.

Gọi nhau một tiếng

.

49 tác giả với hơn 100 bài thơ được tuyển chọn ở Về lại trường xưa là 49 tiếng lòng tha thiết hướng về mái trường xưa, nhân kỷ niệm 50 năm xa cách của các thế hệ thầy và trò Trường Trung học Đông Giang – nay là THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng.

 

Năm mươi năm. Bóng câu thời gian nghiệt ngã đã gói trọn quá nửa đời người. Một nửa thế kỷ với bao nhiêu thay đổi, biến động trong dâu bể cuộc đời đã vụt qua để hôm nay chợt hiện về trọn vẹn trong ký ức những hình ảnh tươi nguyên của những tháng năm cắp sách đến trường, bên thầy, bên bạn, bên tuổi học trò hồn nhiên trong trẻo ăm ắp bao tình yêu, bao khát vọng dưới mái trường chung ngập tràn kỷ niệm. Có thể nào thầy và trò ngăn nổi một tiếng gọi nghẹn lòng dồn nén mọi nỗi niềm sau chừng ấy
tháng năm giã biệt tuổi học trò của đời người:

Bây giờ ai nhớ tên ai
Gọi nhau một tiếng mà dài bấy năm

(Đợi mưa tháng chín cho em gội đầu – Huỳnh Văn Mười,  K7)

Mái trường, thầy và trò... chính là nơi khởi nguồn của tình yêu thương sẽ cháy lên một ngọn lửa sưởi ấm đời người qua bao mưa nắng bão giông thế sự:

Mưa nắng mấy mùa đời tôi chẳng thiếu
Những tiếng cười chan chứa yêu thương

(Mai tôi về - thầy Nguyễn Đông Giang)

Kiến thức, sách vở, lời giảng, bài thi... nơi mái trường xưa từ năm mươi năm đã thấm đượm vào máu thịt mỗi người, để làm người, để sống, để yêu... Và có thể cũng để rơi vào quên lãng trong dằng dặc những tháng năm lưu lạc lao lung vật vã cơm áo gạo tiền. Vĩnh viễn còn lại là... những mối tình đầu tinh khiết tuổi học trò. Mối tình đầu vỡ vụn của người thầy giáo trẻ:

Gởi tuổi nhỏ vào lòng con chữ tím
Gởi tình yêu cho ai đó ơ thờ

(Tôi và em – thầy Hoàng Dục)

Thầm kín nhớ thương  hóa nỗi tương tư của chàng trai tuổi mười bảy:

Tần ngần nhặt cánh hoa rơi
Ép vào trang vở thay lời tương tư

(Hạ xưa – Mai Tự Tạo, K3)

E ấp kín đáo thành một câu hỏi khắc khoải suốt một đời người của những trái tim nữ sinh trinh nguyên:

Em vẫn nghĩ mình không trở lại
Như tuổi thơ đi mãi không về
Nhưng tha thiết vẫn một lần muốn hỏi
Anh/ ngày xưa/ có từng/ thương/ em ?

(Tháng chín em về - Hà Thị Lệ Hà, K7)

Những mối tình đầu mang nỗi nhớ ngọc ngà (Lê Hường, K3) bao giờ cũng đủ làm nồng ấm cõi lòng thầy cõi lòng trò trong mênh mông cõi người:

Tôi treo tôi giữa mênh mông
Tôi treo em giữa cõi lòng riêng tôi

(Trăng Huế - Phan Thanh Bình, K5)

Từ Thơ tôi viết suốt một đời chưa thấu của Hàn Mặc Tử thi sĩ đau thương xưa đến Bài thơ hay còn ở phía mặt trời của cựu nữ sinh Đông Giang Lệ Hà nay đã chất chứa bao nhiêu nỗi niềm của thơ, của kỷ niệm, hoài niệm trong năm mươi năm ngập tràn nỗi nhớ ngọc ngà, trong tâm thế Chân bước tới nhưng lòng mình đếm ngược của Ngọc Tân, K6 chan chứa chất thơ, chất trữ tình hoài niệm mênh mang…

Về lại trường xưa không chỉ gói trong những tha thiết của tình cảm thầy trò, bạn bè, mái trường. Tôi đã rung cảm bao nhiêu khi bắt gặp trong đó những vần thơ về quê hương, về  mẹ, về biển, về rất nhiều điều của tình yêu và lẽ sống đời người. Như khi đọc những vần thơ trĩu nặng suy tư của Ngọc Tân, K6:

Để buồn cho những buổi chiều
Vầng mây vàng vọt với nhiều suy tư

(Hơi tiếc)

Những câu thơ đầy hình ảnh có sức lay động lòng người của Nguyễn Đại Bường K10:

Bùn già xé toạc đáy ao
Hàng tre trơ gọng ghim vào trời trong

(Nỗi nhớ tháng sáu)

Và nhiều nhiều nữa, những câu thơ rất đẹp, rất hay của cô Uyên Nguyên, cô Nguyễn Thị Yến, của thầy Nguyễn Đức Bạn, của những học trò tóc bạc Phan Thanh Minh, Mai Mộng Tưởng, Vu Gia, Nguyễn Linh Phượng, Trần Phú Dũng, Nguyễn Thị Bảo Hà, Huỳnh Thị Thùy… mang mang tình yêu và nỗi nhớ.

Là một học trò, rồi cũng có một thời gian ngắn ngủi được làm thầy, lòng tôi có thể nào không xao xuyến rưng rưng khi được viết vài lời mạo muội giới thiệu Về lại trường xưa với bạn đọc yêu thơ xa gần.

Cảm động nữa, khi tôi được biết rằng, không chỉ ngoái nhìn quá khứ, thầy và trò Đông Giang sau 50 năm xa cách còn tấm lòng sôi nổi để hướng về tương lai khi có ý định đẹp đẽ muốn mượn Về lại trường xưa để cất lên tiếng gọi khuyến học cho thế hệ thầy và trò Hoàng Hoa Thám – Đông Giang xưa đang nối tiếp bước chân mình hôm nay.

Đà Nẵng mùa hoa phượng 2013

NGUYỄN KIM HUY

;
.
.
.
.
.