.

Bài toán nhập cư

.

Nhập cư hiện là vấn đề “nóng” của các thành phố lớn, bởi nó làm tăng dân số cơ học và gây nhiều áp lực về điều kiện chỗ ở, hạ tầng và công tác quản lý cho địa phương.

Nếu “đóng cửa” với lao động nhập cư thì các DN trên địa bàn Đà Nẵng sẽ không tồn tại vì không tuyển được lao động.
Nếu “đóng cửa” với lao động nhập cư thì các DN trên địa bàn Đà Nẵng sẽ không tồn tại vì không tuyển được lao động.

Nỗi lo tạm trú

Theo số liệu của Sở Lao động-TB&XH thành phố Đà Nẵng, nguồn lao động chủ yếu của các doanh nghiệp (DN) là lao động nhập cư (LĐNC) chiếm gần 42% lao động đang làm việc trong các loại hình DN trên địa bàn thành phố. 87% số LĐNC này phải thuê nhà trọ với điều kiện sinh hoạt, đời sống còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động-TB&XH), chia LĐNC ra làm hai loại: Lao động nằm trong kết cấu nền kinh tế, làm việc trong các KCN, DN; lao động không nằm trong kết cấu nền kinh tế làm các nghề tự do như bán vé số, sửa chữa xe, làm thợ nề, bán trái cây... Lao động tự do đến Đà Nẵng thường qua các mối quen biết. Quản lý các đối tượng này rất khó, chỉ công an xã, phường mới làm được qua đăng ký tạm trú.

Phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, nơi có KCN Hòa Khánh, là địa phương có số người tạm trú đông nhất quận. Thượng tá Đặng Văn Đấu, Trưởng Công an phường cho biết, toàn phường có 25.413 nhân khẩu thường trú thì số người tạm trú cũng xấp xỉ với 23.156 người, chủ yếu là công nhân, sinh viên. Đáng nói là trong số tạm trú này có 508 hộ (khoảng 2.100  nhân khẩu) từ các tỉnh bạn đến mua đất làm nhà.

Việc có thêm một “phường tạm trú” là một áp lực lớn trong công tác quản lý của địa phương. Hòa Khánh Bắc hiện có 1.407 nhà cho thuê trọ (phân biệt với nhà trọ có đăng ký kinh doanh và treo biển hiệu), nhiều nhất quận. Theo thượng tá Đấu, cảnh sát khu vực chỉ quản lý được 90% số lao động tạm trú tại các nhà cho thuê trọ. Theo Luật Cư trú, người nơi khác đến ở trên 30 ngày mới đăng ký tạm trú, còn dưới 30 ngày chỉ thông báo lưu trú bằng điện thoại với công an. Thế nhưng, hầu hết những người lao động tự do đều không thông báo lưu trú. Người tạm trú đông, công an địa phương luôn lo lắng, cảnh giác với các hiện tượng làm mất an ninh trật tự xã hội.

Trong 508 hộ các nơi khác mua đất làm nhà nói trên, theo Đại úy Nguyễn Đình Thảo Uyên, Phó Công an phường phụ trách quản lý hành chính và cảnh sát khu vực, có hộ tạm trú đến 10 năm mà vẫn không nhập được hộ khẩu vì giấy tờ nhà đất chưa hợp pháp, chủ yếu tập trung ở vùng đất núi tổ 51 - 52 Đa Phước, tổ 33 - 34 vùng cát trắng ven KCN Hòa Khánh, tổ 14 ven hành lang an toàn đường sắt… “Theo Luật Cư trú, mình vẫn để họ ở, dù nhà đất chưa hợp pháp, giải quyết cho họ tạm trú để họ có thể đăng ký sử dụng điện, nước và mình cũng dễ quản lý” - Đại úy Uyên nói.

Ngoài đời sống, vấn đề các hộ tạm trú này lo lắng nhất là lo cho con đi học. Gia đình anh Dương Văn Tín, tạm trú ở tổ 51A Đa Phước từ 7 năm nay nhưng vẫn chưa nhập được hộ khẩu. Đứa con đầu của anh đã đi học được 4 năm nay, giờ sắp sửa đến đứa thứ hai, anh chưa biết tính thế nào, bởi các trường chỉ ưu tiên nhận học sinh có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

Bài toán nhập cư

Khi các vùng lân cận chưa phát triển về kinh tế thì lao động những nơi này đổ xô về làm việc tại các KCN ở Đà Nẵng, nhất là các ngành may, giày da, điện tử. Thường thì nguồn lao động này trình độ không cao, nhiều DN sẵn sàng nhận lao động “trơn” vào rồi đào tạo nghề ngay tại chỗ. Gần đây, các vùng lân cận Đà Nẵng như Điện Bàn, Đại Lộc đã mở nhiều KCN khiến cho lao động đang làm việc tại Đà Nẵng quay về tìm việc gần nhà để có thể tiết kiệm được nhiều hơn trong thời buổi kinh tế suy thoái.

Từ thực trạng này, ông Ánh nhận định rằng, việc tuyển lao động cho các DN ở Đà Nẵng sẽ gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, lao động Đà Nẵng thường có bằng cấp nên không thích làm công nhân và các DN chỉ còn trông chờ vào nguồn lao động dư thừa từ các vùng lân cận Đà Nẵng. Thành phố kêu gọi đầu tư, nếu “đóng cửa” với LĐNC thì sẽ gây ra khủng hoảng cầu về lao động và các DN trên địa bàn Đà Nẵng sẽ không tồn tại vì không tuyển được lao động.

Hơn một nửa số LĐNC là người độc thân, hầu hết đều muốn rời Đà Nẵng quay về làm việc gần nhà nếu có điều kiện. Trong khi đó, LĐNC đã có gia đình thì tìm mọi cách để “trụ” lại Đà Nẵng, dẫn đến tình trạng tăng dân số cơ học cho thành phố và thêm áp lực cho công tác quản lý. Chiều 20-6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú sửa đổi, quy định thời gian tạm trú 2 năm đối với trường hợp xin nhập khẩu vào các quận thuộc 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Quy định này góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các thành phố này, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học vào nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, giảm sức ép về các vấn đề xã hội và cơ sở hạ tầng cho các địa phương.

"Qua điều tra cho thấy tỷ lệ lao động ngoài thành phố chiếm tỷ lệ lớn và nhiều khi trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu của DN, nhất là đang trong tình trạng khan hiếm lao động. Do vậy, thành phố cần có những cơ chế chính sách ưu đãi phát triển DN, đặc biệt là chính sách thu hút LĐNC nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của DN"

Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.