Tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây

Thành tựu và thách thức

.

Tháng 10-1998, tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 8, tổ chức tại Manila (Philippines), sáng kiến về Hành lang Kinh tế Đông - Tây (East-West Economic Corridor - EWEC) được nêu ra. Hành lang này dựa trên một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam và là một trong 5 hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng.

Chính thức thông tuyến vào ngày 20-12-2006, sau hơn 10 năm hoạt động, tuy đã đạt được nhiều thành tựu thúc đẩy sự phát triển và hội nhập kinh tế của 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam nhưng các địa phương dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Kim ngạch xuất khẩu hai chiều trong 2 năm 2016 và 2017 tại Đà Nẵng.  Đồ họa: TUYẾT ANH
Kim ngạch xuất khẩu hai chiều trong 2 năm 2016 và 2017 tại Đà Nẵng. Đồ họa: TUYẾT ANH

EWEC có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt kinh tế - xã hội, hợp tác phát triển và xóa đói giảm nghèo vì cho phép khai thác và bổ sung lợi thế, tiềm năng giữa bốn nước trên hành lang về tài nguyên, điều kiện tự nhiên, con người và mở rộng thị trường nhất là tiềm năng biển, di sản văn hóa...

Các địa phương dọc tuyến hành lang của Lào, Thái Lan và Việt Nam đều là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. EWEC đã góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường liên kết giữa vùng này với những khu vực khác trong ASEAN cũng như với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời giúp hỗ trợ sự phát triển về kinh tế công-nông nghiệp, du lịch, giúp tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân tại các khu vực biên giới và nông thôn.

Sau hơn 10 năm, nhiều hạng mục hạ tầng giao thông chủ chốt trên hành lang đã được đầu tư nâng cấp như dự án cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, đường hầm đèo Hải Vân, đường quốc lộ 9. Cuối năm 2006, cây cầu quốc tế Lào - Thái thứ hai qua sông Mekong được khánh thành, chính thức nối liền 7 tỉnh đông bắc Thái Lan, tỉnh Savannakhet (Lào) và 3 tỉnh, thành  Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng của Việt Nam. Hạ tầng giao thông phát triển đã cho phép kết nối di sản văn hóa thế giới của các nước liên quan.

Theo báo cáo tại hội nghị các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Bangkok diễn ra vào tháng 5-2015, Cảng Đà Nẵng, điểm cuối của EWEC đã tăng trưởng sản lượng hằng năm khoảng 12 – 15%.

Mức tăng trưởng này là do Cảng Đà Nẵng đã đầu tư nhanh, phù hợp với nhu cầu EWEC. Thương mại của Đà Nẵng có những trao đổi mật thiết với thị trường Thái Lan. Năm 2017, Cảng Đà Nẵng cũng góp phần phát triển du lịch tàu biển của thành phố thông qua việc đón 82 lượt tàu du lịch với gần 148.000 hành khách và thuyền viên (tăng 17% về lượt tàu và gần 8% về hành khách cập cảng so với năm 2016).

Kết thúc năm 2017 (tính đến 31-12-2017), sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng đạt mốc 8,028 triệu tấn, tăng 11% so với 2017. Như vậy, trong suốt 5 năm qua, sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng duy trì đà tăng bình quân 12,5%/năm.

Số liệu thống kê giai đoạn 2012 - 2016 cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng đều từ 8-9%. Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của thành phố cũng tăng cao qua từng giai đoạn và luôn cao hơn bình quân chung của cả nước.

Năm 2011, GDP bình quân đầu người của thành phố 2.283 USD thì năm 2016, con số này là 2.980 USD. Theo đó, về kinh tế, đến năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu để GRDP tăng bình quân 8-9%/năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.000 - 4.500 USD.

Ngày 22-9-2017, phát biểu tại hội thảo khảo sát đầu phía đông của EWEC do Tổng cục Du lịch tổ chức tại Quảng Nam, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành nêu rõ: Trong những năm qua, nhờ tác động của EWEC, kinh tế, thương mại và du lịch giữa Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar tăng mạnh, các trục giao thông trên EWEC được kết nối đã giúp các nước thuộc EWEC tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế trong khu vực.

EWEC còn mở đường ra biển cho người dân thuộc các tỉnh, thành và quốc gia vốn không có biển, cung cấp hải sản cho họ và tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp của mình sang các quốc gia lân cận một cách dễ dàng hơn.

Nhờ phát triển giao thông vận tải, giao thông liên lạc và kinh tế, các nước trong khu vực EWEC đã, đang và sẽ có thêm nhiều cơ hội và lợi thế phát huy tiềm năng của mỗi nước và của khu vực để phát triển du lịch do tính chất vừa thống nhất, vừa tương đồng nhưng cũng rất đa dạng, phong phú về các loại hình du lịch: di sản, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái…

Trước đó, vào tháng 8-2017, Đà Nẵng cũng đã tổ chức thành công Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông - Tây Đà Nẵng 2017, với gần 350 gian hàng trưng bày của gần 200 doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài như: Nam Phi, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Hungary, Indonesia…

Đây là lần thứ 7, hội chợ được tổ chức, cũng chính là kênh xúc tiến thương mại quan trọng, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giữa các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước nằm trong tuyến EWEC.

Cũng trong khuôn khổ hội chợ, tại hội thảo “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây”, các chuyên gia nhận định: Trong giai đoạn vừa qua, hợp tác giữa các nước trên tuyến EWEC đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tác động rõ ràng nhất của EWEC đến lĩnh vực thương mại là Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước GMS (GMS-CBTA) và triển khai kiểm tra hải quan một cửa, một điểm dừng. Ngoài ra, nhiều hiệp định song phương đã được ký kết giữa Việt Nam - Lào, Thái Lan - Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh giữa các nước.

Bên cạnh đó, cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động tạo thuận lợi cho EWEC trong việc đón nhận đầu tư, lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động cũng như là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó các địa phương dọc Hành lang kinh tế Đông - Tây có cơ hội phát triển sánh kịp với các tỉnh, thành phố của các quốc gia phát triển trong ASEAN.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu thúc đẩy sự phát triển và hội nhập kinh tế của bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam nhưng các địa phương dọc tuyến EWEC vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, hạ tầng phát triển không đều, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, phải cạnh tranh với các nước thành viên; hạ tầng phần mềm chưa bắt kịp sự phát triển của hạ tầng phần cứng, làm giảm nhịp phát triển của tuyến EWEC so với các khu vực khác trong ASEAN. Thứ hai, một số thủ tục hải quan tại Việt Nam vẫn còn khá rườm rà khiến hàng hóa bị tắc nghẽn hoặc vận chuyển về ít vì ngại các thủ tục, chi phí cao. Thứ ba, trình độ nhân lực chưa cao cũng là yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Để các địa phương dọc tuyến EWEC hợp tác phát triển có hiệu quả, các chuyên gia đề xuất, trong thời gian tới các nước thành viên tuyến EWEC cần chú trọng chuyển đổi từ hành lang giao thông sang hành lang kinh tế; chú trọng mở rộng các tuyến đường của hành lang, kết nối sâu rộng nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của địa phương, đồng thời chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Song song đó, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Hành lang kinh tế Đông - Tây 1 và 2, nối thông từ điểm đầu đến điểm cuối trên lãnh thổ Myanmar, sớm hoàn chỉnh khung pháp lý Hoạt động vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ, đẩy nhanh các cam kết trong AEC giữa các nước trong khối ASEAN; sử dụng công nghệ phần mềm đơn giản hóa các thủ tục thông quan cửa khẩu và công nghệ này cần được đồng bộ hóa tại các quốc gia; phối hợp với nước bạn Lào tăng cường hợp tác trong việc trao đổi thông tin và thống nhất các thủ tục hải quan.

Về vấn đề du lịch, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tiềm năng du lịch của các nước dọc tuyến EWEC có những lợi thế cao so với nhiều khu vực khác thuộc các nước nằm trong lưu vực sông Mê Kông như có các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều bãi biển đẹp, khí hậu trong lành dọc đường bờ biển từ lãnh thổ Việt Nam và Myanmar thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển, nghỉ cuối tuần.

Bên cạnh đó, khu vực này còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều lễ hội, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa, có các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, đô thị cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng (Việt Nam), cố đô Sukhothai (Thái Lan), cố đô Vesali (Myanmar).

Tuy nhiên, mức độ phát triển du lịch tại các nước thuộc EWEC lại hạn chế, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế để tạo ra các sản phẩm du lịch chung có sức cạnh tranh, chưa kết nối các điểm du lịch hấp dẫn trên tuyến hành lang để tạo ra những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách.

Theo đề xuất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, để thúc đẩy du lịch, tăng cường kết nối điểm đến, tour du lịch giữa các tỉnh, thành của các nước nằm trên EWEC thì cần xây dựng các tour du lịch chuyên đề trên tuyến hành lang:

Tour du lịch mạo hiểm bao gồm các hoạt động du lịch liên quan đến nước, mặt đất, núi…; tour du lịch trải nghiệm văn hóa bao gồm lễ hội, ẩm thực đồ uống, đồ thủ công truyền thống; tour du lịch lịch sử bao gồm tìm hiểu về kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật; tour du lịch mới bao gồm trải nghiệm những sản phẩm mới, độc đáo.

Tại Đà Nẵng, kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng qua các năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang các nước thuộc EWEC năm 2016  ước đạt 35 triệu USD, năm 2017 ước đạt  44 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu từ các nước EWEC vào Đà Nẵng năm 2016 ước đạt 32 triệu USD, năm 2017 ước đạt  37 triệu USD

(Nguồn: Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố)

PGS,TS Đặng Văn Mỹ - Đại học Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.
.