.

Ngày đầu đi học

.

Nắng sớm xuyên qua kẽ lá, vẽ từng vạt màu rực rỡ trên những thiết bị đồ chơi trẻ con trong sân trường. Một bé gái mặc chiếc đầm hoa thắt nơ vàng, rụt rè đứng bên hiên, mắt đỏ hoe; dù người mẹ trẻ dỗ dành mọi cách, vẫn không chịu theo cô vào lớp.

Bé say sưa nhìn các bạn nhỏ chơi trò leo cầu tuột, hết khóc và có vẻ muốn nhập bầy cùng chơi. Người mẹ hiểu ý, dẫn con đến ngồi vào chiếc ghế xích đu màu đỏ ghép bên cạnh cầu tuột. Đứa bé tươi ngay nét mặt và chỉ một lát sau, vui vẻ theo cô giáo vào lớp để được... chơi nhiều trò hơn.

Khi được mở rộng diện tích Trường Tiểu học Lâm Quang Thự sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn, không chỉ trong học tập mà cả trong ngoại khóa.                  				          Ảnh V.T.L
Khi được mở rộng diện tích Trường Tiểu học Lâm Quang Thự sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn, không chỉ trong học tập mà cả trong ngoại khóa. Ảnh V.T.L

Đó là một trong hơn 50 cháu bé được cha mẹ đưa đến đăng ký vào Trường Mầm non (MN) tư thục Ánh Khuyên, xã Hòa Tiến, sau 3 ngày tuyển sinh. Trường MN tư thục thứ ba trên đất Hòa Vang này vừa được xây dựng giai đoạn 1 với kinh phí 2 tỷ đồng, chủ cơ sở là ông Nguyễn Thỏa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ và Kinh doanh tổng hợp Tiến Lập. Ngoài các trang thiết bị đạt chuẩn giáo dục như bếp ăn, phòng học, đồ chơi trẻ con, sân chơi trong nhà và ngoài sân... đây là trường mầm non đầu tiên ở Hòa Vang có lắp camera và máy điều hòa trong phòng học.

Tuy trường có cơ sở vật chất cấp thành phố nhưng học phí chỉ ở cấp nông thôn – ông Thỏa nói vui. Mở trường, ông chỉ mong có thu nhập thấp mà ổn định, chủ yếu là giới thiệu với bà con nông thôn một mô hình mới về giáo dục MN. Giáo viên đều là người địa phương, gần nhà nên bằng lòng với mức lương thấp hơn so với dưới phố. Hiệu trưởng là cô Nguyễn Thị Thực, người có trên 30 năm làm công tác quản lý, nhiều lần được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen, từng là Hiệu trưởng Trường MN số 1 Hòa Tiến, rồi chuyên viên MN Phòng GD&ĐT Hòa Vang trước khi nghỉ hưu. Với kinh nghiệm của mình, cô tổ chức cho các cô giáo đón cháu sớm và trả cháu trễ hơn, giữ trẻ cả ngày thứ bảy để phụ huynh an tâm chuyện con cái.

Trường MN tư thục Ánh Khuyên hiện chỉ mới xây dựng 600m2 trên tổng số 1.400m2 đất mà Công ty Tiến Lập dành riêng cho mình, đó là một “thế mạnh” không phải trường nào cũng có. Ví như Trường Tiểu học Lâm Quang Thự, xã Hòa Phong, năm học mới này có 927 học sinh với tổng diện tích cả 3 cơ sở chỉ 6.354m2, bình quân gần 6,9m2/học sinh, thấp xa so với chuẩn 10m2/học sinh. Hệ quả của việc thiếu đất này, theo phân tích của thầy Hiệu trưởng Ông Văn Sơn, tuy trường đủ phòng học, nhưng thiếu 3 phòng chức năng (giáo dục nghệ thuật, mỹ thuật, tin học) và 3 phòng làm việc (phó hiệu trưởng, văn phòng, y tế học đường). Cũng do thiếu phòng ốc mà học sinh phải chịu thiệt thòi, đơn cử như việc bị “cắt” tiêu chuẩn được cấp trang thiết bị phòng học ngoại ngữ hồi cuối năm ngoái.

Ngày 5-12-2012, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng có quyết định phân phối thiết bị dạy học từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012. Theo đó, Trường Lâm Quang Thự là một trong 22 trường toàn thành phố được cấp trang thiết bị phòng học ngoại ngữ trị giá gần 250 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi Sở về khảo sát thực tế thì trường… không có phòng! Rốt cuộc, Phòng GD&ĐT huyện phải quyết định điều chuyển (trên giấy tờ) toàn bộ thiết bị này cho Trường Tiểu học Số 2 Hòa Liên trong sự nuối tiếc của thầy và trò Trường Lâm Quang Thự!

Trường THCS Trần Quốc Tuấn, nằm sát bên Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang, cũng rơi vào “hoàn cảnh” tương tự. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Sơn, vì thiếu phòng bộ môn mà trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố 5 năm qua, học sinh nhà trường năm nào cũng có giải cao môn Lý, còn môn Hóa thì chỉ có một giải Ba.

Do Lý học từ lớp 6, còn Hóa thì đến lớp 8 các em mới học, nên trường được ưu tiên duyệt xây 1 phòng thực hành môn Lý, còn Hóa thì học chung với phòng thực hành môn Sinh. Phòng bộ môn ít mà lớp thì nhiều nên một số giờ thực hành, do “cấn” giờ lớp khác, được tổ chức sơ sài ngay tại lớp học. Vì thế, học sinh ít có cơ hội được chạm tay đến ống nghiệm, thiết bị,… và hệ quả tất nhiên là khó đạt điểm cao trong phần thực hành ở các kỳ thi cấp thành phố.

Hòa Vang hiện có 3/16 trường MN (chưa kể Trường Ánh Khuyên mới thành lập) đạt chuẩn quốc gia. Bậc tiểu học đã có 17/19 trường đạt chuẩn, hai trường chưa đạt là Lâm Quang Thự và Hòa Khương. Đạt chuẩn ở bậc THCS là 4/11 trường, bậc THPT chỉ mới có 1/3 trường. “Mẫu số chung” của các trường chưa đạt chuẩn quốc gia là… thiếu đất để phát triển cơ sở vật chất – cái khó nhất để xây dựng tiêu chí giáo dục trong 19 tiêu chí Nông thôn mới, theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thanh Hùng.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, theo ông Hùng, UBND huyện đang quy hoạch dời Trường Lâm Quang Thự vào khu dân cư gần trung tâm hành chính huyện, đưa Trường Hòa Khương vào khu dân cư dành cho khu công nghiệp Hòa Khương. Riêng Trường Trần Quốc Tuấn đã có quyết định của UBND thành phố duyệt cho trường mở rộng thêm 3.000m2 để phấn đấu đạt chuẩn. Cũng trong kế hoạch “dồn sức” cho Trường Trần Quốc Tuấn đạt chuẩn, Sở GD&ĐT thành phố đã vận động cán bộ, công chức toàn ngành đóng góp 973 triệu đồng cùng với ngân sách Trung ương xây mới 2 phòng bộ môn Lý và Hóa với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.

Lại bắt đầu một năm học mới ở Hòa Vang. Những cháu nhỏ ngày đầu tiên đi học như bé gái mặc chiếc đầm hoa thắt nơ vàng đung đưa với chiếc đu ở Trường MN Ánh Khuyên. Khác với các thế hệ trước, học sinh lớp 1 vào Trường Lâm Quang Thự sẽ có ngày đầu tiên biết thế nào là thiết bị học ngoại ngữ, học sinh lớp 6 vào Trường Trần Quốc Tuấn sẽ có lần đầu tiên tự tay mình làm các thí nghiệm Lý, Hóa... Trưởng phòng GD&ĐT Hòa Vang Lê Văn Phước kỳ vọng rằng, với tổng kinh phí 40 tỷ đồng đầu tư cho ngành Giáo dục toàn huyện trong năm học 2013 - 2014, việc học sẽ ngày một được nâng cao chất lượng trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.

40 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục ở Hòa Vang

Năm 2013, ngành GD&ĐT Hòa Vang được đầu tư 40 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn. Trong đó, ngân sách thành phố 27,7 tỷ đồng xây mới Trường THCS Nguyễn Văn Linh (21 tỷ) và 14 nhà vệ sinh cho 14 trường; ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia 6 tỷ đồng xây mới 8 phòng học ở Trường tiểu học Hòa Ninh, 5 phòng học ngoại ngữ cho 5 trường, cấp 11 bộ đồ chơi ngoài trời cho 11 trường mầm non; ngân sách huyện 2 tỷ đồng xây mới 4 phòng học cho Trường tiểu học số 2 Hòa Phước; ngân sách sự nghiệp giáo dục 4,3 tỷ đồng đóng mới 1.050 bộ bàn ghế, trang bị 90 bộ máy vi tính, cải tạo nhà vệ sinh cho các trường.

Nguồn: Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.