Vốn quý cha ông để lại

.

Người già nắm giữ vốn văn hóa dân gian ra đi, nếu không truyền lại cho cháu con, là vĩnh viễn mất đi di sản tinh thần quý giá mà không thể nào tìm lại được.

Một số công trình của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng thời gian qua. Ảnh: V.T.L
Một số công trình của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng thời gian qua. Ảnh: V.T.L

Di sản văn hóa phi vật thể ở Đà Nẵng nằm trong không gian văn hóa dân gian xứ Quảng. Theo đó, trên nhiều lĩnh vực, người dân nơi đây trong quá trình xây dựng và phát triển đều sản sinh ra một khối lượng văn hóa văn nghệ dân gian nhất định; từ ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian đến tri thức dân gian, tín ngưỡng, phong tục và lễ hội dân gian đều có và tùy mỗi vùng quận, huyện mà độ đậm nhạt có khác nhau.

Văn hóa dân gian miền núi, miền đồng bằng, miền biển, mỗi vùng một tính riêng, cho nên để giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian này trong đời sống đương đại, chúng ta cần biết những đặc trưng riêng của mỗi vùng để có phương thức và giải pháp khả thi.

Miền biển phần tín ngưỡng dân gian là đậm nét, thể hiện qua lễ hội Cầu ngư, bởi môi trường xã hội của lễ hội vẫn còn. Còn biển, còn đánh bắt cá là vẫn còn lễ hội Cầu ngư. Lễ hội Cầu ngư, xét bình diện nào đó giống lễ hội cầu mùa của người dân nông nghiệp, có điều cách thức và đối tượng tín ngưỡng có khác. Cho nên để đưa ra giải pháp khả thi nhằm giữ gìn, bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa dân gian nói chung các nhà quản lý văn hóa cần xem xét các giá trị này dưới góc nhìn dân gian (mà dân gian thì đơn giản về hình thức tổ chức, dễ hiểu về nội dung và thiết thực với đời sống người dân).

Đã đến lúc các nhà quản lý văn hóa có kế hoạch dài hơi quảng bá đến với các tầng lớp nhân dân, làm cho họ hiểu giá trị văn hóa dân gian đã từng là “nguồn sữa” nuôi họ lớn lên trên chính quê hương yêu dấu của họ. Không dễ làm được điều này trong bối cảnh đô thị hóa, bởi các giá trị văn hóa đương đại phát triển mạnh đã lấn vào không gian văn hóa dân gian, làm cho giá trị văn hóa cổ truyền bị thu hẹp. Bị thu hẹp chứ khó mà mất đi. Bởi vùng miền nào còn cơ sở xã hội để các giá trị văn hóa dân gian tồn tại, thì ở đó giá trị văn hóa văn nghệ dân gian còn phát triển. Để làm được việc quảng bá, các nhà quản lý tiến hành trên nhiều phương tiện: truyền thanh, truyền hình, các xuất bản phẩm,… tổ chức tái hiện các loại hình hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, ít nhất là vào các giờ chơi tại các trường phổ thông.

Cùng với đó, để tiếp tục duy trì nguồn sáng dân gian trong lòng quần chúng nhân dân, nhà quản lý hỗ trợ dưới nhiều hình thức mà không can dự sâu vào các giá trị (đặc biệt là các lễ hội). Bởi khi can thiệp sâu vào các thành tố văn hóa, dẫn đến tình trạng đẩy người dân - là chủ thể của sinh hoạt văn hóa dân gian - ra khỏi môi trường văn hóa dân gian. Bấy giờ họ trở thành khán giả đứng ngoài, xem và bình phẩm các giá trị văn hóa văn nghệ dân gian nào đó đang diễn ra ngay tại quê nhà của họ mà lẽ ra họ phải là người trong cuộc.

Với Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, từ năm 2002 đến nay đã có nhiều công trình nhằm gìn giữ giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian. Cụ thể, Hội và hội viên đã sưu tầm, nghiên cứu và biên khảo nhiều công trình dưới dạng sách xuất bản phục vụ những người yêu thích nguồn sáng dân gian ông cha để lại. Bộ tổng tập Văn hóa - văn nghệ dân gian gồm 5 tập là một ví dụ. Nhưng chừng đó vẫn còn chưa đủ. Hội vẫn thiếu những công trình sưu tầm nghiên cứu về văn hóa dân gian miền biển, miền núi. Ngay trong các công trình của Hội và hội viên vẫn còn mang nặng tư duy đồng bằng, lấy cây lúa là chủ lực. Thế nên, nhiều công trình của hội viên tập trung chủ yếu là vùng sản xuất cây lúa nước.

Rất tiếc là miền biển vẫn chưa có công trình nào. Hội đang triển khai thực hiện trong năm nay công trình khảo luận về đề tài Văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng gồm 3 chương. Chương 1 nói về những vấn đề chung như địa lý (tự nhiên), lịch sử (nhân văn) Đà Nẵng từ góc nhìn văn hóa biển và những vấn đề đặt ra với sưu tầm, nghiên cứu. Chương 2 giới thiệu các nội dung văn hóa dân gian miền biển: Văn học dân gian, Diễn xướng dân gian, Ngôn ngữ miền biển, Phong tục - tập quán, Di chỉ văn hóa - lịch sử, Tín ngưỡng dân gian, Tri thức dân gian, Ẩm thực, Đóng thuyền - làm ngư cụ... Chương 3 đề cập thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng trong tổng thể bức tranh toàn cảnh văn hóa dân gian xứ Quảng.

Vốn quý cha ông để lại vô cùng phong phú, thế nhưng, không được một bộ phận lớp trẻ ngày nay coi trọng. Điều này có nhiều nguyên nhân. Trong bối cảnh hội nhập thời nay, xu hướng đô thị hóa càng phát triển, các luồng văn hóa nước ngoài đan xen với văn hóa hiện đại trong nước khiến cho lớp trẻ xem văn hóa dân gian là cái gì đó cũ càng, không phù hợp với cuộc sống thời nay. Cái nhìn thờ ơ này dẫn đến chỗ, các lĩnh vực văn hóa dân gian sẽ mai một dần, người già nắm giữ vốn văn hóa dân gian ra đi là vĩnh viễn mất đi di sản tinh thần quý giá mà không thể nào tìm lại được.

Chẳng hạn, hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có mấy người may được chiếc quần “trật bù lươn”, mấy người chằm được cái áo tơi, đẽo đôi guốc mộc, đóng cối xay lúa, đan được chiếc gàu sòng? Có mấy người còn giữ cái giằng gặt lúa? Khi cái gIằng mất đi thì phương ngữ gặt cũng theo đó dần biến mất trong cộng đồng mà thay vào đó là cắt lúa! Có nghĩa khi các giá trị văn hóa dân gian mất đi thì phương ngữ vùng miền cũng theo đó biến mất trong cộng đồng.  

Cho nên, vào lúc chúng ta có điều kiện, phải kịp thời và khẩn trương sưu tầm vốn quý văn hóa của cha ông và lưu giữ lại bằng nhiều hình thức như: phim ảnh, băng đĩa, sách báo, hiện vật,… Đó là cách không chỉ bảo tồn mà còn quảng bá được đến với các tầng lớp nhân dân, trong đó có lớp trẻ, trước khi quá muộn.

VÕ VĂN HÒE

;
.
.
.
.
.