xảy ra va quẹt là điều khó tránh khỏi.
Bên cạnh sự thiếu ý thức khi lưu thông qua tuyến đường sắt, hiện nay còn xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm vành đai an toàn đường sắt để xây dựng nhà ở, lều quán, họp chợ hoặc trồng cây che khuất tầm nhìn tại một số gác chắn thuộc Km789+524 (đường Hà Huy Tập), Km779+230 (khu vực chợ Nam Ô cũ) và trên tuyến đường sắt khu vực Bắc ga Kim Liên…

Trong chiến lược phát triển, ngành đường sắt Đà Nẵng đã có những quy hoạch cụ thể cho việc cảnh giới các điểm chốt chặn ngang đường ray như làm rào chắn, đèn tín hiệu… Dù vậy, với đường ngang dân sinh tự phát, không có rào chắn, cộng thêm sự thiếu ý thức của người dân khiến nguy cơ xảy ra TNĐS tại những khu vực này rất cao. Trước thực tế trên, mới đây, Công an Đà Nẵng quyết định thành lập Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, có nhiệm vụ kiểm tra giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông liên quan đến tuyến đường sắt thuộc địa bàn Đà Nẵng. Có thể xem đây là tín hiệu tích cực, mang tính răn đe để buộc người dân phải tự điều chỉnh ý thức của mình khi lưu thông qua những khu vực đặc biệt nguy hiểm này.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.