.

Người già như trái chín cây

.

Theo các bác sĩ thì già không phải là bệnh, nhưng khi con người về già sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển. Để chăm sóc sức khỏe người già được tốt hơn, hệ thống các cơ sở y tế ở Đà Nẵng về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu khám, chữa bệnh của người già, kể cả việc tổ chức khám bệnh ở từng khu dân cư và chữa bệnh bằng thuốc đông y theo yêu cầu của người bệnh.

Khi người già nhập viện, rất cần người nhà đi theo chăm sóc. (Trong ảnh là vợ chồng ông Lê Trúc Lâm tại khoa Lão khoa, Bệnh viện C Đà Nẵng).
Khi người già nhập viện, rất cần người nhà đi theo chăm sóc. (Trong ảnh là vợ chồng ông Lê Trúc Lâm tại khoa Lão khoa, Bệnh viện C Đà Nẵng).

Khoa bệnh dành cho người già

Xách cặp lồng cơm rỗng trên tay chuẩn bị ra về, vợ ông Lê Trúc Lâm ở tổ 46 phường Hải Châu 1, quận Hải Châu còn dặn dò chồng không được đi ngủ sớm (trước 8 giờ tối, giờ bà sẽ trở lại bệnh viện chăm ông), nếu không cả đêm ông sẽ trở dậy đi lung tung trong viện. Bà bảo, từ hồi giải phóng thành phố đến giờ, đây là lần đầu tiên ông nằm viện khi 88 tuổi, cũng bởi bệnh tuổi già làm mất trí nhớ; còn bà thì nhập viện thường xuyên bởi đau xương khớp.

Ông Mai Đình Lộc ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, xem bệnh viện như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ông Lộc bị bệnh tim nặng, phải thường xuyên vô ra bệnh viện cấp cứu; cách đây hơn 3 năm một cơn tai biến đã khiến ông nằm liệt trong 6 tháng liền. Nhờ một phác đồ điều trị cẩn trọng kèm với tập vật lý trị liệu, giờ ông Lộc có thể tự ăn uống, trò chuyện, nhưng đi lại thì cần người dìu dắt. Với những bệnh cấp tính, liên quan đến tim mạch như ông Mai Đình Lộc hay ông Lê Trúc Lâm thì lúc nào cũng cần đến người nhà chăm sóc; nhưng còn rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh như xương khớp, suy nhược do tuổi tác hay bệnh phổi thì người bệnh vẫn có thể tự chăm sóc mình. Các ông, các bà điều trị thường xuyên tại khoa Lão khoa - khoa bệnh cho người già duy nhất tại Đà Nẵng nằm tại Bệnh viện C - đã trở thành bạn bè của nhau, chia sẻ với nhau chuyện gia đình, bệnh tật, cùng đi chích thuốc hay đi mua cơm… nhờ đó tinh thần người bệnh được hỗ trợ rất nhiều, đẩy lùi những cơn đau. Vấn đề này được bác sĩ Cao Chí Hiếu, Trưởng khoa lão khoa, Bệnh viện C gọi là liệu pháp tâm lý trong chữa bệnh.  

Theo bác sĩ Hiếu, với người trẻ, các bệnh thường gặp chủ yếu là bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng thì ở người cao tuổi các bệnh thường gặp là bệnh mạn tính, thoái hóa, các bệnh không lây nhiễm. Trong đó chủ yếu là nhóm bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, bệnh đái tháo đường, nhóm bệnh về hô hấp và các bệnh đau xương cốt, mỏi cơ… Do chức năng thoái hóa là một quá trình tự nhiên, nên người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, thường phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau và dùng trong thời gian dài. Đơn thuốc phải thích hợp với từng người bệnh đã già, căn cứ vào tình hình bệnh tật, hiệu quả của phương pháp điều trị, sức chịu đựng của cơ thể, khả năng giải độc của gan, thải trừ của thận và các bệnh đi kèm và các tương tác của thuốc trong một đơn thuốc... để tránh tình trạng chữa được bệnh này lại nảy sinh bệnh khác.

Chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân chống gậy đến phòng bác sĩ, đề nghị “chuyền cho bà bình đạm, vì bà thấy tức ngực, khó thở”. Lúc đó bác sĩ phải tiến hành đo huyết áp, khám tim, bắt mạch rất cụ thể để quyết định cho thuốc. Theo bác sĩ Hiếu thì để phòng và chữa bệnh có nhiều biện pháp mà không cần dùng đến thuốc. Nhiều khi chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi... là bệnh đã ổn, không nên hễ nói đến bệnh là nghĩ ngay tới thuốc.

Xu hướng chữa bệnh bằng thuốc đông y

Năm 2012, có 1.167 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên được khám và lập hồ sơ theo dõi bệnh lý tại trạm y tế phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, năm nay sẽ có khoảng thêm gần 400 người tiếp tục được phường lập hồ sơ sức khỏe. Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Hòa Phát, Trạm trưởng y tế phường Thọ Quang, thì cách làm này giúp trạm kiểm soát tốt các bệnh của người già trên địa bàn và có hướng xử lý thích hợp, chủ yếu các bệnh huyết áp, suy nhược cơ thể, tiểu đường, bệnh mắt.

Cũng trong năm 2012, lần đầu tiên các y, bác sĩ ở đây phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Sơn Trà tiến hành khám bệnh cho người già của phường tại khu dân cư; ai sức yếu không đến điểm khám được thì bác sĩ tới tận nhà kiểm tra sức khỏe, cho thuốc. Đây là một trong những việc được cụ thể hóa từ luật Người cao tuổi.

Năm 2012, ngân sách thành phố đã chi 3,7 tỷ đồng cho ngành Y tế thực hiện việc lập hồ sơ theo dõi và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi. Các quận, huyện đã tổ chức tư vấn, chữa trị các bệnh thường gặp cho trên 10 nghìn lượt người; khám bệnh và cấp phát thuốc cho 21.700 người. Khảo sát toàn thành phố có trên 17.500 người bị bệnh về mắt, đã có 709 người được điều trị miễn phí.

Theo các y, bác sĩ tại trạm y tế xã, phường cũng như các bệnh viện, hiện nay người già rất thích được chữa bệnh bằng thuốc đông y, nhưng các trạm y tế chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu này do không có đủ nguồn thuốc, nên họ giới thiệu người bệnh lên bệnh viện tuyến quận.

Bác sĩ Võ Thị Lan Phương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cẩm Lệ cho biết, mỗi tháng bệnh nhân điều trị bằng thuốc cổ truyền (thuốc nam) hết khoảng 300 - 400 triệu tiền thuốc. Nguồn thuốc được mua về từ Công ty Dược Đà Nẵng. Khoa Vật lý trị liệu-Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng của bệnh viện thành lập được 3 năm nay, có 2 bác sĩ, 2 y sĩ y học cổ truyền và 2 kỹ thuật viên phục hồi chức năng, điều trị cho khoảng 70 - 100 bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân còn được điều trị kết hợp chiếu đèn và xoa bóp ấn huyệt.

Bệnh viện Đa khoa Cẩm Lệ còn nhận khám chữa bệnh cho người dân 3 xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước của huyện Hòa Vang, và phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền được người già ở 3 xã này lựa chọn chủ yếu khi đi khám bệnh, bởi trạm y tế xã chỉ kê đơn, bốc thuốc chứ không có máy chiếu đèn hay kỹ thuật viên ấn huyệt chữa bệnh như tại bệnh viện. Sắp tới bệnh viện sẽ đầu tư một máy sắc thuốc và một máy đóng gói thuốc nam, như vậy sắp tới khoa Vật lý trị liệu sẽ đón một lượng bệnh nhân lớn hơn hiện nay nhiều lần…

Hiền Lương
 

;
.
.
.
.
.