Phong trào "Nước xu" và chuyện ông Điền, ông Đúc

Ở Quảng Nam có rất nhiều câu chuyện đồng bào đánh Pháp thú vị, trong đó có chuyện phong trào “Nước xu” và sự tích hai anh em ông Điền, ông Đúc ở huyện Trà My.

Từ truyền thuyết nước xu…

Theo lời các cụ già người dân tộc thiểu số ở Trà My, phong trào mua bán nước xu đầu tiên phát sinh từ đâu thì chưa rõ lắm, chỉ biết rằng người dân các vùng Trà My, Phước Sơn ở Quảng Nam thường lên vùng Tum-pồ-ron của Kon Tum mua về. Từ đó, phong trào “Nước xu” lan rộng trong các vùng dân tộc miền núi Quảng Nam, gắn liền với một truyền thuyết thú vị, vừa mang tinh thần phản kháng chống thực dân Pháp vừa dựa trên bản sắc văn hóa của các đồng bào nơi đây.

Gọi là “nước xu”, vì mua bán thứ nước này không trả bằng tiền giấy hoặc những vật quý như chiêng, ché... mà chỉ trả bằng đồng xu. Cả người mua lẫn kẻ bán nước xu đều cho rằng đây là “nước tiên”, nước của trời cho. Ai uống và xoa vào người một ít nước này (gọi là làm phép) thì người đó có thể đâm chém được kẻ khác; còn người đó có bị kẻ khác đâm, chặt, bắn tên vào thân mình cũng không thủng, kể cả súng đạn của Pháp.

Theo quan niệm lúc đó, nếu làng nào có các già làng, tù trưởng, trai tráng khỏe mạnh đều dùng “nước tiên” thì làng ấy sẽ có một lực lượng hùng mạnh để bảo vệ sự sống còn của làng mình, đồng thời làng khác nghe thế cũng không dám đến gây hấn. Cũng có làng cậy thế đông dân, giàu có, dùng nước này để tổ chức làm giặc (gọi là giặc mùa, nổi lên sau khi thu hoạch xong), dẫn quân đi “thanh toán” những làng có thù hằn với làng mình, thu chiến lợi phẩm về cúng ma cỏ, trời đất, để được mùa, no đủ và thêm giàu có. Và nếu mỗi lần làm giặc thành công thì uy tín của làng đó ngày càng mạnh lên, những làng xung quanh đều kính nể, những thanh niên săn được nhiều chiến lợi phẩm càng được các cô gái để ý.

Sau khi thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến năm 1927 – 1928, chúng cho các chánh tổng, chủ làng lấy dân đi làm xâu mở con đường dài 17km từ Trà My đi Nước Vin (ngã ba Nước Vin giáp sông Tranh) và xây dựng ở Nước Vin một đồn lính có một trung đội lính khố xanh đóng. Cùng với đó, Pháp tiến hành khai thác mỏ vàng ở phía nam Nước Pui giáp sông Tranh với 50 công nhân người Kinh. Trung đội lính khố xanh do một sĩ quan Pháp chỉ huy, vừa ngăn chặn nạn giặc mùa của đồng bào thiểu số miền ngược, vừa bảo vệ cho việc khai thác vàng ở đây.

… đến chuyện hai anh em ông Điền, ông Đúc  

Sau khi phong trào “Nước xu” ở các làng vùng dân tộc miền núi phát triển mạnh, thực dân Pháp xâm nhập sâu vào vùng dân tộc như: làm các đồn trại biên phòng, mở các đường giao thông chiến lược, đặt bộ máy cai trị lên vùng dân tộc miền núi... Pháp dựa vào bộ máy cai trị này để nắm dân, bắt dân đi xâu làm đường, làm đồn, nộp thuế. Việc bắt đi xâu khiến dân khổ cực, đói khát, luôn bị hà hiếp, đánh đập rất tàn nhẫn.

Đồng bào thiểu số miền ngược với bản tính ưa tự do, không chịu kẻ khác cai trị, hà hiếp nên tinh thần căm thù thực dân của bà con ngày càng sâu sắc. Đã nổ ra nhiều cuộc nổi dậy của đồng bào bằng vũ trang, bằng thưa kiện lên trên; phổ biến là vũ trang đi đánh Pháp, chống việc đi xâu nộp thuế và bất hợp tác với chúng.

Trước tình hình đó, lại có tin hai anh em ông Điền, ông Đúc ở làng Long Túc là những người có thế lực, dân các vùng ai cũng sợ; hơn nữa hai ông lại là những người liên lạc đến Tum-pờ-ron để mua “nước xu” về bán cho người dân miền núi Trà My. Thực dân Pháp cho rằng hai anh em ông này đã vận động nhân dân miền núi làm loạn, nổi dậy để chống xâu, chống thuế của Pháp, không chịu theo chúng.

Mùa hè năm 1937, một trung đội lính khố đỏ do một tên quan Pháp chỉ huy, từ Hội An lên Trà My rồi đi bộ khoảng 4 ngày đường đến làng Long Túc. Đi mới được hai ngày thì chúng bị đồng bào vùng Mò O chặn đường đánh ở dốc Vượt, nhưng không bị tổn thất gì đáng kể nên tiếp tục hành quân. Đến nơi, chúng bắt ông Cửu Thoại - một thương lái người Kinh lên buôn bán ở vùng này, buộc ông dẫn đường đến thuyết phục hai anh em ông Điền, ông Đúc. Cả hai không chịu khuất phục, tên Pháp chỉ huy ra lệnh bắt và xử bắn hai anh em ngay tại chỗ.

Lạ lùng thay, khi chúng vừa xử bắn hai ông xong thì sấm sét nổ đầy trời và mưa to gió lớn đùng đùng nổi lên, đồng bào khắp nơi tin rằng ông Điền, ông Đúc là “con trời” nên mới có chuyện đó. Vì thế, tuy hai anh em ông Điền, ông Đúc đã bị giết, nhưng đồng bào chẳng hề sợ quân Pháp mà còn đẩy mạnh phong trào chống xâu, chống thuế, bất hợp tác với chúng.

Ngày nay, đồng bào dân tộc các làng ở vùng cao và vùng trung Trà My, Phước Sơn vẫn còn kể nhau nghe truyền thuyết “Nước xu” và sự tích ông Điền, ông Đúc trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược của đồng bào dân tộc thiểu số một thời ở Quảng Nam.

HÀ VÕ

;
.
.
.
.
.
.