Thừa sướng, thiếu chịu đựng

.

Hôm qua tôi nghe một em thực tập ở cơ quan báo nọ than thở một thôi một hồi chuyện sốc vì làm báo quá cực. Em bảo muốn viết được một tin, bài phải dang nắng cả ngày, rồi phải tìm kiếm nguồn tin, tìm cách thuyết phục nhân vật trả lời, xong phải nặn não viết.

Em còn kể mình hay được phân công đi làm những tin nhảy cầu tự tử, tai nạn giao thông vì những tin đó dễ thu hút người đọc. Đưa tin mệt, ám ảnh mà chưa chắc được đăng, sản phẩm đăng xong thì nhuận bút ít ỏi. Mới thực tập, em đã nhìn thấy sự nghiệp phía trước của mình không phải là nhà báo.

Tôi không cảm thấy ngạc nhiên trước những điều em kể, dù tôi cũng học báo chí và cũng từng đi thực tập như em. Điều khiến tôi ngạc nhiên là tại sao em có thể ngạc nhiên được như vậy. Em được đào tạo báo chí bài bản thì thừa hiểu tác nghiệp báo chí là như thế.

Nhà báo không thể khóa cửa chôn chân trong phòng mát rượi và cho tâm trí trôi vào sự tưởng tượng để viết nên tác phẩm. Chất liệu của báo chí ở ngoài đường, nên chỉ có cách duy nhất cắm đầu ra đường mới có tư liệu.

Về chuyện thu nhập trong quá trình thực tập, tôi hỏi em: Vậy theo em “thu nhập” lúc này là tiền hay sự trải nghiệm? Em có nơi nhận vào học làm quen công việc đúng chuyên ngành, đó là “thu nhập” đầu tiên. Em được hướng dẫn, phân công đề tài, đó là “thu nhập” thứ hai. Một đề tài được phân công cho em, đồng nghĩa một phóng viên nào đó mất một cơ hội làm việc.

Em có được tin, bài của mình để đăng, để báo cáo về trường là “thu nhập” thứ ba. “Tổng thu nhập” này chính là những kinh nghiệm đầu tiên quý báu trong nghề nghiệp của em, như vậy đã quá lời so với những gì em trả lại cho cơ quan báo chí đó, sao em còn so đo tiền bạc?

Ngạc nhiên xong tôi lại cảm thấy ngạc nhiên cho chính bản thân mình khi lại đi ngạc nhiên vấn đề này, bởi xung quanh tôi, những em mười chín, đôi mươi dư thừa sự than vãn và thiếu sự chịu đựng gian khổ đâu hề ít.

Một giám đốc công ty chia sẻ với tôi rằng, bây giờ tuyển nhân viên làm công việc thị trường rất khó, dù là tập đoàn tên tuổi hay công ty nhỏ, vừa. Công việc đòi hỏi tự tìm kiếm nguồn hàng, khách hàng, phải lăn lộn nhiều ngoài đường mới có việc và mức lương khởi điểm không thể cao…, thì các em nản ngay, nhận lương tháng đầu xong lại nghỉ. Ban đầu anh thấy khó khăn trong công tác tuyển dụng, nhưng dần phải chấp nhận thực tế, xem đó là “tình hình thời cuộc” để luẩn quẩn tuyển người - tiễn người rồi lại tuyển người.

Vì sao em thực tập báo chí ca thán nhiều như vậy khi mọi thứ đã được nhà trường giảng dạy rồi? Cái chính có lẽ không nằm ở giảng đường mà ở gia đình em. Em chỉ mới chuẩn bị ra trường, bố mẹ đã sắm cho em chiếc ô-tô để đi làm mưa không chạm gót chân, nắng không vương mái tóc, nên khi phải bươn chải tìm kiếm thông tin dưới cái nắng oi bức mùa hè và áp lực công việc thì em chỉ có… khóc ròng.

Thế hệ của em và trẻ hơn em nữa, hình như 100.000 đồng bỏ ra mua ly trà sữa là quá xoàng để không cần toan tính, nên mới có chuyện xếp hàng rồng rắn cả tiếng đồng hồ chỉ vì muốn mua được ly nước mình yêu thích với giá mỗi ly bằng gần chục cân gạo.

Việc các em rủng rỉnh 500.000 đồng trong túi do bố mẹ vừa cho để đi ăn vặt với bạn bè cũng quá đỗi bình thường, nên tới lúc phải đánh đổi cả tháng vất vả kiếm đồng lương 2-3 triệu đồng thì làm sao có thể dễ dàng đối mặt.

Làm việc nhàn, mát, sang, tiền nhiều…, ai chẳng muốn, nhưng đời sống đâu phải là giấc mờ màu hồng như các em hay gia đình các em dệt nên. Những thế hệ sau của các em còn sướng hơn nhiều nữa. Phải công nhận đa phần trẻ em càng ngày càng sung sướng xét về điều kiện vật chất.

Từ trứng nước các em đã được tạo điều kiện tốt nhất về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, quần áo, vui chơi, trường lớp, đồ dùng học tập, phương tiện đi học… Đó là mặt tích cực của sự phát triển xã hội. Đối với gia đình, “con hơn cha, nhà có phúc”.

Nhưng mặt trái của sự được chăm lo quá đủ đầy trước khi biết tự tạo ra sự đầy đủ cho bản thân là các em thiếu kiên nhẫn chịu đựng gian nan, vất vả. Về thị trường lao động, một thời gian dài chúng ta chứng kiến vấn nạn “thừa thầy, thiếu thợ”. Cục diện này chưa biết xoay chuyển thế nào, nhưng có lẽ đang có một vấn nạn đáng lo không kém, đó là tình trạng “thừa sướng, thiếu chịu đựng” ở người lao động trẻ tuổi.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.