Cuộc vượt tù ngoạn mục

.

Vào những ngày tháng Ba lịch sử, các cựu chiến binh (CCB) nguyên là chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 lại quây quần bên nhau, nhớ về ngày cầm súng. Đây là Tiểu đoàn gắn liền với chiến công trận Núi Thành nổi tiếng. Trong số họ, CCB Đặng Văn Tráng quê xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) có tuổi quân ít nhất ở Đại đội 2.

Cựu chiến binh Đặng Văn Tráng (ngoài cùng bên phải) và đồng đội Tiểu đoàn 70 tham gia xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: H.V
Cựu chiến binh Đặng Văn Tráng (ngoài cùng bên phải) và đồng đội Tiểu đoàn 70 tham gia xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: H.V

Ngày ấy đi học về và bổ sung làm y tá, chiến sĩ Tráng háo hức trước trận đánh vào dinh Tỉnh đường Quảng Tín (Quảng Nam) đầu xuân Mậu Thân 1968. Tuy nhiên do phối hợp giữa các đơn vị không trùng khớp, yếu tố bất ngờ không còn, ông cùng nhiều đồng đội của mình bị địch bắt ngay trong buổi sáng mồng Một Tết khi đang tìm cách cứu chữa thương binh.

Phú Quốc chính là điểm đến cho những người tù như ông. CCB Đặng Văn Tráng không thể nào quên trận vượt ngục khá hy hữu năm 1971. Đây cũng là trận thoát khỏi nhà lao mang dấu ấn lịch sử, khiến địch vô cùng tức tối. Bởi chỉ trong vòng một tuần của tháng 5, có đến 2 lần những người tù Cộng sản vượt ngục thành công.

Ông Tráng nhớ lại: Đêm 11-5, anh Chính, cùng Tiểu đoàn 70 đang ở trại A5, viết giấy ném qua nói rằng A5 đào hầm suốt 3 tháng và chuẩn bị vượt ngục; hãy chờ bên này đi trước rồi rút kinh nghiệm. Đúng như kế hoạch, 27 tù nhân của trại A5 trong đó có Anh hùng LLVTND Trương Văn Hòa (quê Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) trốn thoát được. Nghe tin ấy, các tù binh quá đỗi vui mừng. Tính từ năm 1969 đến thời điểm đó, đây là vụ “nhảy hầm” thứ hai thành công, các vụ khác đều bị địch phát hiện”.

Sau sự kiện A5, địch khủng bố, kiểm soát gắt gao. Những tù nhân còn lại của trại này đều rải vào các buồng giam khác và bỏ trống trại A5. Chúng chỉ tập trung gác vòng ngoài và điều này lọt vào tầm quan sát của các chiến sĩ trại B5. Thời cơ đã đến sau 4 ngày. Đó là đêm 15-5, bên khu D5 (trại chiến sĩ miền Bắc) bỗng nhốn nháo khác thường. Một người chạy ra phía cổng giám thị, luôn miệng kêu “cứu tôi với”, trong khi những người khác cố lôi anh ta vào trại và nói rằng tù nhân này bị “thần kinh”. Quân cảnh được điều tới bắn súng thị uy. Chừng mười phút sau, giám thị chưa đến trại thì lại có tiếng kêu thất thanh lặp lại, tên “thần kinh” lại chạy ra cổng, nhưng đến giữa sân điểm danh thì bị anh em bắt được đưa vào phòng. Thì ra, đó chính là  tên địch cài vào trại để nắm thông tin vượt ngục, các tù nhân đã khôn khéo kịp xét xử tên này.

Đề phòng tù binh D5 tạo tình huống nhằm trốn thoát bằng đường hầm, bọn địch bỏ mặc sự an toàn của tên chỉ điểm, huy động tối đa lực lượng bao vây trại. Trong khi chờ quân cảnh nơi khác đến, đại đội quân cảnh đang canh gác ở B5 được điều đi bao vây khu vực D5.

Ông Tráng sôi nổi hẳn lên khi nhớ lại thời cơ năm nào: “Nhận thấy lính gác kéo đi hết, đèn pha trên chòi canh cũng quay về phía sau trại D5, anh em B5 chớp nhoáng vượt ngục. Đầu tiên là 5 tù binh Quảng Nam, Đà Nẵng, sau đó 14 anh em các tỉnh khác nhanh chóng cắt thép gai, bí mật bò qua khu A5 đang bỏ trống rồi cắt tiếp rào thép gai ở đây và trốn ra rừng. Xác định mạo hiểm bởi chúng có thể quay lại bất cứ lúc nào và nguy cơ bị bắn rất cao nhưng ai nấy đều tin rằng đây chính là giây phút vàng. Quả đúng như vậy. Trong số 19 anh thì có đến 16 thoát được, 3 người không phải bộ đội nên lúng túng chưa cắt xong hàng rào hoặc thoát quá chậm. Bọn quân cảnh khu D5 trở lại vị trí cũ, phát hiện cuộc vượt ngục, bắn bị thương 3, trong đó 1 người hy sinh, hai tù nhân bị bắt lại”.

Mặc cho bọn cai đảo cay cú và bao vây lùng sục, 16 tù binh của B5 đã hòa lẫn vào núi rừng Phú Quốc.
 Đi mãi 5 ngày trong rừng, cuối cùng họ cũng gặp bộ đội và được dẫn về huyện đội Phú Quốc sau khi được thử thách có đúng là người của ta vượt ngục hay địch cài cắm. Tại đây, ông Tráng được qua Campuchia bằng đường biển. Đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao đổi tù binh thì ông Tráng trong đội hình từ Campuchia ra lại Phú Quốc để theo dõi việc trao trả. Hằng ngày ông cùng đồng chí của mình đếm các chuyến bay cất cánh, kiểm tra số tù nhân được đưa ra khỏi đảo. Chính nhờ vậy mà đơn vị đã phát hiện có 120 tù nhân cốt cán đã được chở về nhưng không có tên trong danh sách trao trả. Thì ra chúng đưa về Biên Hòa, định thủ tiêu. Trước sự đấu tranh của ta, địch phải bàn giao ở Lộc Ninh.

 Làm quân y của Trung đoàn 195, sau giải phóng chuyển ngành về làm cán bộ Công ty Bán lẻ công nghệ thực phẩm của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) và về hưu, ông Đặng Văn Tráng luôn xông xáo trong các hoạt động của CCB. Trở lại chiến trường xưa hay tham gia làm phim truyền thống, thăm hỏi đồng đội…, người CCB này đều có mặt. Mới đây nhất, ông và CCB Tiểu đoàn 70 được mời với tư cách nhân chứng tại hội thảo “50 năm - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” ở Quảng Nam. Ông nói rằng, sau này không còn trực tiếp chiến đấu với kẻ thù nhưng cuộc đấu trí với địch ở Phú Quốc là quãng thời gian thực sự ý nghĩa, không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.
.