Nghe tiếng sóng, tiếng lòng dội về

.

Sinh ra và lớn lên bên bờ vịnh Mân Quang, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mỹ Dũng (Nguyễn Văn Mỹ) sống trong không khí thấm đẫm mùi vị biển cả của ông bà, của làng quê nhiều đời sống bám vào biển. Nên khi những làng chài nguyên bản không còn, thay vào đó là những đô thị mới, anh cố níu giữ chút văn hóa làng biển với những vật dụng quen thuộc hằng ngày của ngư dân trong bảo tàng nhỏ của mình.

NSNA Mỹ Dũng bên một góc bảo tàng văn hóa làng biển của anh.
NSNA Mỹ Dũng bên một góc bảo tàng văn hóa làng biển của anh.

1. Bước vào tầng hầm căn nhà của NSNA Mỹ Dũng, cũng là không gian sắp đặt của quán cà-phê Biển Báo - với chủ đề giao thông được anh kỳ công xây dựng nhiều năm nay, bàn chân được tiếp xúc ngay với lớp cát trắng mịn màng. Không gian văn hóa biển ở đây “đập” vào mọi giác quan. Bàn chân trần trên cát trắng, mỗi bước đi chân như lún vào cát, đó là biển, là đất mẹ, nơi những đứa bé bắt đầu những bước đi đầu đời, hay khi lớn lên chút ít biết chạy theo từng con sóng hối hả vào bờ…

Trong phần diện tích chưa đến hai chục mét vuông ấy, là một không gian văn hóa biển, với những chiếc bầu đựng mắm được quét dầu rái đen ngòm, cái thuyền thúng có mái chèo đưa, có chiếc đèn măng-sông đi biển thắp bằng dầu diezen, có chiếc lồng được đan bằng lưới dùng để bắt cua, ghẹ, hay chiếc giá phơi lưới sau chuyến biển… Nghề biển vẫn còn đó với ngư dân Đà Nẵng, nhưng khi xem những vật dụng gắn với nghề biển của cha ông bao đời, lòng vẫn vương chút ngậm ngùi, nuối tiếc. Vào năm 2005, những làng chài dọc biển Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ bước sang trang mới, cũng là khi những chiếc bầu đựng mắm, những cái lu lớn bé khác nhau dùng để muối cá, làm nước mắm bị chính tay người dân vứt bỏ, Mỹ Dũng đã gom nhặt về đây như hồi sinh cho những vật dụng này một đời sống khác.

Khi thấy trước nguy cơ dân có thể bỏ một số nghề, Mỹ Dũng suy nghĩ nung nấu, muốn giữ lại tất cả những gì của biển. Và đúng là khi những làng biển bước vào cuộc định cư mới, làng xóm thay đổi, không còn cảnh nhà này có thể nói với sang nhà kia qua cái hàng rào tre tạm bợ, cuộc sống đi lên nên những chuyến gánh mắm đi về các vùng quê thưa dần rồi mất hẳn. Đặc biệt là khi nghề muối cá, làm nước mắm truyền thống chỉ còn lay lắt ở một vài nhà. Những căn nhà dỡ bỏ, dân chuyển đi, để lại những chiếc lu to, nhỏ khác nhau, nằm lay lắt bên bờ biển vắng, anh thuê người chở về nhà mình, ước phải được trên hai chục cái. Rồi những chiếc bầu đựng mắm, cái to nhất cũng cỡ nồi bảy, hình dáng như chiếc nồi đồng, được đan bằng tre, quét dầu rái, không hề bị rịn nước, bên ngoài được khạp tre cũng bị vứt bỏ. Anh sưu tầm được chừng 10 cái. Những chiếc bầu mắm ấy, có thể bây giờ chính lớp trẻ là người ở các làng biển cũng không biết hình dáng thế nào. Thế mà ngày xưa, các bà, các mẹ gánh mắm về các vùng trồng lúa, vùng trung du, đổi về những cặp đường bánh, lúa, khoai, để nuôi đàn con ở biển. Khi chưa cần dùng đến, những cái bầu mắm sẽ đựng bánh in, bánh khô vào ngày Tết, đựng lúa gạo, nhà nào nhiều bầu mắm còn có thể đựng quần áo… Anh Mỹ cho biết, mới đây một Việt kiều ở Canada về, đến năn nỉ anh xin để lại chiếc bầu mắm nhưng anh từ chối. Mỗi vật dụng trong bảo tàng biển của anh có thể cũng là của hiếm trong nhà người miền biển, nên chúng sẽ là quá khứ nhắc nhớ cho lớp trẻ bây giờ về những đồ vật từng hiện diện trong gia đình, là thứ đã nuôi cha, nuôi ông lớn, thứ từng gắn với công việc của người phụ nữ miền biển sau giờ tiễn chồng ra khơi.

Một bảo tàng đồ vật gắn với nghề biển hiện diện ngay ở giữa làng biển Mân Thái, quận Sơn Trà, là một niềm vui cho những ai quan tâm đến văn hóa, đến quá khứ. Đến đây, những người yêu biển, những người đã rời xa quê hương thấy tuổi thơ ăm ắp tiếng sóng dội về. Và không thiếu một chút tiếc nuối cho cái nghề gắn với sông, với biển của cha ông bao đời nay cũng gặp những thách thức không nhỏ trước các lựa chọn để phát triển.

2.  Mùa hè vừa qua, NSNA Mỹ Dũng đề xuất ý tưởng “Đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian
sống - Bảo tồn Làng biển xưa Đà Nẵng”, với chủ thể là hai ngôi làng An Tân và An Đồn thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Đây vốn là hai làng chài bên sông Hàn, khi chiếc cầu Sông Hàn nối hai bờ, những dãy nhà chồ tạm bợ dẹp bỏ và con đường Trần Hưng Đạo mở ra, dân làng không còn nghề. 779 hộ dân với 3.762 nhân khẩu là chừng ấy những gia đình tam, tứ đại đồng đường sống trong những ngôi nhà chật hẹp, ẩm thấp.

Cấu trúc của làng chài này như những ngôi làng biển khác. Nhà nối nhà, có cây đa, đình làng, miếu xóm, giếng nước xưa, ngõ nhỏ, đường sá quanh co, cao thấp, có ngôi nhà tồn tại hàng trăm năm. Mỹ Dũng đề xuất tiêu chí giữ nguyên hiện trạng, không đập phá, sẽ triển khai thiết kế quy hoạch tổng thể các hạng mục, phân khu của hai làng chài này; chỉnh trang giao thông, đặt tên ngõ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc giao thông; bảo đảm vệ sinh môi trường, thoát nước; sáng tác mỹ thuật cho từng ngôi nhà, con đường, tường rào và ngõ hẻm; và ứng dụng nghệ thuật sắp đặt với chủ đề mỹ thuật rõ ràng và gắn với đặc trưng của địa phương, bằng hai màu sơn đen trắng. Anh đã đi khảo sát từng ngôi nhà, bờ tường, nêu ý tưởng của mình cho người dân và được họ ủng hộ hết mình. Mỹ Dũng mơ ước dự án sẽ góp phần gìn giữ nét văn hóa của làng chài Đà Nẵng xưa, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, cải thiện hiện trạng nhếch nhác tại khu vực này, đồng thời góp phần cải thiện an sinh xã hội và nâng cao mức sống của người dân ở đây.

Cuộc cách mạng di dời giải tỏa, chỉnh trang đô thị hình như không đủ sức lướt qua đây, bởi nếu giải tỏa thì có thể cần đến khoảng 2.000 lô đất để chia cho hàng trăm ngôi nhà sống nhiều thế hệ với nhau. Trong khi làng xóm vẫn còn giữ nguyên trạng như xưa, chỉ có thể phát triển trên chính nguyên trạng ấy, bằng cách đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống cho ngôi làng, tạo nét đặc thù riêng, có thể hấp dẫn du khách.

Cái đau đáu của Mỹ Dũng, không chỉ là bảo tồn một làng biển. “Dù An Tân, An Đồn không còn dân theo nghề sông nước, cũng là thiếu đi cái “chất” văn hóa của người dân, nhưng bảo tồn nó được chừng nào cũng là vốn quý. Cố gắng níu giữ cái hồn cốt của nó, khi văn hóa miền biển đang mai một dần đi giữa cơn lốc đô thị hóa”. Và, anh dự định sẽ hướng đến những làng biển khác trong việc bảo tồn. Cái hồn vía làng biển, theo anh, muốn giữ được thì trước hết phải giữ nghề. Bởi nghề biển gắn bó bao đời với người dân trong tập tục, trong lối sống, trong cách ăn nói, sinh hoạt; nghề biển còn sẽ giữ lại những vật dụng làm nghề như ghe, lưới; giữ những buổi sớm các bà các chị đón ghe cá cơm tươi rói để ủ làm nước mắm, hay buổi được mùa sẽ phơi tép, phơi tôm khô, cá khô. Nếu một vài nghề dành cho đàn bà làng biển chế biến sản vật do chồng đánh bắt về mai một đi, thì những nghề khác vẫn còn hoặc mở ra thêm. Như khi khách du lịch cần mực, cá ngào đường ớt, vẫn có rất nhiều gia đình ở Thọ Quang bắt tay vào làm. Hay món tôm khô, cá tẩm vẫn được các bà ở Nam Ô, Mân Thái làm cung ứng ra các chợ.

Sắp tới đây, Mỹ Dũng sẽ mở một cuộc triển lãm trưng bày khoảng 200 bức ảnh anh chụp về các làng biển trên khắp Việt Nam được in trong một cuốn sách ảnh, giới thiệu những tháng ngày anh rong ruổi khắp nơi, ghi nhận đời sống, nếp sinh hoạt của từng người dân chài, chỉ ra những sự thay đổi của từng làng biển. Và sự thay đổi rõ rệt nhất ấy có lẽ là những làng biển Đà Nẵng. Những vạn chài thay đổi, và cả sự xóa sổ những vạn như Mỹ Khê, Tân Trà… Anh mong muốn, đề án bảo tồn làng biển An Tân, An Đồn sớm triển khai, để việc níu giữ cái hồn biển ở những làng biển khác sớm mở ra. Giữ hồn làng biển, giữ nghề cha ông, giữ những câu chuyện văn hóa, những tập tục thiêng liêng bao đời… anh hy vọng sẽ còn nhiều người yêu biển, yêu quê hương chung tay cùng anh giữ gìn cho muôn đời sau.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.
.