Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường

.

Hóa thân thành chú vọoc để kể về câu chuyện ở rừng Sơn Trà hay kể chuyện về hai anh em gắn bó với biển, nơi mà người cha đã ra đi mãi mãi không về… Đó là những tác phẩm của các em học sinh THCS và THPT vừa được trao giải tại cuộc thi viết về chủ đề “Em viết về Đà Nẵng-Thành phố môi trường” do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng  vừa tổ chức.

Lê Thùy Linh (bên phải) trao đổi với bạn về việc bảo vệ môi trường
Lê Thùy Linh (bên phải) trao đổi với bạn về việc bảo vệ môi trường

Mở đầu câu chuyện của mình, em Lê Thùy Linh (học sinh lớp 9/7 Trường THCS Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ) miêu tả về cuộc sống của một gia đình loài vọoc mà cô bé là một thành viên trong đó. Cuộc sống cứ dịu dàng, êm đềm, tĩnh lặng trôi qua như thế cho đến một ngày khi khu rừng bị tàn phá bởi các công trình.

“Khu rừng của tôi bị đốn nhẵn nhụi, trơ trọi giữa bãi đất cằn cọc. Ở đó nắng cháy rụi những gốc cây khô, chim chẳng về đậu, gió ngừng tiếng hát. Ở đó, vang vọng lên tiếng khóc thảm thiết, nức nở của mẹ thiên nhiên, và cả tiếng kêu cầu cứu của bà ấy…”.

Đôi mắt của cô học trò lớp 9 bỗng trở nên khá già dặn khi lý luận: “Loài người để xây một công trình khách sạn mất vài năm, nhưng chúng tôi để có một khu rừng như Sơn Trà phải mất cả ngàn đời. Và loài người, họ sẽ chẳng bao giờ được biết đến vẻ đẹp của Sơn Trà, với buổi sáng bình minh mây trôi bên sườn núi, với màn đêm rực rỡ một dòng sông trăng. Họ sẽ chẳng còn được nhìn thấy chúng tôi, trò chuyện với chúng tôi như họ đã từng…”.

Bài viết gửi đến mọi người một thông điệp hãy bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng Sơn Trà vì chính sự sống của chúng ta cũng như của muôn loài. “Em muốn ai cũng  biết đến tầm quan trọng của rừng Sơn Trà, những người trẻ như học sinh chúng em cần phải chung tay, phải lên tiếng để bảo vệ nơi đây”, Linh chia sẻ.

Còn với Nguyễn Phạm Oanh Oanh (học sinh lớp 8/10 Trường THCS Lê Lợi, quận Ngũ Hành Sơn) thì bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ những gì gần gũi nhất đối với mỗi người. Đó có thể là nơi ta sinh sống, nơi gắn bó với những kỷ niệm, những ký ức đẹp của tuổi thơ.

Câu chuyện của Oanh kể về cuộc sống của hai anh em lớn lên ở gần bờ biển. Tình yêu biển như thấm vào máu thịt: “Cả gia đình cũng như cuộc sống của họ gắn bó với góc biển yêu thương này. Tuổi thơ của hai anh em là những đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ, là làn gió mơn man nhẹ nhàng đưa hơi mặn của biển thấm vào từng kẽ tóc, thấm sâu bên trong làn da đặc trưng của dân miền biển”.

Thế nhưng, biển cũng là nơi mà người cha thương yêu nhất ra đi và không trở về. Hằng ngày, hai anh em góp phần bé nhỏ của mình cùng mọi người để làm sạch bờ biển, bảo vệ môi trường sống của mình. “Em mong muốn mỗi người hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của chính mình. Thành phố của chúng ta có bờ biển dài và đẹp nên cần phải giữ sạch nó để góp phần xây dựng thành phố du lịch”, Oanh nói.

Tác phẩm Nỗi đau và niềm mơ ước của Lê Thùy Linh và  Góc biển quê hương của Nguyễn Phạm Oanh Oanh là 2 trong 6 tác phẩm giành giải nhất của cuộc thi. Được phát động từ tháng 2 đến tháng 11-2017, cuộc thi viết chủ đề Em viết về Đà Nẵng-Thành phố môi trường đã nhận được 231 tác phẩm xuất sắc đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố.

Cô Trương Thị Hồng Thắm, giáo viên dạy văn Trường THCS Lê Lợi, quận Ngũ Hành Sơn cho rằng hoạt động này thật sự có ý nghĩa. “Cuộc thi viết giúp các em có điều kiện thể hiện, phát huy khả năng sáng tác văn học, bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận về vấn đề môi trường hiện nay. Đồng thời, giúp các em có những nhận thức đúng đắn và từ đó có ý thức bảo vệ môi trường ngay khi còn bé”.

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, hoạt động này nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Vương cho biết, bên cạnh việc tổ chức cuộc thi này, ngành giáo dục và đào tạo thành phố cũng đã có nhiều hoạt động để giáo dục các em lòng yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như tổ chức cuộc thi Sáng kiến ứng dụng giải quyết các vấn đề về môi trường cấp thành phố thu hút được sự tham gia của hàng nghìn giáo viên và học sinh.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng mô hình “Trường học xanh” nhằm lồng ghép các kiến thức môi trường vào trong các hoạt động nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường trong mỗi học sinh.

Kim Ngân

;
.
.
.
.
.
.