Niềm tự hào vùng đất

.

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng, mỗi năm Đà Nẵng tổ chức từ 23-28 lễ hội truyền thống với việc tổ chức trang nghiêm, thành kính và thanh bình…

Lễ Nghinh Ông là phần lễ quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư của ngư dân Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Lễ cầu ngư quận Thanh Khê năm 2017. Ảnh: NGỌC HÀ
Lễ Nghinh Ông là phần lễ quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư của ngư dân Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Lễ cầu ngư quận Thanh Khê năm 2017. Ảnh: NGỌC HÀ

1. Thành phố Đà Nẵng được biển bao bọc. Trong quá trình sống và lao động sản xuất, cộng đồng dân cư ven biển để lại những dấu ấn văn hóa khá độc đáo. Trong đó lễ Cầu ngư xuất phát từ tín ngưỡng thờ phượng cá Ông. Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 11 lăng thờ cá Ông, phân bố chủ yếu ở các quận ven biển: Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê…, tương ứng với 11 lễ cầu ngư, phản ánh sự sùng bái, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự hiển linh của cá Ông trong bảo vệ ngư dân khi hành nghề
trên biển.

“Chim có tổ, người có tông, con cháu của làng chúng tôi dù cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã khuất, nhất là để cho muôn đời sau hiểu biết về cội nguồn nên dù trải qua bao nhiêu thay đổi, chúng tôi vẫn phải giữ được tinh thần trong đời sống tâm linh”, ông Trần Lự, một lão ngư ở khối Thọ An (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), tự hào nói. Có ý kiến cho rằng, nên nhập 11 lễ hội này lại thành một lễ hội lớn, quy mô hơn, thu hút cộng đồng tham gia nhiều hơn. Tuy nhiên, theo lý lẽ của một số lão ngư thì lễ cầu ngư gắn liền với bạn nghề. Ngày xưa, mỗi vạn chài có chừng dăm chục hộ dân sinh sống, cùng đi biển với nhau, quây quần thành cộng đồng rồi nảy sinh tục thờ cúng liên quan đến làng nghề của mình. Mỗi vạn chài có miếu thờ riêng và theo tục, thờ cúng ở đâu thì lễ hội tổ chức ngay tại đó. Chính người dân hành nghề tại vùng biển đó, người ta mới quý trọng và hiểu được giá trị của lễ hội để cầu mong một mùa biển an lành, cá tôm đầy khoang. Nhờ kiên quyết không nâng tầm, liên kết lễ hội mà bao đời nay, lễ hội cầu ngư ở mỗi địa phương của Đà Nẵng vẫn giữ nguyên vẹn bản chất, được bảo tồn trong tâm thức người miền biển từ thế hệ này sang thế hệ khác.

2. Lễ hội Quán Thế Âm khởi điểm chỉ là một lễ vía thuần túy tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật trên đất Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Đến nay, đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của Đà Nẵng, mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái. Không chỉ phật tử các nơi đổ về, mà giới thư pháp, hội họa, võ thuật cũng đến lễ hội.

Họa sĩ Xuân Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hội họa Trúc Vân (trực thuộc Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng) cho biết: “Mỗi năm, giới làm nghệ thuật Đà Nẵng nói chung và giới hội họa nói riêng chỉ có hai thời điểm để khai bút đó là dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Quán Thế Âm. Thậm chí, vào dịp lễ hội Quán Thế Âm, các họa sĩ còn chuẩn bị kỹ càng hơn vì đây là dịp trình bày những tác phẩm nghệ thuật của bản thân đến đông đảo bà con và bạn bè quốc tế. Sau nhiều năm được tổ chức, lễ hội Quán Thế Âm hiện nay có thể nói là đã vượt ra ngoài ý nghĩa của một lễ hội tôn giáo mà hòa quyện với văn hóa cộng đồng”. Hình ảnh đẹp tại lễ hội là dù dòng người tham gia đông đúc nhưng đi lại một cách tôn ti trật tự, thể hiện lòng thành kính của mình đối với chư phật. Ai cũng hiểu rằng thần phật, hương linh tổ tiên ông bà không ban quyền lợi vật chất mà khuyến khích mọi người hướng thiện và đặc biệt là không chấp nhận hành vi “hối lộ” để xin lợi ích vật chất. Từ nhận thức này, lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội tâm linh nhưng hoàn toàn không có các trường hợp bán chim, cá phóng sinh, đốt vàng mã; dâng lễ cầu vật chất, thăng quan tiến chức; các trường hợp lợi dụng lễ hội để thực hiện hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, truyền bá ấn phẩm văn hóa ngoài luồng ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục Việt Nam... Đây là một điều rất khác, là niềm tự hào “riêng có” của một lễ hội tâm linh đất Đà Nẵng so với các nơi khác.

3. Nhiều người cho rằng, lễ hội truyền thống của Đà Nẵng khá nhạt màu, không quy tụ được du khách thập phương mà chỉ quây quần trong một cộng đồng dân cư nhỏ. Thế nhưng, nhiều người dân lại cho rằng, lễ hội là sản phẩm nảy sinh và định hình từ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cho nên, chủ thể của lễ hội phải là người dân địa phương. Chính nơi phát sinh ra lễ hội, người ta mới thấy quý trọng lễ hội đó. “Lễ hội đình làng ở cộng đồng nào thì để cho con cháu của tộc họ đó, cư dân sống tại khu vực đó thờ phượng. Người nơi khác có đến vọng cũng là điều tốt nhưng không thể nói họ có “dây mơ rễ má” nào với đình làng đó. Cũng như vậy, lễ hội cầu ngư hãy để ngư dân tự chủ trì, lễ hội Quán Thế Âm sẽ dần được trả về cho cộng đồng phật tử, cho chùa Quán Thế Âm (hiện tại, UBND quận Ngũ Hành Sơn đứng ra tổ chức-PV)”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT, chia sẻ. Trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Đà Nẵng rất thận trọng và linh hoạt trong việc thực hiện, quan tâm, hỗ trợ hết mình về mặt quản lý Nhà nước, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường nhưng không đứng ra làm thay mà để cho chính cộng đồng chủ thể của lễ hội đề ra nội dung. Và theo quan điểm của ông thì không nên nâng tầm lễ hội truyền thống để làm du lịch. Các lễ hội cổ truyền chỉ mang ý nghĩa tốt đẹp nếu nó được trả về lại cho dân gian. Chính cộng đồng địa phương đó sẽ nâng niu giá trị và có ý thức tôn tạo lễ hội.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.