Nghĩ

Sống xanh

.

1. Cái siêu thị tôi hay ghé mua đồ sau mỗi giờ tan tầm gần một khu chung cư có nhiều người nước ngoài sinh sống. Thỉnh thoảng vào mua đồ tôi lại gặp một cô gái khá trẻ, lần nào cũng thấy cô đeo một chiếc túi vải có thêu hình con cú rất ngộ nghĩnh. Có lần, xếp hàng tính tiền sau cô tôi mới để ý, sau khi lựa chọn nào rau, nào quả, nào sữa, nào thịt, nào cá… đủ mọi thứ cho những bữa ăn hằng ngày, cô thu ngân tính tiền xong định cho những món tươi sống vào những túi ni-lông riêng thì cô gái trẻ mỉm cười từ chối ngăn lại. Cô đứng sát vào một bên của quầy tính tiền rồi cẩn thận xếp các món đồ vào chiếc túi của mình mà không phải tốn một chiếc túi ni-lông nào của siêu thị.

Nhìn lại mấy món đồ của mình, chỉ vài ba mớ rau, chai nước mắm, dầu ăn, mà mỗi thứ một chiếc túi ni-lông. Lại nhớ đến mỗi lần đi chợ xép gần nhà, tổng kết sơ sơ cũng cả chục chiếc. Cái đựng tôm cá, cái đựng rau, cái đựng thơm cà, mắm, muối… thậm chí mua vài ba lạng tôm, lạng cá nhưng phải bọc đến vài ba lần túi ni-lông cho sạch.

Dẫu biết để mua một chiếc túi ni-lông không khó nhưng để tiêu hủy nó thì phải hàng trăm năm mới phân hủy hết, tác hại đến môi trường là không kể hết nhưng nhà nhà, người người đều dùng vì tiện. Tôi lại nhớ đến hình ảnh các bà, các mẹ ngày xưa sáng sáng xách làn đi chợ, khi về là mớ rau, miếng thịt, hay con cá nằm gọn gàng trong chiếc làn đỏ chót. Sau mỗi buổi chợ, chiếc làn, chiếc giỏ lại được giặt sạch, phơi ngay ngắn trên chiếc dậu trước hiên nhà.

2. Nhiều năm nay, bạn tôi vẫn có thói quen khi đi làm mang theo chiếc bình uống nước cá nhân. Thỉnh thoảng muốn uống cà-phê hay trà sữa mang đi, cô lại chìa chiếc bình của mình ra cho người bán hàng thay vì phải lấy chiếc cốc nhựa dùng một lần. Cũng có người bán hàng thắc mắc sao không dùng luôn cho tiện, mang đi làm gì cho lỉnh kỉnh, cô lắc đầu bảo “mình không dùng là bớt đi được một chút rác khó tiêu hủy”.  Nhiều người cho rằng cô bạn tôi khá “bảo thủ” với việc đi đâu cũng xách theo chiếc bình vừa lỉnh kỉnh vừa phiền phức nhưng đôi khi từ những việc làm nho nhỏ như hằng ngày chịu khó “phiền phức” một chút như cô bạn kia thôi cũng là một cách để “sống xanh” hơn.

3. Mỗi buổi sáng trong khi biết bao nhiêu người đang hối hả để đưa con đến trường cho kịp giờ học, vội vã cho kịp giờ đến công sở thì tôi được biết có một người bạn nước ngoài, anh dậy sớm, anh tự làm đồ ăn sáng, pha cà-phê uống và tranh thủ đọc báo. Anh ra khỏi nhà lúc 7 giờ kém và đi bộ đến công sở. Quãng đường không quá gần nhưng theo anh, đây cũng là một cách để anh rèn luyện sức khỏe luôn vì công việc của anh cả ngày phải ngồi phòng lạnh, vì thế quãng đường đi và về chính là cách để anh được hít thở khí trời một cách “thoải mái” nhất.

Mỗi người có quyền chọn cho mình một cách riêng để sống, nhưng đôi khi những hành động rất nhỏ như xách túi đi chợ mỗi ngày của cô gái tôi gặp ở trong siêu thị; của cô bạn mỗi ngày mang bình nước đi làm, hay của anh bạn người nước ngoài đi bộ đến công sở trong lúc mọi người một bước lên xe lại khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta đã từng rất quen mắt với những chiếc làn nhựa, túi nhựa của các bà, các mẹ, thậm chí một số chi hội phụ nữ trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai kế hoạch nói không với túi ni-lông, tặng giỏ đi chợ cho các bà, các chị, sử dụng đồ tái chế… Vậy thì tại sao chúng ta không bắt đầu “sống xanh” từ những việc thật nhỏ để môi trường thêm xanh?

HÀ KHUÊ

;
.
.
.
.
.