Phương hay Thuốc quý

Hai lần cấp cứu trúng thực thịt vịt

.

Một đêm xuân đang mơ màng giấc điệp, tôi choàng tỉnh bởi có tiếng kêu cửa khẩn cấp. Vùng dậy mở cửa, bắt gặp vị khách là thiếu tá - phó trưởng công an huyện giữa đêm hôm khuya khoắt, tôi hơi chột dạ, không biết có cơ sự chẳng lành nào đây?

“Thịt vịt nhớ chấm nước gừng/ Người già bụng yếu xin đừng… ép ăn”. Ảnh: P.C.T
“Thịt vịt nhớ chấm nước gừng/ Người già bụng yếu xin đừng… ép ăn”. Ảnh: P.C.T

Đoán biết ý lo của tôi, anh cho biết ngay ông thân sinh ra anh đang lên cơn khó thở đột ngột và nhờ tôi đến khám xem thế nào. Ông cụ 85 tuổi này vốn bị đột quỵ từ ngày đưa ông Táo về chầu trời trước Tết Canh Thìn (2000), sau khi nằm viện hơn mười ngày, được đưa về nhà nhờ tôi tiếp tục điều trị di chứng tai biến liệt nửa người.

Qua hai tuần châm cứu và dùng thuốc, ông cụ đã có thể tự đi lại được, miệng bớt méo và nói tiếng đã rõ ràng, đặc biệt huyết áp và tim mạch tương đối ổn định. Vậy mà giờ đây… Nhìn đồng hồ chỉ quá một giờ khuya, đường đến nhà bệnh nhân cách nơi tôi ở khoảng bốn cây số… Thôi thì “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng ái ngại xa gần đêm hôm”, tôi vội lấy túi dụng cụ, khoác áo lạnh, trùm đầu, dẫn xe ra đi.

Đến nơi, thấy ông cụ được đặt nằm trên ghế, da bợt bạt, người mềm oặt, thở hào hển. Kiểm tra huyết áp, mạch bình thường. Chị con dâu cho biết ông cụ mới kêu muốn đi cầu nhưng không đi được. Chị còn khoe tối qua trông thần thái cụ khoẻ lắm, ăn hết một tô cháo ngon lành, thấy vậy chị cố nài ông ăn thêm lưng tô nữa. Một tia chớp lóe qua đầu tôi, liền buột miệng hỏi “Cháo gì vậy chị?” – “Cháo thịt vịt, tối qua bồi dưỡng cả nhà mà”.

Thôi rồi, trúng thực! Tôi cố nén mới kìm được tiếng reo chực bật ra khỏi miệng. Lật áo ông cụ, nắn vùng bụng thấy đầu hơi căng tức, vỗ nhẹ nghe tiếng bình bịch như tiếng phát ra từ quả mít chín. Sẵn điếu ngải Thái Ất thần châm mang theo tôi dùng cứu ấm hai huyệt Khí hải và Trung quản khoảng mươi phút thì bắt đầu nghe có tiếng sôi ùng ục trong bụng, rồi ông trung tiện liên tục...

Chẳng mấy chốc, người ông tươi tỉnh lại, bụng hết anh ách, chứng tức ngực khó thở cũng tiêu luôn. Cẩn thận cho ông cụ uống thêm một liều thuốc bột tiêu thực, tôi mới thở phào nhẹ nhõm ra về.

Thú thực, chẩn đoán và xử lý nhanh ca bệnh này là nhờ tôi đã gặp may, bởi  nghề nghiệp run rủi lại để tôi gặp một trường hợp tương tự như đã gặp trước đó mười năm. Khi mới chập chững vào nghề, tôi có cắt cho một ông bác họ xa vài thang thuốc.

Uống vào thấy đỡ, bác đến cân thêm hai thang nữa lúc chiều thì đến khoảng 11 giờ đêm ấy tôi sững sờ thấy hai vợ chồng bác đốt đèn tìm đến quầy thuốc nằng nặc đòi tôi kiểm tra lại thang thuốc mang theo có lầm lẫn gì không mà uống vào không như hai thang thuốc cũ.

Từ chập tối uống thuốc vào nằm mãi không ngủ được, cứ vừa thiu thiu chợt giật thót hồi hộp, bụng thì óc ách khó chịu. Quái lạ, hai thang bát vị gia giảm tôi cắt cho bác nguyên toa cũ không thay đổi gì mà sao vậy nhỉ? Hay là…

Tôi hỏi bác tối nay có ăn uống gì khác thường không. Bác gái liền nhanh nhảu cho biết thấy bác trai khỏe người ăn uống khá hơn liền làm thịt một con vịt nhà nuôi để tẩm bổ. Đoán bác bị trúng thực, bụng chướng khí nghịch xung tâm, tôi liền tán mấy cái vảy trút (Xuyên sơn giáp) cho bác uống tại chỗ. Ngồi một lúc nghe bụng nhẹ hẳn thì bác về. Hôm sau đến, bác cho biết về đến nhà bác lên giường ngủ “thẳng cẳng” đến sáng. Thật hú vía! Tôi cũng không ngờ chút kinh nghiệm cỏn con ấy lại hữu dụng cho mình một lần nữa về sau.

Trên đường về nhà, tôi nghe lòng lâng lâng một niềm vui vì vừa làm được một việc hữu ích. Nhưng chẳng được bao lâu cảm giác ấy tắt ngấm, nhường chỗ cho một nỗi băn khoăn mới đến xâm chiếm lòng tôi. Có phải ngẫu nhiên chăng mà cả hai trường hợp trúng thực thịt vịt tôi gặp đều rơi vào người già trên tuổi “cổ lai hy”, đều có những chứng trạng mà Đông y quy là Tỳ Thận dương hư như hay sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu đêm nhiều, đại tiện nhão, ăn ngủ kém, hơi thở ngắn…? Phải chăng thịt vịt có tính hàn, khó tiêu cho người dương hư khí kém?

Tôi liền tra cứu một số sách, được biết thịt vịt có tính hàn lãnh và ngộ độc thịt vịt là câu chuyện có tự ngàn xưa. Bởi vậy kinh nghiệm ẩm thực của dân ta chế biến thịt vịt bổ mát luôn được dùng kèm với gia vị gừng ấm nóng vừa để điều hòa âm dương, vừa làm tăng khoái khẩu: “Thịt vịt nhớ chấm nước gừng/ Người già bụng yếu xin đừng… ép ăn!”.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.
.