Quý "còi" và ước mơ lập trình viên

.

Tin học không phải là môn học có lợi thế với Phan Ngọc Quý, khi gia đình không có máy tính. Chỉ được học với thời gian ít ỏi ở trường, nhưng Quý đã chọn thi vào lớp chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với mơ ước trở thành một lập trình viên giỏi.

Thành tích học giỏi của Quý và chị gái là niềm tự hào của mẹ.
Thành tích học giỏi của Quý và chị gái là niềm tự hào của mẹ.

Căn nhà liền kề dành cho cư dân thu nhập thấp của gia đình em Phan Ngọc Quý ở dãy B, lô 9, đường Đông Trà 7 thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn tầm xế chiều, cái nóng từ mái tôn vẫn dội xuống hầm hập. Quý vừa tan buổi học đầu tiên ở ngôi trường mới - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trở về, vừa bỏ cặp sách đã ngồi ngay vào bàn để thực hành bài học thầy vừa giảng. Thấy chúng tôi hỏi thăm, Quý rụt rè chào khách. Giây phút ngại ngùng ban đầu của cậu học trò trôi qua nhanh, nhường chỗ cho nụ cười tươi và sự rắn rỏi đầy bản lĩnh của cậu học trò mồ côi vượt khó.

Quý kể: “Ban đầu khi nộp hồ sơ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, em chỉ nghĩ là để thử sức mình thôi chứ không nghĩ đến chuyện đỗ, vì ở nhà em không có máy tính, lên trường thì chỉ được thực hành rất ít ỏi. Không ngờ lại đỗ thật”. Hành trình bước vào trường chuyên đối với Phan Ngọc Quý là cả một câu chuyện dài liên tục nỗ lực. Nhà nghèo, không có tiền đi học thêm nên suốt những năm học THCS, Quý không hề biết đến buổi học thêm nào. Nhưng không vì thế mà em thua kém bạn bè. Bốn năm học THCS, năm nào điểm tổng kết của Quý cũng đạt 9 điểm trở lên, luôn có mặt trong “top” đầu của Trường THCS Huỳnh Bá Chánh. “Không có tiền học thêm, em cũng không gây áp lực cho mình vào việc học. Thông thường em lắng nghe thầy cô giảng bài thật chăm chú để tiếp thu kiến thức và tranh thủ làm bài tập ngay ở trên lớp. Vấn đề nào khó thì em tìm gặp thầy cô giáo nhờ hướng dẫn luôn. Về nhà em chỉ đọc lại kiến thức cho nhớ sâu hơn và làm những gì còn lại. Thi thoảng em xin thầy vào phòng máy tính tìm hiểu thêm một ít kiến thức cần bổ sung cho bài học nào đó”, Quý cho biết.

Cách học ấy đã đem lại hiệu quả đáng kể cho Quý. Riêng năm học lớp 9, em sở hữu đến 13 tấm giấy khen, từ các cuộc thi như giải Nhì môn tin học cấp thành phố; giải ba môn Vật lý qua Internet cấp thành phố; giải Ba giải Toán-Tiếng Việt cấp quận; tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật… Ngoài học giỏi các môn văn hóa, Quý còn tham gia thi cờ tướng, chứng nhận Đệ nhất đẳng huyền đai môn võ thuật karatedo, giải Nhì môn Cờ vua cấp quận. Thời gian còn lại ngoài giờ học, Quý giúp mẹ việc nhà. “Vì chị gái ở nội trú Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), mẹ lại thường xuyên ốm đau, chợ xa lại không biết đi xe đạp nên em phải phụ giúp mẹ việc nhà, đi chợ thay mẹ những hôm mẹ bị ốm”.

Ngồi cạnh con, bà Võ Thị Ngọc Thương, mẹ Quý kể, giọng nghèn nghẹn: “Hôm cháu nó đỗ vào trường chuyên, nó vui lắm nhưng rồi lại bảo với mẹ là con sẽ vào học Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho gần nhà, chứ xuống trường chuyên xa tới gần chục cây số, lại không có xe đi về, nếu ở nội trú thì mẹ phải ở nhà một mình con không yên tâm. Nghe con nói tui chảy nước mắt, cũng may đã có một nhà hảo tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho cháu xe đạp điện và máy tính để cháu yên tâm đến trường”. Vợ chồng bà Thương lấy nhau năm 1995. Có với nhau hai mặt con. Cuộc sống khó nghèo, hơn chục năm ở nhà thuê. Năm 2004, chồng bà đột ngột qua đời sau một cơn đau tim, để lại cho bà một nách hai đứa con thơ, một vừa lên 2 tuổi, đứa còn lại vừa hết lớp 2. Năm 2009, bà được thành phố xét cấp cho một ngôi nhà liền kề ở quận Ngũ Hành Sơn. Ba mẹ con lại dắt díu nhau về đây ở. Sức khỏe người mẹ nghèo sau bao nhiêu đận gắng gượng dần trở nên ốm yếu, bệnh tật. Mỗi ngày dậy từ mờ sáng, đồ một nồi xôi 10 lon nếp mang ra bán ở cổng Trường tiểu học Lê Văn Hiến, cách nhà tầm hơn 100 mét, kiếm ít tiền lãi để ba mẹ con đắp đổi qua ngày. Tài sản đáng giá nhất của bà là những tấm giấy khen của hai con, đó cũng là động lực để bà cố gắng gạt mọi cơn đau và nỗi buồn mất đi người bạn đời tri kỷ.

Đi cùng tôi trên một chặng đường trước khi Quý rẽ vào lớp dạy võ thuật để phụ thầy giáo mình rèn luyện sức khỏe cho các bạn nhỏ, Quý bộc bạch: “Được vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn em vui lắm. Ước mơ của em là trở thành một lập trình viên thật giỏi, có việc làm ổn định để bù đắp lại cho mẹ những thiệt thòi mà mẹ đã hi sinh cho hai chị em của em”.

Dõi theo bóng hình nhỏ bé, gầy gò của cậu học trò mồ côi, nhìn dáng em bước đi đầy vững chãi, chợt thấy khâm phục hơn những thành quả em đã chinh phục suốt những năm qua và tôi tin dự định mà em đang vươn tới cũng sẽ thành sự thật. Nói như Quý, cứ cố gắng rồi sẽ thành công!

Thiên Lam

;
.
.
.
.
.