.

Sáng bừng những "địa chỉ đỏ"

.

Bắt đầu từ năm 2011, vào các tối 14 và ngày cuối cùng của tháng âm lịch, hàng trăm đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) toàn thành phố đồng loạt thắp hương, nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS). Không dừng lại ở đó, các bạn đã bắt đầu nhận chăm sóc, trùng tu, sơn sửa lại các bia chiến tích trên địa bàn mình sinh sống.

Đoàn thanh niên phường Hòa Hiệp Bắc đang quét dọn, sơn mới Bia Chiến thắng cầu Thủy Tú.
Đoàn thanh niên phường Hòa Hiệp Bắc đang quét dọn, sơn mới Bia Chiến thắng cầu Thủy Tú.

“Thợ hồ bất đắc dĩ”

Những ngày giữa cuối tháng 7, khi đến thăm một số NTLS trên địa bàn thành phố, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy hàng ngàn bia mộ dường như sáng bừng trong nắng sớm. Các lối hành lang sạch sẽ, cỏ được cắt ngắn, tường rào, cổng ngõ phủ thêm màu vôi mới, thông tin trên bia mộ được viết lại đều và đẹp… Ở NTLS xã Hòa Phong, hình ảnh này khiến người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hòa, ở thôn Khương Mỹ vô cùng xúc động. Ông bảo, ở nghĩa trang này, ngoài bạn bè cùng làng, cùng xóm, những đồng đội từng vào sinh ra tử với ông, còn có người chị gái là liệt sĩ Nguyễn Thị Cộng đang yên nghỉ. “Trước đây, NTLS chỉ là nơi lui tới của những ai có người thân, đồng đội đang yên nghỉ. Bây giờ thì khác bởi hằng tháng có thêm các cháu nhỏ trong trang phục đoàn thanh niên đến thắp hương, quét dọn khiến nghĩa trang trở nên gần gũi và đẹp đẽ hơn”, ông Hòa nói.

Thông tin từ Thành Đoàn Đà Nẵng, để tiết kiệm tối đa chi phí sửa sang lại mộ phần cũng như tường rào, cổng ngõ, hàng trăm ĐVTN tại địa phương được huy động để làm “thợ hồ” bất đắc dĩ. Tuy nhiên, các chi tiết nhỏ trên bia mộ phải làm thật khéo léo, đồng bộ để không phá vỡ kiến trúc, mỹ quan. Do đó ở mỗi nghĩa trang, các chi đoàn thường nhờ 1 hoặc 2 thợ xây có kinh nghiệm để “dạy nghề” cho hàng chục ĐVTN trước khi tiến hành quét vôi, viết chữ. Anh Đặng Công Quang, Bí thư Đoàn xã Hòa Phong, người trực tiếp cầm chổi sơn mới lại một số công trình tại NTLS xã Hòa Phong đã cười tươi sau khi khoe một dãy dài bia mộ anh và bạn bè đã trực tiếp sửa sang mấy hôm nay. Anh chia sẻ: “Khi mới cầm đến chổi, cọ mình cũng lo lo vì sợ nếu viết lại bia mộ của liệt sĩ bị xấu sẽ khiến thân nhân buồn. Lo lắng ấy dần tan khi theo hướng dẫn, bọn mình sẽ lấy sơn quét hết một lượt, chờ khô, sau đó dùng giấy nhám chà xát lại lần nữa. Cách này hơi tốn thời gian nhưng bù lại, nét chữ đẹp và không bị biến dạng”.

Những hoạt động như thế này được thực hiện đồng loạt tại 27 NTLS và Đài Tưởng niệm trên toàn thành phố nhân ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7. Đặc biệt ở huyện Hòa Vang, ngoài 2 ngày trong tháng quét dọn, thắp hương đều đặn, thì cứ 3 tháng một lần, Hội Cựu Chiến binh xã và Đoàn thanh niên lại tổ chức giới thiệu về tiểu sử của một đồng chí liệt sĩ. Ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng cho biết, những hoạt động này rất thiết thực, ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay. Theo ông Hùng, khi chiến tranh càng lùi xa thì quá khứ cũng dần rơi vào quên lãng, nếu không sớm giáo dục thế hệ trẻ ghi nhớ lịch sử dân tộc thì khó có thể nuôi dưỡng lòng yêu nước. Vì thế, những buổi nói chuyện ngay tại NTLS sẽ giúp thanh-thiếu niên dễ dàng ghi nhớ lịch sử của địa phương.

Để quá khứ gần lại

Cũng với tinh thần uống nước nhớ nguồn, từ ngày 13-7 đến nay, Đoàn phường Hòa Hiệp Bắc đã huy động hầu hết ĐVTN sinh sống tại địa bàn tiến hành trùng tu, sơn mới các “địa chỉ đỏ” như NTLS phường, Khu di tích kháng chiến Khu 1 Hòa Vang tại Hố Dâu, Bia chiến thắng Đồn Nhất tại đỉnh đèo Hải Vân, Bia chiến thắng ở chân cầu Thủy Tú, Bia chiến thắng Roger ở cầu Đôi… Hoạt động này thu hút hơn 100 ĐVTN tham gia thực hiện. Chị Dương Thị Mỹ Lài, Phó Bí thư Đoàn phường cho biết, các đoàn viên đã tiến hành sơn mới, quét dọn, vệ sinh, phát quang nhằm tạo cảnh quan nghiêm trang, thoáng mát, thuận tiện cho việc thăm viếng của gia đình, đồng đội và khách tham quan tại các di tích cách mạng. Bên cạnh đó, nói là trùng tu, nhưng thật ra, đoàn thanh niên chỉ sơn mới bia chiến tích theo mẫu sơn cũ, tránh việc phá hỏng kiến trúc, phong thủy lẫn hình ảnh quen thuộc của chúng.

Bà Nga, một người dân sống gần Bia chiến thắng ở chân cầu Thủy Tú chia sẻ: “Trước đây, tôi thấy công việc quét dọn, sơn mới bia chiến tích thường do các đồng chí cựu chiến binh trong phường thực hiện. Năm nay nhìn các cháu trong trang phục áo xanh tình nguyện lúi húi quét dọn, nhổ cỏ, lau chùi tôi lại được thấy một hình ảnh thật đẹp của thế hệ trẻ”.

Trước đó, BCH Đoàn phường cũng đã phân công các cụm chi đoàn đảm nhận chăm sóc hằng tháng 7 di tích cách mạng trên địa bàn. Khuyến khích đoàn viên tìm đọc những tài liệu lịch sử liên quan. Đơn cử, Khu di tích kháng chiến Khu 1 Hòa Vang ở Hố Dâu được khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 11-4-2012. Đây là di tích lịch sử cách mạng, là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng giữa Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Mỹ-ngụy của quân dân cánh Bắc Hòa Vang từ năm 1967 đến ngày hoàn toàn giải phóng. Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành một “địa chỉ đỏ” để giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Có thể nói, bằng các hoạt động thiết thực, đầy ý nghĩa trong những ngày cuối tháng 7, hình ảnh người ĐVTN tại cơ sở dường như đẹp hơn rất nhiều trong mắt người dân, đặc biệt là với những ai đã từng trải qua cuộc chiến.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.