.

Tấm thẻ ngừa khi ốm đau, tai nạn

.

“Nếu không có tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), có lẽ gia đình tôi đã không thể theo đuổi việc chữa bệnh cho ông ấy sống đến ngày hôm nay”, bà Phạm Thị Sáu, vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Th. (62 tuổi, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ung thư thượng thận) chia sẻ với chúng tôi.

Cuộc vận động toàn dân mua BHYT đã thay đổi thói quen khám chữa bệnh của người dân. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng). Ảnh: Q.T
Cuộc vận động toàn dân mua BHYT đã thay đổi thói quen khám chữa bệnh của người dân. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng). Ảnh: Q.T

Kể về bệnh tình của chồng, bà Sáu không giấu được nỗi buồn trong khóe mắt. Ban đầu, ông Th. đăng ký BHYT và điều trị tại BV Đà Nẵng. Nhưng sau khi mổ, bệnh không có chiều hướng thuyên giảm mà ngày càng phức tạp. Lúc gia đình chuyển ông qua khoa Chăm sóc giảm nhẹ-Điều trị tích cực (CSGN-ĐTTC), BV Ung bướu Đà Nẵng, bệnh đã di căn khiến ông liệt cả 2 chân. Nằm trên giường bệnh nghe vợ nói chuyện, ông xúc động chia sẻ: “Nếu không có BHYT có lẽ tôi đã nằm nhà phó mặc số phận cho ông trời.

Hai vợ chồng làm nông nuôi 6 đứa con, đứa nhỏ nhất còn đang tuổi ăn học, lo miếng ăn hằng ngày còn chật vật nói gì đến việc khám, làm các xét nghiệm máu, điều trị bệnh kéo dài nhiều năm nay. Từ khi tôi nằm viện, bà nhà đi theo chăm sóc, ruộng đồng cũng bỏ hoang. Mỗi đợt ra vô BV, số tiền điều trị cũng cả chục triệu đồng, nếu như không có BHYT thì tôi và gia đình có cố gắng đến đâu cũng không thể có đủ tiền để điều trị được”.

Không chỉ riêng ông Th., chi phí cho việc điều trị bệnh luôn là nỗi lo, ám ảnh kinh tế đối với người nghèo. Nhưng với việc tham gia BHYT, nhiều người nghèo đã tìm lại sự sống cho chính bản thân và gia đình. Khám, chữa bệnh có BHYT được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí y tế (trong trường hợp đúng tuyến) nhưng vẫn có nhiều người không mặn mà với việc mua thẻ BHYT. Có người thì chủ quan nghĩ mình khỏe mạnh, không ốm đau; có người lại tiếc rẻ vài trăm nghìn đồng để rồi đến khi ốm đau mới thấy BHYT quan trọng.

Từ quê nghèo xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi ra BV Đà Nẵng chăm con trai bị tai nạn giao thông 10 ngày nay, chị Nguyễn Thị Hồng không giấu được sự mệt mỏi: “Con trai tôi bị tai nạn ngay cầu vượt ngã ba Huế. Lúc đưa vào BV chẩn đoán gãy xương hàm, gãy răng, phải phẫu thuật chỉnh hình. Người gây ra tai nạn chỉ đến cho cháu 500.000 đồng rồi mất hút. Dù có BHYT nhưng tôi đã trả hơn 5 triệu đồng. Tôi nghe những người nhà bệnh nhân khác nói, nếu vào BV mổ mà không có BHYT sẽ phải đóng tạm ứng 10 triệu đồng. Nhà quê làm chi mà ra mấy triệu bạc. Ngẫm lại thật may quá. Hồi đó mua BHYT cho cả nhà, thằng con tôi còn nói: má mua cho ba má thôi chớ đừng mua cho con làm chi, con sức thanh niên 18 tuổi dễ chi đau bệnh mà mua cho tốn tiền. Chừ mới thấy đúng là mua BHYT lúc khỏe để tích lũy cho lúc đau”.

Từ ngày 1-6-2017, các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng tăng giá viện phí theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế cho 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Việc tăng giá viện phí lên từ 20 - 30%, có nhiều dịch vụ còn tăng gấp 2-3 lần so với với giá cũ khiến nhiều dịch vụ y tế có giá lên tới vài chục triệu đồng. Điều này sẽ trở thành áp lực rất lớn với người dân không may mắc bệnh lại không tham gia BHYT.

Tại BV Đà Nẵng, Khoa Nội tim mạch là khoa có số lượng bệnh nhân đến khám và chữa trị cao nhất. Ông Nguyễn Văn Sơn (trú đường Triệu Nữ Vương, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) đang chăm chị ruột mắc bệnh hen suyễn, mới đây lại phát hiện bệnh tim, chia sẻ: “Chị tôi bị hen từ nhỏ. Hầu như năm nào cũng nằm viện mấy lần  nên rất thấm thía giá trị của tấm thẻ BHYT. Trước đây vào viện, chị chỉ nằm khoa hô hấp nên chi phí không đáng kể. Khi phát hiện thêm bệnh tim, số tiền chữa trị cao gấp nhiều lần, may có BHYT chi trả đến 80%, nếu không, chúng tôi không biết làm sao vì gia cảnh chị đơn chiếc không chồng, con. Từ ngày vào viện thăm nuôi chị, tôi thấy số người trên 60 tuổi mắc bệnh chiếm tỉ lệ rất lớn. Đặc biệt với bệnh tim, chi phí phẫu thuật đắt đỏ, chăm sóc hậu phẫu lâu dài. Với đối tượng tuổi trung niên trở lên, có lẽ BHYT bị “thiệt” rất nhiều”.

Theo bác sĩ Nguyễn Danh Hiền, Trưởng khoa CSGN-ĐTTC, BV Ung bướu Đà Nẵng, hầu như bất cứ bệnh nhân nào vào viện, y bác sĩ cũng mong bệnh nhân đã mua BHYT. Nếu bệnh nhân chưa có BHYT, bác sĩ không thể yên tâm điều trị. Chi phí để điều trị các bệnh lý liên quan đến ung thư đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức. Có nhiều người phải cầm cố, thậm chí bán nhà mới có đủ chi phí điều trị trong những lúc thập tử nhất sinh. Kể cả những gia đình khá giả thì việc duy trì chữa trị không có sự hỗ trợ của BHYT cũng khiến họ khánh kiệt.

Cuộc vận động toàn dân mua BHYT đã thay đổi thói quen khám chữa bệnh của người dân. Tại BV Đa khoa quận Sơn Trà, mỗi ngày có 1.000-1.200 lượt bệnh nhân đến khám bệnh, cao điểm có những ngày đến 1.400 lượt khám. Trong đó, trên 90% bệnh nhân đến khám chữa bệnh có BHYT. Khoa Nội tổng hợp là khoa tiếp nhận người bệnh đến khám cao nhất và số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị luôn ở mức 150-200 người.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sơn Trà nói: “Đối với những bệnh nhân nhập viện mà không có thẻ BHYT, khi thấy bệnh nhân đóng viện phí, chúng tôi cũng xót thay. Vì tính trung bình mỗi ngày nằm viện, bệnh nhân phải trả 150.000 đồng tiền giường, chưa tính các chi phí, thuốc men, thủ thuật khác. Cũng may là hiện tại, ý thức của người dân tăng lên nhiều. Tính riêng về sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận 702 ca bệnh nhưng số bệnh nhân không có thẻ BHYT chỉ khoảng 5-6 người. Rơi vào đối tượng lao động tuổi thanh niên hoặc sinh viên chưa kịp mua BHYT”.

Nhờ đa dạng các hình thức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã; nói chuyện dưới cờ và trong các cuộc họp phụ huynh học sinh nên năm học 2016-2017, số học sinh có thẻ BHYT trên địa bàn Hòa Vang đạt tỷ lệ 96%, tăng 3,5% so với năm học trước, trong đó, 14/34 trường học vận động học sinh tham gia BHYT đạt 100%. Bác sĩ Nguyễn Triêm, Trưởng trạm y tế xã Hòa Phong, cho biết người dân nông thôn chủ yếu bị các bệnh lý về cơ xương khớp, huyết áp nhưng nhiều năm trở lại đây, gần như người dân ở xã Hòa Phong không tốn tiền thuốc men. Ông luôn khuyến khích người dân cứ khó chịu trong người thì cầm BHYT đến trạm khám rồi lấy thuốc về uống, để tiền làm chuyện khác.

Tham gia BHYT giúp cho người dân khi đi khám, chữa bệnh chi ít tiền túi nhất dù có thể cả năm hoặc vài năm không dùng tới nó.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.