Có thể khi bước ra cuộc đời, mỗi con người sẽ khác đi nhưng khi ngoái lại nhìn một thời cắp sách thì tâm hồn như được thanh lọc bởi những kỷ niệm tinh khôi…
Trường tiểu học số 1 Hòa Châu đạt chuẩn quốc gia từ năm 2002. Ảnh: N.H |
Ngôi trường tiểu học Quang Châu ngày tôi đi học giờ đã mang tên khác nhưng trong lòng những thế hệ học trò cũ vẫn đau đáu hình ảnh mái trường xưa. Tôi vẫn nhớ như in ngôi trường làng nhỏ bé, mái ngói đơn sơ, chỉ vẻn vẹn 3 phòng học với ba lớp nhất, nhì, ba (tương đương với lớp một, hai, ba bây giờ). Đi từ xa đã thấy mái trường ngói đỏ rêu phong bình yên dưới tán lá hàng phượng vĩ. Cứ mỗi độ hè sang, hàng phượng lại thắp đỏ cả một khoảng trời xanh mây trắng thênh thang.
Còn nhớ ngày tôi lên sáu tuổi, cha tôi bảo: Đã đến lúc kiếm vài chữ lận lưng để làm người rồi đó. Thế là sau câu phán quyết như đinh đóng cột của cha, tôi từ giã những tháng ngày lông bông hái hoa bắt bướm để bắt đầu con đường học chữ. Lần đầu tiên cắp sách đến trường tôi đã lẽo đẽo đi bộ hết quãng đường làng quanh co đến phồng rộp cả đôi chân mà không dám đòi cha cõng lấy một lần. Trên đường đi tôi đã ôm khư khư mấy cuốn tập vào lòng vì sợ rớt xuống kênh. Vì mấy cuốn sách đó mà cha tôi phải mất một buổi đạp xe lặn lội ra tận Cẩm Lệ mới mua được.
Ngày khai giảng, tôi được xếp vào lớp vỡ lòng cùng với mấy đứa trong xóm nghèo. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không thể nào quên được cái ngày đầu tiên nghe tiếng trống trường. Từng hồi trống vang lên, bọn trẻ chúng tôi líu ríu theo cô giáo vào lớp học. Vừa ngồi vào bàn, bỗng dưng một đứa mếu máo khóc! Thế là cả lớp cùng nhau khóc òa nức nở đòi… về nhà. Cô giáo phải dọa nạt, dỗ dành từng đứa bằng mấy viên kẹo bi đủ màu xanh, đỏ, tím vàng!
Học trò trường làng ngày đó là con nhà nông nên chưa hề biết đến mùi đồng phục thơm tho, chưa hề biết ba-lô, cặp sách… Chỉ mặc áo ngắn, quần cộc, đầu trần và đi chân đất đến trường. Mùa nước lụt, trường học mênh mang nước. Đến khi nước rút, học sinh xắn quần đến lớp dọn bùn non…
Có thể khi bước ra cuộc đời, mỗi con người sẽ khác đi nhưng khi ngoái lại nhìn một thời cắp sách thì tâm hồn như được thanh lọc bởi những kỷ niệm tinh khôi… Còn nhớ thầy giáo dạy tôi năm lớp ba là thầy Phạm Toàn, người làng Cổ Mân, nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Một lần đi học sớm ngang qua nghĩa địa um tùm, bất ngờ trông thấy thầy ngồi đọc sách bên ngôi mộ cũ kỹ, tôi sợ quá bỏ chạy một mạch đến trường. Sau này mới biết, thầy vừa đi dạy vừa tự học để thi Tú tài toàn. Ở nhà bận bịu không có thời gian, thầy phải tới trường sớm để tranh thủ học bài. Sau lần đó, tôi rất ngưỡng mộ thầy và tự hứa với mình sẽ không bao giờ ham chơi biếng học để thầy phiền lòng… Giờ đây thầy không còn nữa, nhưng trong lòng chúng tôi, những học sinh trường làng Quang Châu ngày ấy, thầy mãi mãi là tấm gương về sự nỗ lực trong đời.
13 năm nay, ngôi trường tiểu học Quang Châu đã được chuyển sang vị trí mới gần đó với cái tên mới: Trường tiểu học số 1 Hòa Châu. Trường mới rộng hơn và dĩ nhiên là khang trang hơn trước nhiều. Nếu ngày tôi đi học chỉ vẻn vẹn 3 lớp với tròm trèm trăm đứa học trò thì bây giờ đã tăng lên 14 lớp với 421 học sinh. Tỷ lệ học sinh lên lớp hằng năm đạt đến con số 99%.
Cả 5 chị em tôi đều học trường làng Quang Châu, mỗi lần có dịp ngang qua trường xưa lại thấy mình trở nên vụng dại. Ngôi trường nhỏ bé ấy như cái tổ ấm áp tình nghĩa để các thế hệ học sinh quay về tìm lại chính mình. Theo thầy Thái Văn Thỏa, Hiệu trưởng nhà trường thì trong 3 năm gần đây, đã nhiều cựu học sinh trưởng thành đã quay về góp phần tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường qua các quà tặng như học bổng, áo quần, xe đạp, sách vở… với tổng giá trị trên 90 triệu đồng. Nghĩa cử cao đẹp ấy như một lời tri ân đối với thầy cô giáo và mái trường xưa. Nơi đã rèn luyện tâm hồn, tri thức, nơi đã chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò trường làng Quang Châu ngày ấy và bây giờ…
Ngày xưa, học trò chúng tôi chưa hề biết đến khái niệm trường đạt chuẩn quốc gia. Giờ quay lại, cảm thấy tự hào khi ngôi trường làng ngày nào đã vươn lớn sánh vai cùng 17 trường tiểu học khác trên toàn huyện trong danh hiệu “Trường đạt chuẩn quốc gia”. Càng vui hơn, khi biết rằng nhiều thế hệ học trò ngày nay đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố.
Nhìn từng tốp học sinh cấp một quần xanh áo trắng tinh tươm, ríu rít trò chuyện như một bầy sẻ non lần đầu tiên rời tổ, bỗng dưng cảm thấy mình bé lại trong đôi mắt trong veo, nụ cười rạng rỡ của bầy trẻ đang háo hức đón chờ năm học mới. Tôi nhìn thấy tôi xưa trong ánh mắt các em…
NHƯ HẠNH