.

Phát triển sáng tạo cho trẻ em

.

Ấp ủ ước mơ về một chương trình đào tạo giúp trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện cả kiến thức lẫn kỹ năng tư duy nghệ thuật và khoa học sáng tạo giúp những thế hệ tương lai có được một nền tảng trí tuệ vững chắc khi trưởng thành, Nguyễn Mai Ly và Võ Thị Minh Diễm (cựu SV Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) đã cùng các cộng sự bắt tay vào thực hiện ý tưởng thành lập trung tâm sáng tạo cho trẻ mang tên IKIDS.

Một giờ học vẽ sáng tạo của học sinh ở Trường tiểu học Ngô Gia Tự do các thành viên IKIDS trực tiếp chỉ dẫn.
Một giờ học vẽ sáng tạo của học sinh ở Trường tiểu học Ngô Gia Tự do các thành viên IKIDS trực tiếp chỉ dẫn.

Nói về ý tưởng thành lập trung tâm sáng tạo cho trẻ, Nguyễn Mai Ly cho biết: “Vào tháng 9-2016, khi đang học môn Khởi nghiệp kinh doanh, mỗi bạn phải chọn lựa một đề tài để làm bài tập nhóm về chủ đề tự khởi nghiệp thì như thế nào. Trăn trở và lựa chọn mãi, em và Diễm chọn ý tưởng về thành lập một trung tâm sáng tạo cho trẻ. Một mô hình dù không còn mới ở các nước trên thế giới nhưng vẫn còn rất ít ở đất nước mình, nhất là Đà Nẵng”.

Mục đích của trung tâm sáng tạo cho trẻ hướng đến một không gian mở trong đó bao gồm các lớp dạy trẻ về sáng tạo Khoa học kỹ thuật và nghệ thuật dành cho trẻ từ 7 đến 11 tuổi nhằm kích thích tư duy sáng tạo. Minh Diễm nói: “Trẻ đến tham gia lớp học sẽ được tư vấn vào các lớp phù hợp với kỹ năng và sở thích. Nội dung bài học cũng không bắt buộc trẻ phải làm theo từng bước trình tự của giáo án mà trẻ sẽ tự xoay xở theo suy nghĩ hoặc cảm xúc trên một chủ đề được giáo viên đưa ra. Lúc nào gặp khó khăn thì giáo viên sẽ tiếp tục hướng dẫn. Sau đó trẻ sẽ rút ra nguyên lý của mô hình mình vừa thực hiện sáng tạo theo tư duy và cách nghĩ của mình”. “Thông qua một không gian mở, nhóm còn hướng đến việc lồng ghép rèn luyện kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm và sự tự tin cho các em nhỏ”, Mai Ly cho biết thêm.

Để biến ý tưởng của mình hình thành mô hình mang tính chất định lượng, bước đầu tiên sau những góp ý của giảng viên trực tiếp giảng dạy, Ly và Diễm lên kế hoạch tìm các cộng sự phù hợp để thành lập nhóm. Một kế hoạch chi tiết khác về ý tưởng được vạch ra từ lý thuyết cho đến địa điểm khảo sát. “Nghĩ thì dễ, bắt tay vào làm tụi em vấp phải vô vàn khó khăn. Kinh nghiệm chưa có, kinh phí thì phải chắt bóp từ những khoản tiền sinh hoạt phí hằng tháng của gia đình gửi. Khó nhất là việc liên hệ các trường tiểu học để khảo sát, tụi em phải đến liên hệ sở và các phòng GD&ĐT để xin liên hệ đến các trường phát phiếu khảo sát… Có lúc gần như hụt hơi muốn bỏ cuộc”, Mai Ly kể lại.

Quá trình hoàn thiện ý tưởng, động lực giúp nhóm trụ lại được là những lời động viên, góp ý của cô giáo môn Khởi nghiệp kinh doanh. Bên cạnh đó, đề tài của nhóm may mắn được lựa chọn vào chương trình tiền ươm tạo của Trung tâm Sáng tạo và khởi nghiệp Đà Nẵng DINHUB (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố). Ở đó, các bạn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh vượt qua khó khăn.

Trở về sau cuộc thi Vòng chung kết của Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017, là một trong số rất ít đề tài của sinh viên được lọt vào chung kết, với giải thưởng là một suất tham dự hội thảo của các nữ doanh nhân tại Singapore, nhóm của Mai Ly tiếp tục bắt tay vào hoàn thiện các giáo án môn học theo thiết kế chương trình của Trung tâm sáng tạo cho trẻ và tiếp tục thử nghiệm chương trình tại các trường tiểu học để cập nhật những nhận xét, đánh giá từ phía phụ huynh và học sinh. Mai Ly bảo, dù không nằm trong số các giải thưởng cao nhất cuộc thi nhưng giải thưởng là một niềm động viên lớn. “Từ trung tuần tháng 7-2017 đến nay, nhóm đang tổ chức dạy lớp vẽ sáng tạo cho khoảng gần 200 học sinh tại Trường tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà) - đây là một trong số các trường nhóm đã thực hiện khảo sát nhu cầu phụ huynh, học sinh trong quá trình hoàn thiện đề tài. Dù mỗi tuần, 1 lớp chỉ được học một buổi nhưng các em rất hào hứng”, Mai Ly cho biết.

Sau cuộc thi SURF 2017 cũng có vài đơn vị liên hệ các bạn với nhã ý sẽ hỗ trợ kinh phí để nhóm thực hiện thành lập trung tâm nhưng Ly và Diễn chưa nhận lời. Trước mắt các bạn muốn có nhiều hơn các lớp thực nghiệm để đưa ra một kết quả khả quan nhất. Điều đáng khâm phục ở những người trẻ như Mai Ly, Minh Diễm và cộng sự là sự quyết tâm và gắn kết trong quá trình làm việc cũng như ý kiến thống nhất để cùng nhau vượt qua khó khăn. Như Ly và Diễn sau khi tốt nghiệp đại học, để theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp của mình đều gác lại những giấc mơ về một công việc có thu nhập ổn định. Để kiếm tiền trang trải, cả hai đều “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách đi dạy thêm kiếm tiền sinh hoạt phí. “Khó khăn nhiều lắm, nhưng em nghĩ không có con đường thành công nào lại không gập ghềnh, chông gai. Mục tiêu của nhóm là thành lập được Trung tâm sáng tạo cho trẻ, mang giá trị đến nhiều điểm. Ví dụ như, một Trung tâm ở thành phố Đà Nẵng thì sẽ có mỗi chi nhánh ở các quận, huyện để tất cả các em nhỏ có thể tham gia, phát triển sở trường của mình”, Mai Ly nói.

Em Đỗ Huỳnh Lan Anh, học sinh Trường tiểu học Ngô Gia Tự - một học viên lớp vẽ sáng tạo của IKIDS cho biết: Em rất vui vì được học vẽ theo sở thích của em. Ở lớp, em được vẽ những gì em thích, các cô không bắt buộc mà còn hướng dẫn mỗi khi em không biết dùng màu vẽ gì cho các phần trong hình vẽ.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.