Tam Thanh, thêm một nét duyên

.

Tam Thanh, một làng quê của những ngư dân miền Trung yên ả, lại  tiếp tục tạo sự chú ý của cộng đồng khi triển khai dự án thí điểm “Phát triển du lịch Tam Thanh với sự tham gia của cộng đồng” do UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phối hợp với tổ chức UN Habitat, Trường Đại học Công nghệ thiết kế Singapore thực hiện. Đây chính là sự tiếp nối ý tưởng đưa nghệ thuật vào không gian sống từ dự án làng Bích họa vào năm 2016(*).

Các cô giáo dạy vẽ ở Tam Kỳ cùng sự tham gia của trẻ em làng Tam Thanh bên “xưởng vẽ”. Ảnh: N.T.H
Các cô giáo dạy vẽ ở Tam Kỳ cùng sự tham gia của trẻ em làng Tam Thanh bên “xưởng vẽ”. Ảnh: N.T.H

Khi dự án làng Bích họa khởi động từ tháng 5-2016, có người lo ngại không biết các họa sĩ Hàn sẽ đưa hội họa đến với cộng đồng với người dân Việt mà là ngư dân sẽ là đề tài gì, liệu có bị Hàn hóa. Nhưng chỉ thời gian ngắn, những bức tranh đã được tô vẽ trên các bức tường một làng quê nghèo của các ngư dân vùng biển.

Mới nhìn qua, có thể nói rằng, để vẽ các bức tranh thì không khó, ngay cả với những sinh viên đang học về ngành Mỹ thuật. Nhưng đặt đề tài cùng các bức tranh vào đúng không gian của kiến trúc đủ kiểu, tự phát, khá lộn xộn được xây dựng tùy tiện của ngư dân vùng vừa sông vừa biển, thì các nghệ sĩ Hàn Quốc đã đầy tài hoa, khéo léo.

Họ đã có những kinh nghiệm và cảm  nhận hội họa đến với cộng đồng từ những lần tổ chức trước đây ở đất nước mình. Đến Việt  Nam, họ đã rút tỉa thật đơn giản, cố gắng hòa nhịp vào không gian, mà đối tượng hưởng thụ là những ngư dân nghèo và đã nhanh chóng thành công. Mái hiên, khung của sổ, góc bếp, bờ tường, đến cây dừa lộng gió trở thành những bức tranh đầy gần gũi và quen thuộc. Cái làng nhỏ, nghèo Tam Thanh bỗng đầy hấp dẫn và duyên dáng.

Lần này, tham gia phần việc cùng dự án “Phát triển du lịch Tam Thanh với sự tham gia của cộng đồng”, chúng tôi, các họa sĩ đến từ Hà Nội, từ vùng cao phía Bắc cùng với họa sĩ địa phương Quảng Nam là thầy cô giáo dạy vẽ của thành phố Tam Kỳ đã tự nguyện chung tay tô vẽ, trang trí, một lần nữa làm thêm nét duyên trên những ngôi nhà di động của ngư dân.

Có cả phương tiện đánh bắt đã một thời chịu sóng gió và cả những ghe thúng bằng nan tre vừa mới làm. Bộ sưu tập tranh vẽ, trang trí trên thúng tròn, thúng méo, ghe, lu, lưới… sẽ thể hiện những chủ đề về cuộc sống, con người, văn hóa làng chài Tam Thanh sẽ làm thành bộ tranh thuyền thúng độc đáo đầu tiên trên mảnh đất miền Trung.

 Chuyện bếp núc của hội họa thường xuyên  được các họa sĩ trao đổi khi thực hiện đầy phấn khích. Cảm động hơn khi có những người ngoài nghề hay những anh chị em người địa phương cùng chung tay vệ sinh nền vẽ, sơn lót, khiêng nước, rửa cọ, kê khiêng những ghe thúng lớn. Các em nhỏ cũng được các họa sĩ hướng dẫn vẽ.

Ở đây, từ vẽ tranh trên tường đến vẽ trên nan tre của thúng tròn thúng méo, mọi chuyện không thể là câu chuyện của cá nhân họa sĩ. Cả đối tượng xem tranh, cả đề tài vẽ đều thay đổi, quan trọng nhất là đã tạo sự tương tác.

Khác với các triển lãm mỹ thuật trong những ngôi nhà sang trọng. Ngày khai mạc đầy những hoa, rượu và lời chúc tụng của những đồng nghiệp, nhưng sau đó thì bỏ vắng người xem. Nơi đây, những bức tranh vẽ cho mọi người sống quanh ta, nơi địa phương ta đến, tạo không gian thư giãn, giảm bớt cực nhọc cho con người, tăng sự duyên dáng, hấp dẫn cho khách tham quan và dĩ nhiên thêm giá trị thẩm mỹ cho các em nhỏ ở địa phương.

Những chiếc thúng to nhỏ khác nhau được vẽ sẽ được trưng bày, xếp đặt trên bờ biển, cổng vào làng từ thôn Hạ Thanh,Thượng Thanh của xã Tam Thanh. Tam Thanh sẽ hình thành nên một làng nghệ thuật cộng đồng, khởi đầu từ Làng Bích họa và phát triển tiếp với con đường thuyền thúng, làng bách hoa, làng không rác và các khu vực cảnh quan nghệ thuật sắp đặt khác. Dự kiến con đường thuyền thúng nghệ thuật này sẽ chính thức được ra mắt và phục vụ du khách vào giữa tháng 5-2017, sau hai tháng thực hiện.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ


(*)Dự án do UBND tỉnh Quảng Nam cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện năm 2016.

;
.
.
.
.
.