.

Chờ đợi bất ngờ từ bóng đá Đông Âu

.

Thập niên 80, bóng đá Liên Xô qua bàn tay của HLV huyền thoại Lobanovsky nhào nặn, như một luồng gió mới, tràn qua châu Âu và tạo nên một sức quyến rũ đến lạ kỳ.

Tại Euro 1988, những Mikhailichenco, Igor Belanov, Protasov, Alexander Zavarov, Rats, Alenikov, Litovtchenco và thủ thành Rinat Dassaev dễ dàng đánh bại đội tuyển Ý hùng mạnh của những Franco Baresi, Carlo Ancelotti và thủ môn Zenga với tỷ số 2-0 để lọt vào trận chung kết gặp lại Cơn lốc màu da cam Hà Lan. Thế nhưng, họ đã thất bại khi đối mặt với triết lý bóng đá tổng lực của Hà Lan, với bộ ba Người Hà Lan bay Basten- Gullit- Riijkaard.

HLV Guud Hiddink cùng các học trò phấn chấn bước vào Euro 2008.

Thất bại tại Euro 1988 đã đánh dấu sự xuống dốc của bóng đá Liên Xô nói chung và bóng đá Đông Âu nói riêng.

Năm nay, tại VCK EURO 2008, bóng đá Đông Âu vẫn duy trì được 5 đại biểu mạnh nhất của khu vực gồm Nga, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Romania, Croatia. Trong bối cảnh hiện nay, một lần nữa, hy vọng sẽ có đội bóng tái lập thành tích của Liên Xô 20 năm trước, chí ít là tương tự như Czech tại EURO 2004, chỉ chịu dừng tại ngưỡng cửa bán kết, mà đó lại là đội vô địch giải đấu Hy Lạp.

Gấu Nga sẽ qua cơn ngủ đông! Đó là niềm hy vọng đối với đội bóng xứ sở cây bạch dương. Và chắc chắn rằng, người Nga đã nhìn thấy triển vọng sáng sủa của đội nhà. Họ có trong tay một HLV tài ba bậc nhất thế giới Hiddink, người đã đưa Hàn Quốc lọt vào tới bán kết tại World Cup 2002. Một dàn cầu thủ tài năng với những Arshavin, Pogrebnyak, Malafeev... đã đánh bật người Anh ngay từ vòng loại. Khác với điểm yếu cố hữu của Gấu Nga những kỳ Euro trước, đội tuyển Nga đang trình diễn lối chơi quyến rũ, mang đậm chất tổng lực trên nền tảng thể lực dồi dào.

Dưới sự dẫn dắt của HLV lão luyện Hiddink, người Nga có quyền hy vọng gây bất ngờ tại Áo và Thụy Sỹ, nhất là khi họ rơi vào bảng đấu không quá mạnh cùng Tây Ban Nha, Hy Lạp và Thụy Điển. Sơ đồ chiến thuật 4-3-3 thiên về tấn công dựa trên trục xương sống Shirokov- Zyrianov- Arshavin đã vận hành hết sức trơn tru. Điều khiến Hiddink băn khoăn là việc tìm người thay thế ngôi sao số 1 Arshavin phải chịu án treo giò ở hai trận đấu đầu tiên với Tây Ban Nha và Hy Lạp.

Trong sự nghiệp HLV, Hiddink luôn khiến người ta phải kính nể với những thành tích vượt bậc của mình. Tại World Cup 98, Hà Lan của ông lấn lướt hoàn toàn Brazil và chỉ chấp nhận thua trên chấm 11m. Ở kỳ World Cup 4 năm sau, Hiddink đưa chú lùn Hàn Quốc trở thành đệ tứ anh hào cùa thế giới. Dưới trướng một HLV tài năng hàng đầu thế giới, cầu thủ Nga chắc chắn sẽ không chỉ gói gọn vượt qua vòng tứ kết.

Mutu (phải) và Chivu, hai trụ cột của Romania.

Khác với gấu Nga phải lách qua khe cửa cực hẹp sau khi phải nhờ đến Croatia đánh bại tuyển Anh để có mặt tại vòng chung kết, Romania với một đội hình rất ít ngôi sao đã đoạt vé dự Euro trước 2 vòng đấu và kết thúc vòng loại xếp trên cả Hà Lan của HLV Van Basten. Định mệnh trớ trêu, họ lại gặp lại nhau ở bảng đấu tử thần, cùng với Ý và Pháp. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ cảm thấy khó khăn thực sự cho Romania, nhưng, kẻ e ngại lại chính là các ứng cử viên chức vô địch năm nay.

Tinh thần thoải mái là vũ khí của đội bóng mệnh danh là “Brazil châu Âu”, bởi họ chẳng có gì để mất. Không chờ đợi khi đoạt một vé vào vòng tứ kết, nhưng những ông lớn muốn băng băng về đích, trước hết phải cẩn trọng khi đối mặt trước kẻ phá bĩnh đến từ Đông Âu. Một thời gian dài, một Romania từng làm say đắm lòng người khi thế hệ vàng gồm Hagi, anh em nhà Popescu, Munteanu, Dan Petrescu, Lacatus... chỉ còn là dĩ vãng. Một Romania cực thịnh ở những năm 1990- 2000 với 6 lần liên tục góp mặt ở các giải đấu lớn, lại vắng mặt ở 3 ngày hội bóng đá gần đây là là World Cup 2002, 2006 và Euro 2004.

Năm nay, những Chivu, Mutu đang được chờ đợi sẽ tạo nên những bất ngờ thú vị. Không phải vô cớ HLV trưởng của Romania Victor Piturca tuyên bố: "Bảng đấu này không khó, Romania chỉ phải gặp đội ĐKVĐ thế giới, Á quân World Cup và Hà Lan thôi mà. Tôi thấy chẳng có lý do gì để Romania không nằm trong hai vị trí đầu bảng và đoạt vé vào vòng sau". Romania sẽ tạo ra cơn địa chấn, có thể lắm chứ!

Trong khi đó, Cộng hòa Czech vẫn tiếp tục là lá cờ đầu của bóng đá Đông Âu. Dù không còn lứa cầu thủ Vàng Nedved, Poborski, Smicer, Berger... từng đưa Czech vào đến trận chung kết EURO 1996 trên đất Anh, nhưng bóng đá Czech vẫn có những tài năng trẻ xuất chúng. Kể từ khi thay HLV Josef Chonavec dẫn dắt đội tuyển sau World Cup 2002, ông Karren Bruckner đưa các cầu thủ Czech tham gia tất cả giải đấu lớn.

Czech để lại dấu ấn ở trận bán kết trước Hy Lạp ở EURO 2004 và chỉ gục ngã sau 120 phút chiến đấu trước đội đăng quang sau là Hy Lạp với lối chơi quá tiêu cực. Cửa vào tứ kết rộng mở, Czech sẽ cùng Bồ Đào Nha vượt qua đồng chủ nhà Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ. Đó cũng chính là món quà đầy ý nghĩa của các học trò đối với HLV Bruckner khi tuyên bố kết thúc sự nghiệp 34 năm gắn bó với sân cỏ.

Đội tuyển Ba Lan.

Ba Lan cùng chung bảng B với sự góp mặt của Đức, Croatia và đồng chủ nhà Áo. Tiền vệ ngôi sao Wisla Krakow Dariusz Dudka khẳng định: “Ba Lan sẽ không dạo chơi tại Euro 2008 và lạc quan vào cơ hội thành công. Ba Lan đang rất quyết tâm trả món hận thua 0-1 trước Đức tại vòng bảng World Cup 2006. Nếu chúng tôi không lạc quan, tốt nhất là đừng đến giải mà nên ở lại nhà thì hơn”.

HLV người Hà Lan Leo Beenhakker đã truyền cho đội bóng này sự tự tin và tỉnh táo đến lạ từ khi ông nắm quyền sau cuộc trình diễn tệ hại ở vòng chung kết World Cup 2006. Ba Lan chưa bao giờ thắng được tuyển Đức trong lịch sử 15 lần đối đầu (thua đến 11 lần, do vậy, nhiệm vụ của các học trò HLV Leo Beenhakker lần này là đảm bảo không thua trận đầu với ứng viên vô địch. Và chỉ cần hòa với Đức, Ba Lan sẽ có cơ hội đoạt vé trong việc cạnh tranh với hai đội còn lại trong bảng B là Croatia và đội đồng chủ nhà Áo.

Đại diện cuối cùng của bóng đá Đông Âu tại Euro 2008 là Croatia. Với lối đá đơn giản và đầy tính đồng đội, Croatia chỉ chịu thua đúng 1 trận tại vòng loại Euro 2008, xếp trên Nga và Anh tại bảng E khu vực châu Âu. Trận thắng đội Anh 3-2 tại Wembley cuối năm ngoái được xem như 1 trong 3 trận đấu đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá Croatia, cùng với chiến thắng với cùng tỷ số 2-1 trước Ý tại vòng loại Euro 1996 và trước Hà Lan tại trận tranh hạng 3 World Cup 1998.

Tại vòng loại, Croatia thăng hoa nhờ biệt tài ghi bàn của Eduardo da Silva. Nhưng đáng tiếc, tiền đạo gốc Brazil không thể góp mặt tại vòng chung kết Euro mà anh mơ ước. Thế nhưng, trong tay HLV Slaven Bilic vẫn còn bộ 3 huyền diệu Luka Modric- Mladen Petric- Niko Kranjcar. Thêm nữa, Croatia còn là một tập thể gồm những cầu thủ nhiều kinh nghiệm như Simic, anh em nhà Kovac cùng những nhân tố trẻ đầy tài năng. Tại bảng B, ngoài ứng cử viên số 1 là đội Đức, Croatia có thể toan tính để vượt qua Ba Lan và Áo. Bilic tự hào: “Đây là đội tuyển Croatia mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây”.

Giờ khai cuộc đã gần kề. Bóng đá Đông Âu, đang chờ đợi sự bất ngờ!

Lê Khang

;
.
.
.
.
.