.

Tác phẩm nhỏ, hiệu quả lớn

.

Tuy tiểu phẩm, như tên gọi, chỉ là tác phẩm sân khấu nhỏ biểu diễn phục vụ tuyên truyền, truyền thông, quảng bá, giáo dục hoặc giải trí, nhưng mang lại hiệu quả lớn về mặt xã hội.

Một cảnh trong tiểu phẩm “Cũng bởi tại tôi” của tác giả Thi Lý Phước.
Một cảnh trong tiểu phẩm “Cũng bởi tại tôi” của tác giả Thi Lý Phước.

Cuối năm ngoái, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, tổ chức Hội thi Tuyên truyền phòng chống tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, giao cho các liên chi bộ trong phường tổ chức tập luyện với sự hỗ trợ về nội dung của Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận. Kết quả, có 4 tiểu phẩm chất lượng tốt nhất được chọn biểu diễn trong đêm giao lưu văn nghệ phòng chống tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông chủ đề “Vì sự bình yên của mọi người, mọi nhà” do Trung tâm Văn hóa thông tin thành phố phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Công an quận và Quận Đoàn Liên Chiểu tổ chức tối 28-11 tại khu phố chợ Hòa Khánh.

Hôm đó, khán giả nam phụ lão ấu được một bữa thư giãn thoải mái qua những trận cười do diễn viên các tiểu phẩm mang lại. Nếu “Tam tai đại họa” phê phán tệ cờ bạc, rượu chè đang có xu hướng phổ biến trong xã hội thì “Hai nẻo đường về” lên án mạnh mẽ tệ nạn ma túy đang làm băng hoại một người, trong đó có không ít bạn trẻ. Tuy nhiên, khán giả chú tâm nhiều hơn đến hai tiểu phẩm về an toàn giao thông (ATGT), điều mà bất cứ ai “xuống đường” cũng phải đặc biệt lưu ý.

Trong, “Ai là thủ phạm”, tác giả Lê Thành phê phán mạnh mẽ việc lái xe sau khi sử dụng rượu, bia. Bức xúc nhất là một số người gây ra tai nạn rồi gọi điện thoại nhờ người thân “giải cứu”, đến nỗi nhân vật Chủ tọa trong phiên tòa xử vụ TNGT (trên sân khấu) đã phải kêu lên sau khi một bị cáo nói với đồng phạm “Để tau phone cho ông già một tiếng là về ngay mà”: “Một thực trạng đáng lên án vẫn tồn tại là đây: Con ông cháu cha, cậy quyền ỷ thế coi thường kỷ cương phép nước, gây mất trật tự ATGT”.

Cũng lên án việc tham gia giao thông sau khi uống bia rượu, nhưng trong “Cũng bởi tại tôi”, tác giả Thi Lý Phước đề cập đến một thực tế đang diễn ra trên địa bàn Liên Chiểu: đổ xà bần loạn xà ngầu, nhất là ở một số tuyến đường vắng. Trong tiểu phẩm, điều éo le là vợ đổ, chồng bị tai nạn sau khi nhậu tưng tưng về, ỷ gần nhà chẳng chịu đội mũ bảo hiểm nên sứt đầu mẻ trán phải đi viện...

Tác giả Thi Lý Phước hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Liên Chiểu. Trước đó, ông cũng đã viết tiểu phẩm “Kỷ vật nhớ đời” dàn dựng cho Quận Đoàn Liên Chiểu tham gia và đoạt giải nhất Hội thi Tuyên truyền ATGT do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức.

Ở tiểu phẩm còn có tên gọi khác là “Quà tặng khi xuống âm phủ” này, tác giả đã gửi một thông điệp mang tính ẩn dụ, khi cho nhân vật Tội can bị chết lâm sàng do chính TNGT mình gây ra đối diện với Thần chết. Khi sống thì chạy xe như con thiêu thân, phớt lờ sự giáo dục, khuyên răn của xã hội, nhà trường, cha mẹ, đến chết mới biết ra thì quá muộn màng. Trước khi Tội can chết hẳn, Thần chết đã tặng cuốn Luật Giao thông đường bộ với lời dặn: “Trên trần có Luật Giao thông đường bộ trần gian, dưới âm phủ có Luật Giao thông đường bộ âm phủ. Nếu ngươi không khổ công trau dồi tuân thủ thì 9 tầng địa ngục kia cũng chẳng hóa cho ngươi sang kiếp khác!”.

Cũng năm ngoái, một tiểu phẩm được chọn khai mạc Diễn đàn giao lưu “TNGT, nỗi đau còn đó” hưởng ứng Ngày Tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT 19-11 do Hội LHPN thành phố tổ chức cũng đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người. Đó là tiểu phẩm “Đến Ngọc Hoàng cũng phải lo” do Hội LHPN phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, dàn dựng và biểu diễn.

Ngày nọ, sau khi nghe hạ giới bẩm báo rằng TNGT đã đến lúc rất đáng lo ngại ở trần gian, Ngọc Hoàng liền tức tốc tổ chức vi hành xuống hạ giới. Một loạt hình ảnh bát nháo hiện ra: vừa chạy xe máy vừa nghe điện thoại, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe ngược chiều, chạy quá tốc độ, lạng lách, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Ngài đang bấn loạn tâm thần vì giao thông lộn xộn thì đùng một phát, TNGT xảy ra suýt làm ngài toi mạng. Toát mồ hôi về lại thiên đình, ngài ra lệnh hỏa tốc cho hạ giới phải phân làn đường, xử lý lấn chiếm vỉa hè lòng đường, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ…

Mẫu số chung của các tiểu phẩm là gửi đến người xem thông điệp về một vấn đề xã hội nào đó thông qua loại hình nghệ thuật gần gũi với công chúng. Rất tiếc, nhiều tiểu phẩm xuất sắc với kinh phí tiền triệu, thậm chí chục triệu, đã bị “lưu kho” chỉ sau một lần lên sân khấu. Khi vấn đề ATGT đang “nóng”, nên chăng tổ chức một liên hoan/hội diễn nghệ thuật chuyên đề, sau đó đưa các tiết mục có chất lượng xuống diễn ở các khu dân cư, nhất là vùng sâu vùng xa. Có như thế, các tác phẩm sân khấu nhỏ này sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn, góp phần thay đổi nhận thức về ATGT của người dân sâu sắc hơn.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.