Di huấn của cụ Cử làng Hà Lam

.

Ngày mồng hai Tết năm Bính Tuất - 1886, dân làng Hà Lam giấu nước mắt vào tim, tiễn ông Cử Hội, Nguyễn Uýnh lên đường ra trận, một chuyến đi đầy chất bi tráng!

Cầu Hà Kiều (bắc qua Hà Kiều cửu khúc) làng Hà Lam, một khung cảnh làng quê thật đẹp vào mùa sen nở. Ảnh: L.T
Cầu Hà Kiều (bắc qua Hà Kiều cửu khúc) làng Hà Lam, một khung cảnh làng quê thật đẹp vào mùa sen nở. Ảnh: L.T

Làng Hà Lam, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, là ngôi làng đặc biệt của xứ Quảng. Làng được thành lập vào cuối thế kỷ thứ XV, do những di dân từ vùng Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (trước đây là phủ Hà Ba, trấn Nghệ An) theo cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471.

Gia đình khoa bảng hàng đầu làng Hà Lam

Hiện nay tại nhà thờ tiền hiền của làng vẫn còn hai bức hoành phi, hé lộ vài thông tin về nguồn gốc của làng:

Hoan Châu phát tích/ Hà thủy khai cơ (Phát tích từ Hoan Châu/ Sông Hà mở ra cơ nghiệp).

Hồng Lĩnh Kỳ Anh lưu trạch viễn/ Lam điền khai thác tác cung tiên (Hồng Lĩnh Kỳ Anh dòng chảy mãi/ Ruộng xanh khai thác, thành kính nhớ ơn người trước).

Sách Hà Lam xã chí được Hội đồng bảo tộc tiền hiền Hà Lam biên soạn năm 2003 cho biết “… Dựa vào gia phả tộc Võ Văn thì làng được xây dựng trong khoảng thời gian cách đây khoảng 500 năm. Ngài thỉ tổ là Võ Văn Khâm tước Dinh Bửu hầu, từ phủ Hà Ba, trấn Nghệ An với sứ mệnh thiêng liêng di dân mở cõi. Trên đường khảo sát để tìm nơi định cư đã đến Hà Lam. Nơi đây có cây cối um tùm ruộng đất hoang vu chưa có xã hiệu nên cùng bạn bè quy dân lập ấp. Thấy cảnh đẹp, có nước chảy, có hoa sen bèn lấy câu “Lam điền chủng ngọc, Hà Ba hương viễn” mà đặt nên xã hiệu Hà Lam”.

Còn theo gia phả tộc Nguyễn Đức thì ngài thỉ tổ là Lương Xuyên hầu (quê Thạch Hà, Hà Ba) di cư đến đây thấy trên đất có khe sen chảy xuống, dưới có đồng ruộng mạ xanh như chàm, nên đặt tên là Hà Lam.

Hà Lam là ngôi làng văn vật nhất của huyện Lễ Dương trước đây. Làng không những được vua Tự Đức tặng tấm biển vàng “Thiện tục khả phong” (Việc thiện đáng noi gương) mà còn là ngôi làng có nhiều người thi đỗ nhất huyện với 1 phó bảng, 5 cử nhân và 14 tú tài, chiếm 20% số khoa bảng của toàn huyện thời phong kiến. Nói đến khoa cử của làng và cả huyện Lễ Dương người ta thường nghĩ ngay đến gia đình Nguyễn Công, gia đình khoa bảng và thi lễ nhất huyện. Khai khoa cho dòng tộc là cụ Nguyễn Đạo đỗ tú tài (sinh đồ) năm 1820. Các con và cháu cụ có 6 người đỗ đạt, đó là Nguyễn Thuật đỗ phó bảng, Nguyễn Tạo, Nguyễn Duật, Nguyễn Chức đỗ cử nhân, Nguyễn Suyền và Nguyễn Kinh đỗ tú tài.

Nguyễn Thuật là người đỗ cao nhất trong ba anh em; là con thứ hai của Nguyễn Đạo. Ông Thuật đỗ cử nhân năm 1867, phó bảng năm 1868, đã từng làm quan suốt 8/13 đời vua nhà Nguyễn, trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Giáo đạo Dưỡng Thiện Đường; Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Binh; Chánh sứ trong sứ bộ ngoại giao sang Trung Quốc năm 1880; Chánh chủ khảo hai khoa thi Hội năm 1884 và 1887; “Tuyên úy xử trí đại thần” để giải quyết hậu quả cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo.
Người anh cả trong gia đình là Nguyễn Tạo, đỗ cử nhân năm 1846. Sau 6 lần thi Hội không đỗ được đại khoa, năm 1862, ông ra làm quan và trải qua nhiều chức vụ như Thừa chỉ Nội các, Tri huyện Phù Cát, Tri phủ Hoài Đức, Án sát Hải Dương, Bố chánh Quảng Bình, Đốc học Quảng Nam, Chánh sơn phòng sứ Quảng Nam. Suốt đời làm quan luôn “liêm, bình, cần, cán”, được nhà vua phê là “quan giỏi hiếm có”.

Người em út trong nhà là Nguyễn Suyền đỗ tú tài cùng khoa với cháu là Nguyễn Kinh (con thứ cụ Nguyễn Thuật) năm 1903. Nguyễn Chức, con trai lớn của Nguyễn Thuật cũng đỗ cử nhân năm 1888.
Nhưng Nguyễn Uýnh (Nguyễn Duật), con thứ ba mới là nhân vật đặc biệt nhất, đỗ cử nhân năm 1879 sau đó đỗ luôn cử nhân võ, được bổ dụng làm Lãnh binh nhưng ông từ chối, ở nhà thay các anh chăm sóc mẹ già. Năm 1885, ông ra Huế thi Hội thì gặp cuộc binh biến ở kinh đô vào đêm 23-5 Ất Dậu (4-7-1885). Ông quay về quê hưởng ứng hịch Cần vương của vua Hàm Nghi, tham gia Nghĩa hội Quảng Nam làm Tán tương quân vụ và mất năm 1886, được người đương thời trìu mến gọi là cụ Cử Hội.    

Chuyến ra quân ngày mồng hai Tết

Năm 1886, Nguyễn Thân phản bội, đẩy Nghĩa hội Quảng Ngãi vào thế khó khăn. Nguyễn Duy Hiệu quyết định đưa 5 đạo quân vào cứu viện. Nguyễn Uýnh là chỉ huy của một trong năm đạo quân đó.
Chuyện kể, cuối năm Ất Dậu, đoàn quân của Nguyễn Uýnh về đóng ở Hà Lam ăn Tết để đầu năm xuất quân vào Quảng Ngãi. Sáng mồng hai, khi hội quân để lên đường thì xảy ra điềm gở, ông lên võng thì võng bị gãy đòn. Ông bỏ võng sang đi ngựa thì ngựa dậm chân hí vang không chịu bước. Thấy điềm dữ, những người tiễn chân ông đều ái ngại, muốn ông hoãn lại không nên lên đường vội. Nhưng biết tính cách của Nguyễn Uýnh, khi đã quyết việc gì thì không ai cản được nên mọi người mới nhờ bà Nguyễn Thị Phát - người em kế vốn rất được Nguyễn Uýnh thương yêu và là người thường xuyên chăm sóc cho ông, đến lựa lời để thuyết phục:  

- Việc nước anh phải đi, ai cũng vui mừng, kính phục. Anh đi để làm rạng danh cho gia đình dòng tộc, bọn em cũng được hưởng lây. Nhưng hôm nay chỉ mới là mồng hai lại gặp điềm gở, anh hãy nán lại vài hôm cho quân sĩ ăn Tết, rồi xuất quân cũng chưa muộn.

 Ông thoáng buồn nhìn cô em rồi ân cần bảo với mọi người:

- Tình cảm gia đình các cô, chú lo cho tôi, tôi vô cùng cảm kích. Nhưng đất nước đang đứng trước họa xâm lăng, bọn tay sai đang can tâm bán nước. Làm trai không thể đứng yên mà nhìn. Tôi ra đi vì quốc gia dân tộc. Quân Nghĩa hội Quảng Ngãi đang gặp khó khăn, cần cứu viện gấp. Nếu vì điềm nhỏ này mà xem là gở để chần chừ sẽ làm quân sĩ mất hết nhuệ khí trong ngày đầu ra quân, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần chiến đấu sau này. Làm tướng là phải thể hiện hết dũng khí, niềm tin và quyết tâm của mình trước ba quân để làm gương. Do đó, dù thân tôi có da ngựa bọc thây nơi chiến địa cũng là điều vinh quang cho gia đình ta. Các cô, các chú hãy nhớ điều đó và vui vẻ trở về nhà để tôi và quân sĩ phấn chấn lên đường.

Nói xong ông ung dung lên ngựa. Anh em bà con phải giấu nước mắt vào trong tim, tiễn ông ra trận. Chuyến đi với nhiều điềm gở cũng là chuyến đi cuối cùng của ông. Bảy tháng sau, ngày 5-7-1886, ông hy sinh trong một trận phục kích tại cầu Cháy (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Theo gia phả tộc Nguyễn Công, sau này con cháu trong gia tộc đã xem những lời của Nguyễn Duật vào buổi sáng ngày mồng hai Tết năm đó như là di huấn cuối cùng của ông gửi lại.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.