.

Chủ động thông tin, góp tiếng nói phản biện của báo chí

.

Vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị mang tính định hướng đối với sự phát triển hiện tại và trong tương lai của các địa phương nói chung, và đặc biệt đối với 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương nói riêng, là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. 5 địa phương này, với tốc độ công nghiệp hóa- hiện đại hóa, đô thị hóa mạnh mẽ hơn, đòi hỏi công tác quy hoạch, phát triển đô thị cũng phải phát triển xứng tầm bởi quy hoạch tốt, tầm nhìn xa là nền tảng để phát triển bền vững.

Cần Thơ - đô thị sinh thái với đặc trưng sông nước miệt vườn

Thành phố Cần Thơ là trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 17-2-2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; và ngày 28-9-2016, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 07/KL-TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó xác định “Xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, trở thành đô thị hạt nhân, có vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Trên cơ sở đó, thành phố Cần Thơ đã tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến 2020, định hướng đến 2030; Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Theo đó, quy hoạch, phát triển đô thị của thành phố gắn với khai thác tiềm năng và các đặc điểm tự nhiên vốn có, duy trì đặc trưng đô thị sông nước, hệ sinh thái miệt vườn, bảo tồn văn hóa và dấu ấn di sản. Với đặc trưng sông nước miệt vườn, Cần Thơ được phát triển thành chuỗi các khu đô thị với bản sắc riêng của từng khu, phát triển một đô thị chất lượng cao, có không gian đô thị nén đan xen với mặt nước và dải cảnh quan xanh với quy mô phù hợp. Tận dụng mạng lưới mặt nước, gắn kết các trục dân sinh của đô thị và nông thôn, giao thông thủy sẽ hỗ trợ giao thông bộ của địa phương và của cả vùng. Đó không chỉ là trục kết nối và phân phối giao thông của thành phố, mà còn là cấu trúc cảnh quan đô thị. Tóm lại, theo quy hoạch, với đặc trưng miền sông nước, đô thị TP. Cần Thơ sẽ trở thành đô thị kiểu mẫu sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Cần Thơ đang thực hiện Dự án phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu của thành phố trước những nguy cơ về ngập lụt và các ảnh hưởng từ việc đô thị hóa nhanh, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý đô thị cho thành phố Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu trong vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Cần Thơ cũng đã và đang triển khai hàng loạt công trình, dự án trọng điểm. Trong đó, nổi bật là Dự án Nâng cấp Đô thị TP. Cần Thơ, Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án Cần Thơ với những công trình tạo dấu ấn cho thành phố, như: cải tạo Hồ Xáng Thổi rộng 6,5ha, cải tạo Rạch Tham Tướng, Rạch Cái Khế, Rạch Sơn, cải tạo Hồ Búng Xáng,… Đặc biệt, các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến cấp, thoát nước; các tuyến hẻm, tuyến đường ở những khu dân cư thu nhập thấp… tạo bộ mặt khang trang cho đô thị, góp phần thiết thực cải thiện môi trường , nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Năm 2016, Cần Thơ đạt Giải “Ban Giám khảo bình chọn” của cuộc thi Giải thưởng Cảnh quan Châu Á 2016, với hồ sơ dự thi “Cần Thơ- thành phố sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Thành phố Cần Thơ cũng đã được lựa chọn từ hơn 325 ứng viên của hơn 80 quốc gia để tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (100RC) do Quỹ Rockefeller sáng lập. Là thành viên của 100RC, Cần Thơ sẽ được tiếp cận nhiều nguồn lực để xây dựng khả năng chống chịu với những thách thức của thế kỷ 21.

Có thể nói, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và nhất là từ khi có Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, thành phố Cần Thơ đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong phát triển đô thị. Tầm nhìn, sự quyết tâm của chính quyền địa phương cùng với hàng loạt chương trình, dự án đầu tư trong và ngoài nước đã mang đến cho đô thị Cần Thơ một bộ mặt hoàn toàn mới.

Báo Cần Thơ tuyên truyền về quy hoạch, phát triển đô thị

Là tờ báo Đảng địa phương, cũng như những báo Đảng địa phương khác, Báo Cần Thơ tập trung nhiệm vụ tuyên truyền đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân nhân dân, những vấn đề nảy sinh bức xúc trong đời sống… Trong nhiệm vụ chung ấy, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Biên tập Báo Cần Thơ xác định tuyên truyền về quy hoạch, phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài nhằm góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ xứng đáng là “thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công” như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Hệ thống Báo Cần Thơ hiện nay gồm Báo Cần Thơ Việt ngữ xuất bản hằng ngày, Báo Cần Thơ Khmer ngữ xuất bản hằng tuần và Báo Cần Thơ điện tử (phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer). Việc tuyên truyền về quy hoạch, phát triển đô thị được triển khai thực hiện trên tất cả các sản phẩm của Báo Cần Thơ, trong đó, đặc biệt là trên Báo Cần Thơ Việt ngữ và Báo Cần Thơ điện tử phiên bản tiếng Việt. Cụ thể, trên Báo Cần Thơ Việt ngữ, Báo Cần Thơ xây dựng chuyên đề Đô thị xuất hiện với tần suất 1 trang/ 1 tuần vào số ra ngày Chủ nhật. Trên Báo Cần Thơ điện tử, chuyên mục Bất động sản- Đô thị là phân mục quan trọng của lĩnh vực Kinh tế. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến đô thị còn được phản ánh một cách đa dạng, phong phú trên các trang thông tin thời sự, trang thông tin chuyên đề của Báo Cần Thơ Việt ngữ. Chẳng hạn, trang Văn hóa cơ sở có mục Văn minh Đô thị hướng đến việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị; các trang Giám sát- Phản biện Xã hội, Dân chủ Cơ sở, Cải cách hành chính… phản ánh những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống thị dân, như: đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, huy động sức dân trong xây dựng giao thông…

Trong tuyên truyền về quy hoạch, phát triển đô thị, Báo Cần Thơ chú trọng tuyên truyền những chủ trương, định hướng của Trung ương và địa phương trong xây dựng, phát triển đô thị thành phố Cần Thơ; công bố những quy hoạch… Đồng thời, phản ánh thực tế quy hoạch, phát triển đô thị ở khu vực trung tâm thành phố và cả ở những quận, huyện ngoại thành. Trong đó, chú trọng cổ vũ xây dựng, hình thành nếp sống văn minh đô thị,

Song song đó, Báo Cần Thơ góp tiếng nói phản biện trong quy hoạch, phát triển đô thị thông qua phản ánh quy hoạch một số khu dân cư thiếu tầm nhìn xa, sớm rơi vào lạc hậu, có nguy cơ trở thành những khu ổ chuột; quy hoạch thiếu tính tổng thể, còn phân tán, manh mún... Trong nhiều bài viết, Báo Cần Thơ kiên quyết đấu tranh với những hậu quả của tiến trình đô thị hóa nhanh, như: tình trạng xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm kênh rạch, gây tắt nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường… Báo Cần Thơ cũng phản ánh những ý kiến giám sát, phản biện của các cơ quan chức năng, các đoàn thể cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị…

Nhìn nhận lại thực tế công tác tuyên truyền về quy hoạch, phát triển đô thị trên Báo Cần Thơ trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy Báo Cần Thơ đã làm khá tốt công tác này. Những thông tin về quy hoạch, phát triển đô thị được đưa đến bạn đọc kịp thời, rõ ràng, dễ hiểu, góp phần tạo sự công bằng, minh bạch thông tin cho người dân. Đồng thời, Báo Cần Thơ cũng kịp thời phản ánh những trường hợp làm sai quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển chung; làm cầu nối đưa ý kiến của các chuyên gia người dân, của người dân đến với ngành chức năng, với chính quyền địa phương xung quanh việc quy hoạch, phát triển đô thị.

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền về quy hoạch, phát triển đô thị, Báo Cần Thơ rút ra một số bài học kinh nghiệm và những đề xuất, kiến nghị sau:

1. Ngành chức năng địa phương cung cấp thông tin nhanh chóng và kịp thời cho các cơ quan báo chí; nhất là trong những vấn đề “nóng” đang được dư luận xã hội quan tâm,

2. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho nhà báo nói chung và đội ngũ nhà báo viết về quy hoạch, phát triển đô thị nói riêng,

3. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị,

4. Tăng cường hơn nữa thông tin về quy hoạch, phát triển đô thị trên mặt báo. Đặc biệt chú trọng thông tin về quy hoạch, phát triển những đô thị mới, những khu vực ngoại thành; chú trọng phản ánh tiếng nói của người dân về quy hoạch, phát triển đô thị đến ngành chức năng, chính quyền địa phương.

5. Trên đây là một số ý kiến tham luận của Báo Cần Thơ về “Vai trò của báo chí trong quy hoạch, phát triển đô thị” cũng như thực tế triển khai tuyên truyền về quy hoạch, phát triển đô thị trên Báo Cần Thơ. Tham dự hội thảo hôm nay, chúng tôi rất mong được trao đổi và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hay từ các báo bạn để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

 Trương Văn Chuyển

Tổng Biên tập Báo Cần Thơ

;
.
.
.
.
.