Ai đã một lần lên Tây Nguyên mùa này, hẳn sẽ có ấn tượng không quên về những cung đường vàng rực hoa Dã quỳ, một loài cây hoang dại tràn đầy sức sống. Trong các đợt điều tra cây thuốc, tôi đã vài lần bắt gặp một vài khóm Dã quỳ mọc hoang và được trồng ở Đà Nẵng, nên đã từng ao ước trên tuyến đường đồi núi chập chùng lên Bà Nà, giá mà có được một cung đường như thế.
Dã quỳ (Hướng dương dại) trồng ở một góc phố Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T |
Có một điều ít người biết là Dã quỳ không chỉ là sản phẩm thu hút du lịch vào mùa hoa, mà lá của nó còn là nguồn tài nguyên cây thuốc tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Mời bạn đọc cùng tôi khám phá hành trình tìm hiểu tính dược cây Dã quỳ hay còn có tên Hướng dương dại, Quỳ, Sơn quỳ, Cúc quỳ, tiếng Hán là Giả hướng nhật quỳ, Thũng bính cúc, Thái dương cúc. Tên khoa học: Tithonia diversifolia (Hemsl). A Gray, thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Vào trung tuần tháng 10-2010, một tòa soạn báo có chuyển cho tôi thư điện tử của một bạn đọc cho biết đã được người bạn cho một cây thuốc để chữa tiểu đường với cách dùng hái 3 lá, đổ 1 chén con nước đun còn 1/3 chén đem uống, ngày dùng 2 lần sáng tối. Theo bạn đọc này, đã có nhiều người ứng dụng và đều có kết quả đường trong máu giảm xuống rõ rệt. Nhưng do không biết cây thuốc đó có tên là gì và có độc không, dùng nó lâu có hại gì không nên bạn đọc đã chụp ảnh gởi kèm để nhờ chúng tôi giải đáp.
Tôi đã chuyển ảnh và câu hỏi của bạn đọc đến TS.Võ Văn Chi, và sau đó đã nhận được trả lời: “Đó là cây Hướng dương dại, dân gian thường gọi Dã quỳ, Sơn quỳ, (là cây) đặc trưng ở vùng Đà Lạt. Có trong Từ điển cây thuốc Việt Nam, xuất bản năm 1997, trang 598. Kinh nghiệm sử dụng mà người hỏi nêu rất tốt. Tôi có ít tài liệu về loài này”. Tra trong tài liệu đã dẫn, tôi chỉ thấy ghi phần công dụng là “Thường được trồng làm cây phân xanh. Người ta cũng dùng lá đắng xát trị ghẻ”. Ngoài ra không thấy ghi thêm tính năng công dụng gì khác.
Đến năm 2012, TS.Võ Văn Chi cho xuất bản bộ mới Từ điển cây thuốc Việt Nam, phần viết về Hướng dương dại có bổ sung tính năng công dụng là: “Vị cay, tính nóng, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng. Ở Vân Nam (Trung Quốc), lá dùng trị viêm dạ dày ruột cấp tính và trị mụn nhọt lở (ung sang); còn ở Quảng Tây còn được dùng trị lở ngứa sưng độc (sang dương thũng độc)”.
Đến năm 2015, khi biên soạn và xuất bản thêm tập sách “Bài thuốc hay từ cây thuốc quý”, TS. Võ Văn Chi lại tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung công năng Hướng dương dại như sau: “Vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng ung thư, kháng HIV/AIDS. Thường dùng trị viêm dạ dày, ruột cấp tính và trị mụn nhọt sưng lở. Liều dùng 10-15g”.
Đáng chú ý là tài liệu này cho biết nghiên cứu dược lý đã chứng minh, lá Hướng dương dại có hoạt tính kháng HIV, còn có tác dụng kháng nấm và kháng viêm. Tagichinin C có trong lá Hướng dương dại là thành phần hoạt tính kháng ung thư, có thể uống an toàn”. Tài liệu này còn giới thiệu 2 bài thuốc hiệu nghiệm chữa bệnh AIDS theo sách Ngải tư bệnh Trung thảo dược như sau:
1. Chữa bệnh HIV/AIDS phát sốt, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy: Lá Hướng dương dại, Hoàng cầm, đều 15g, Đậu mắt tôm (Kê nhãn thảo), Tử hoa địa đinh, Chua me đất hoa vàng (Tạc tương thảo), Lưỡi rắn trắng (Bạch hoa xà thiệt thảo), Diếp cá (Ngư tinh thảo, cho vào sau) đều 30g. Sắc uống.
2. Chữa HIV/AISD, trên da nổi những mụn bằng hạt đậu, chảy nước, chảy mủ: Hướng dương dại tươi, vỏ rễ Xoan (Khổ luyện căn bì), Cúc hoa vàng (Dã cúc hoa), các vị đều bằng nhau. Nấu lấy nước rửa các chỗ đau. Đồng thời lấy lá Hướng dương dại, Bồ công anh, Tử hoa địa đinh, Dây kim ngân, đều 15g. Sắc uống.
Như vậy, sau nhiều lần cố gắng cập nhật, bổ sung kiến thức suốt 7-8 năm qua, đến bây giờ, thú thật là tôi vẫn còn thấy mắc nợ câu hỏi về cây Dã quỳ (Hướng dương dại) có chữa được tiểu đường hay không?
Mong rằng những kinh nghiệm quý báu của bạn đọc sẽ được các nhà khoa học nghiên cứu thêm để có thể đúc kết phổ biến rộng rãi nếu chứng minh được kết quả thực nghiệm tốt.
PHAN CÔNG TUẤN