Nghĩ về việc làm cho người lao động

.

Thất nghiệp đang là một trong những vấn đề toàn cầu rất “nóng”. Theo thống kê của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), dự báo đến cuối năm 2017, số người thất nghiệp trên thế giới sẽ đạt ngưỡng 200 triệu người. Nói như vậy để thấy câu chuyện thất nghiệp và giải quyết thất nghiệp ở Đà Nẵng không hề đơn giản, đồng thời để có cái nhìn điềm tĩnh hơn về vấn đề thời sự rất bức xúc này.

 Tư vấn hướng nghiệp do Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Tư vấn hướng nghiệp do Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Đà Nẵng đã sớm nghĩ đến câu chuyện thất nghiệp và giải quyết thất nghiệp khi đề ra mục tiêu Có việc làm trong chương trình xây dựng “Thành phố 3 có”. Mục tiêu này hướng đến những người trong độ tuổi lao động, có năng lực làm việc, mong muốn được làm việc, mà chưa tìm được việc làm ổn định.

Sở dĩ nhấn mạnh như vậy là vì ngay từ tháng 10 năm 2005, khi trình UBND thành phố ban hành Đề án Giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố nhằm cụ thể hóa mục tiêu Có việc làm, các ngành chức năng đã phân tích:

“Trong tổng số 19.142 lao động chưa có việc làm vào thời điểm ấy, có tới 3.503 người đến tuổi lao động (18,3%) mà bản thân chưa sẵn sàng làm việc - do tính toán lựa chọn nơi làm việc, hoặc do chờ di chuyển nơi làm việc, hoặc còn tâm lý thích làm việc trong khu vực Nhà nước, trong doanh nghiệp có quy mô lớn, không thích làm việc ở các khu vực kinh tế khác; đồng thời có tới 12.149 người đến tuổi lao động (63,47%) do chưa qua đào tạo nghề nên không thể tìm được việc làm, trong đó có khoảng 3.000 người không thích học nghề, ngại làm lao động trực tiếp, chỉ thích làm công việc nhẹ nhàng, có mức thu nhập cao…” (1).

Chính nhờ “chẩn đoán đúng bệnh” nên Đề án Giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố đã tập trung vào việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho một số đối tượng yếu thế và thường xuyên điều chỉnh các chính sách này cho phù hợp với thực tiễn cũng như với mặt bằng chính sách chung của cả nước, nhằm nâng cao tỷ lệ người đến tuổi lao động được đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, trước hết là các cơ sở đào tạo nghề công lập. Chẳng hạn ngay đầu năm 2007, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Đà Nẵng đã được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và hiện nay đang tiếp tục phấn đấu thành trường chất lượng cao vào năm 2022, với 9 nghề trọng điểm được dạy theo chương trình chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như cả nước và xuất khẩu lao động.

Hướng đến người dạy - một yếu tố mang tính quyết định trong việc nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, UBND thành phố còn ban hành Đề án Phát triển giáo viên dạy nghề thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020; đồng thời ban hành Đề án Đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngay trong tuyển sinh và chương trình dạy-học.

Kết quả là sau 10 năm tập trung “thuốc thang” cho căn bệnh “chưa qua đào tạo” ấy, theo đánh giá của UBND thành phố tại Kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố vào đầu tháng 12 vừa qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Đà Nẵng ở thời điểm cuối năm 2017 đạt 49% (chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt 51%; chỉ tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XXI Đảng bộ thành phố vào năm 2020 là từ 50 đến 55%).

Trong quá trình giải quyết vấn đề thất nghiệp có câu chuyện tạo cầu nối giữa việc và người, làm thế nào để người tìm việc có thể liên thông đồng bộ với việc tìm người. Chính vì thế mà kế thừa kinh nghiệm các hội chợ việc làm đã được tổ chức ở Đà Nẵng từ những năm trước - qua tổ chức Hội chợ việc làm năm 2000 tuyển dụng gần 1.400 lao động, Hội chợ việc làm năm 2004 tuyển dụng hơn 2.500 lao động, Đề án Giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố năm 2005 tiếp tục đề ra yêu cầu “định kỳ tổ chức Hội chợ việc làm để người lao động, người sử dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm, các trường và cơ sở đào tạo trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu, nắm bắt thông tin, nhu cầu về lao động việc làm, tuyển dụng, thông qua đó đáp ứng nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, giúp người lao động tìm được việc làm, định hướng học nghề, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động thành phố.

Từ nay đến năm 2010, tổ chức 3 lần Hội chợ việc làm (2005, 2007 và 2010 - BVT); phấn đấu qua mỗi lần hội chợ, hỗ trợ cho khoảng 3.000 lao động tìm được việc làm, hỗ trợ cho khoảng 2.000 lao động đăng ký học nghề” (2). Đến năm 2006, UBND thành phố còn quyết định nâng cấp hội chợ việc làm mỗi năm một lần thành chợ việc làm hằng tháng, thông qua việc ban hành Đề án Tổ chức Chợ việc làm định kỳ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (3) quy định chợ việc làm định kỳ được tổ chức vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của tuần đầu tháng, phiên đầu tiên được tổ chức vào tháng 5 năm 2006.

Hình thức chợ việc làm kết nối giữa người lao động với người tuyển dụng lao động và cơ sở đào tạo nghề do chính quyền thành phố tổ chức còn được nhân bản qua chợ việc làm do một số trường như Trường Đại học Đông Á tổ chức dành riêng cho sinh viên trường mình mới tốt nghiệp.    

Một điểm then chốt nữa trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp là phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động. Ngay từ giữa năm 2008, Đà Nẵng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp/ dịch vụ/ nông nghiệp sang dịch vụ/ công nghiệp/ nông nghiệp, nhờ vậy mà dịch vụ - nhất là dịch vụ du lịch - nhanh chóng phát huy lợi thế so sánh, trở thành một mũi nhọn kinh tế của Đà Nẵng và quan trọng hơn là trở thành một lĩnh vực nghề nghiệp thu hút nhiều lao động.

Có thể nói dịch vụ du lịch ngày càng phát triển đã tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động có tay nghề cao, từ các hướng dẫn viên du lịch đến nhân viên lễ tân khách sạn và người phục vụ nhà hàng, từ các nhân viên quản trị lữ hành đến nhân viên marketing và người làm nghề đầu bếp, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là làm cho du khách “đến như khách và ra về như bè bạn”.

Khởi sự từ năm 2008, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế được tổ chức gần như thường niên và trở thành một thương hiệu độc quyền của Đà Nẵng, hằng năm đã góp phần thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Đà Nẵng, qua đó cũng góp phần tạo nên một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động.

Rồi việc xây dựng mới hàng loạt bất động sản như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, condotel, nhà hàng… phục vụ cho khách du lịch ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu dừng cũng đã tạo nên ở Đà Nẵng một “công trường” lao động khổng lồ từ thiết kế đến thi công.

Muốn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động, không thể không coi trọng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà đầu tháng 3 năm 2017, đã diễn ra Tọa đàm Xúc tiến đầu tư bất động sản Đà Nẵng, và trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC do Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đăng cai tổ chức vào thượng tuần tháng 11 vừa qua cũng diễn ra Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017, đồng thời Đà Nẵng đã chọn chủ đề của 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”.

Đương nhiên đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động không có nghĩa là Đà Nẵng không sẵn sàng nói “không” với những dự án đầu tư tuy thâm dụng lao động nhưng lại gây ô nhiễm môi trường hoặc không đảm bảo yêu cầu quốc phòng - an ninh, không sẵn sàng nói “không” với những dự án đầu tư tuy thâm dụng lao động nhưng công nghệ lạc hậu và có khả năng góp phần biến Đà Nẵng thành bãi thải về công nghệ.

Mà khi đã “kén cá chọn canh” như vậy, đòi hỏi Đà Nẵng phải tiếp tục nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề nói chung, bởi giống như muốn có nụ cười mãn nguyện thì trước hết trong lòng phải thực sự có niềm vui.

Khó có thể chấp nhận được kiểu thu hút đầu tư mà nhà đầu tư thẳng thừng tuyên bố không tuyển dụng được lao động tại chỗ với lý do Đà Nẵng không đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực. Rõ ràng trong câu chuyện thất nghiệp và giải quyết thất nghiệp, yếu tố nội lực là vô cùng quan trọng - nội lực của cả thành phố và nội lực của từng người lao động.

BÙI VĂN TIẾNG


(1) Trích Đề án Giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 142/2005/QĐ-UBND ngày 03-10-2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng

(2) Trích tài liệu đã dẫn.

(3) Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2006/QĐ-UB ngày 12-4-2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

;
.
.
.
.
.
.