.

Sống ở chung cư

.

Chỉ những ai từng sống trôi dạt trên sông Hàn, lấy mui ghe làm nhà hay sống trong căn nhà chồ cọc gỗ khẳng khiu, che chắn tạm bợ bằng ni-lông, tôn mục, nối vào bờ bằng tấm gỗ đong đưa không tay vịn, mới dễ dàng thấu cảm sự phát triển từng ngày ở Nại Hiên Đông, nơi được nhiều người ví von “đất lành chim đậu”.

Một buổi sinh hoạt tổ dân phố tại Khu chung cư 4A, Làng cá Nại Hiên Đông. Ảnh: T.Y
Một buổi sinh hoạt tổ dân phố tại Khu chung cư 4A, Làng cá Nại Hiên Đông. Ảnh: T.Y

1. Ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà nhớ lại, dân làng chồ ở phường này hầu hết là những ngư dân  làng chài ven biển Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên trôi dạt về từ những năm 1960, khi Mỹ-ngụy thường xuyên tổ chức đàn áp, bắt bớ bà con. Họ cứ men theo sông mà đi, ra đến cửa Hàn thì dừng lại.

Để sinh sống, người dân neo ghe thả lưới. Ai có điều kiện lên kè đá chắn sóng – được làm từ thời Pháp – dựng nhà. Trước thời điểm năm 2004, phường biển Nại Hiên Đông có đến 727 hộ sống tạm bợ trong những căn nhà chồ dột nát.

Chuyện “xóa chồ lên phố” ở Nại Hiên Đông cũng trải qua một thời “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” như chính cuộc đời trầm luân của một kiếp người. Bởi trước khi được phê duyệt, dự án khu dân cư làng cá Nại Hiên Đông đi kèm với dự án “Bảo tồn làng chài” nhằm mục đích bảo tồn kiến trúc, cảnh quan, xây dựng nơi đây thành làng du lịch. Cũng thời điểm đó, Đà Nẵng tập trung cho các công trình trọng điểm, nên dự án cứ treo năm này qua năm khác.

Ông Dũng nhớ như in, ngày 27-7-2004, ông Văn Hữu Chiến, khi ấy là Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xuống phường Nại Hiên Đông kiểm tra việc quy hoạch khu dân cư làng cá. Khi đoàn đến khảo sát tại làng chồ Nại Hưng 2, nhìn những căn nhà cột gỗ khẳng khiu, “tường” ni-lông bay phấp phới, ông lo lắng hỏi cán bộ phường: “Mùa mưa bão sắp đến rồi, để thế này làm sao bảo đảm tính mạng, tài sản cho bà con. Thành phố sẽ tìm giải pháp cho làng chồ này, nhưng liệu có thể hoàn thành trước Tết âm lịch được không?”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện lãnh đạo phường lúc ấy khẳng định, nếu tập trung sẽ làm kịp. Sau cuộc gặp ấy, hơn nửa tháng sau, phường Nại Hiên Đông nhận được văn bản của UBND thành phố về việc xây dựng nhà ở liền kề phục vụ công tác bố trí tái định cư cho các hộ nhà chồ trên nước, trên đá thuộc diện giải tỏa, triển khai giai đoạn một dự án xây dựng khu dân cư làng cá Nại Hiên Đông.

Dù chuyển lên bờ sống đã lâu, từ khu nhà liền kề đến khi nhận phòng tại Khu 2A, Chung cư làng cá Nại Hiên Đông rộng 62m2, bà Nguyễn Thị Út vẫn không thể nào quên ký ức những tháng năm “ở chồ”. Bà cười nói, chừ sướng lắm rồi, chứ trước đây, chồ nào chồ nấy rộng chưa tới 20m2, nhà mô khá hung thì làm chồ 2 gian gói gọn chưa đến 60m2.

Không xin, đốn được gỗ dương thì mua ống nước bằng sắt làm trụ, rồi hư đâu thay đó. Rồi chuyện những đứa trẻ té sông chết đuối. Chuyện đi viện phải chuyển mấy lần đò, xe. Chuyện mỗi lần nghe tin bão gần, cả nhà luống cuống quơ vội áo quần chạy vô bờ trú tạm nhà người quen… Bà ghim chặt trong trí nhớ.

Cái hồi từ nhà chồ, dịch chuyển lên nhà liền kề rồi chung cư, mấy bà quanh xóm ngồi nói vui với nhau rằng rứa là đổi nồi đất lấy nồi đồng, sướng quá rồi, có nhịn đói cũng thấy no. “Điều tôi thấy sướng nhất là hộ mô cũng có nhà vệ sinh, nước máy, điện bắt sáng cả hành lang. Hơn mươi năm trước làm chi nghĩ mình có lúc được sống trong căn phòng vững chãi, mưa nắng cách mấy cũng không sợ nữa”, bà Út hóm hỉnh nói.

2. Hiện nay, Nại Hiên Đông là phường có nhiều chung cư nhất thành phố, gồm 62 block với khoảng 6.000 căn hộ. Nếp nghĩ, nếp sống, nếp sinh hoạt cũng dần thay đổi cho phù hợp với nhịp sống đô thị. Từ năm 2010 đến nay, phường vận động di dời 671 hộ dân, trong đó có 337 hộ nhà liền kề được bố trí sang nhà chung cư có diện tích trung bình từ 50-60m2 để ổn định cuộc sống.

Tuy an cư, nhưng cuộc sống của đại đa số người dân tái định cư chưa lạc nghiệp. Ông Lê Bé, khu 1B, Chung cư Làng cá Nại Hiên Đông trăn trở, do trình độ học vấn hạn chế, bao đời nay người dân phường Nại Hiên Đông chỉ biết bám vào sông, biển đánh bắt con tôm, con cá.

Cuộc sống gần sông bãi dễ bề làm ăn. Từ ngày chuyển lên sống tại chung cư, nhiều người “treo giò” không biết làm gì kiếm sống. Đàn ông, thanh niên nhiều người ăn không ngồi rồi, đàn bà con gái lo chạy chợ, che bạt dựng lều bán hàng ăn sáng hay bán bánh mì, nước mía, trứng vịt lộn đắp đổi qua ngày. “Nhàn cư vi bất thiện”. Sơ sẩy một chút là trộm cắp nổi lên. Nhiều gia đình sợ mất của phải vác cả ngư lưới cụ lên tầng 6, tầng 7. Nhiều cụ già ngại lên xuống cầu thang mà cả tháng chưa ra khỏi phòng.

Không chỉ giải quyết nhu cầu tái định cư tại chỗ, mỗi tháng, phường Nại Hiên Đông đón hàng chục cán bộ, công chức đang làm việc tại cơ quan Nhà nước về sinh sống tại các căn hộ chung cư. Chị Ngô Thảo Nguyên, hộ dân sống tại Khu chung cư (KCC) Vịnh Mân Quang thuộc Khu đô thị Vịnh Mân Quang chia sẻ, với người tỉnh lẻ về thành phố làm việc như vợ chồng chị, việc sở hữu một căn hộ chung cư là điều may mắn.

Cách đây 6 năm, từ Hà Tĩnh, hai vợ chồng quyết định đưa con nhỏ vào Đà Nẵng sinh sống. Đồng lương làm ra chia năm, xẻ bảy theo các khoản phí tổn, trong đó, một phần không nhỏ đổ vào việc thuê mướn nhà trọ. Có ở trọ mới thấm thía cảnh phải rửa rau, rửa chén trong nhà vệ sinh, sàn nhà ẩm thấp, muốn mua sắm vật dụng gì cũng ngại vì không biết kê đâu trong không gian nhỏ hẹp. Ngày chuyển về sinh sống tại chung cư, chị mạnh dạn mua sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt gia đình, không còn lo cảnh chuyển đổi phòng trọ.

Với những gia đình công chức trẻ như chị Thảo Nguyên, việc được thành phố tạo điều kiện thuê căn hộ chung cư không chỉ giúp ổn định cuộc sống, yên tâm công tác mà còn nghiễm nhiên trở thành cư dân phường Nại Hiên Đông. Họ được làm hộ khẩu, sinh hoạt tổ dân phố, sinh hoạt Đảng, tham gia vào tất cả các hội đoàn thể, các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

3. Cuộc sống ở KCC bây giờ đã ổn định hơn trước. Một cán bộ (xin giấu tên) sinh sống tại khu C2, Chung cư Nại Hiên Đông chia sẻ, khi mới chuyển về, chị rất nản vì thường xuyên gặp cảnh sáng xỉn chiều say, vợ chồng hàng xóm cự cãi, nhạc mở xập xình. Giờ thì đâu đã vào đó. Sống lâu, người dân có ý thức hơn trong nền nếp sinh hoạt, tránh gây ảnh hưởng người xung quanh. Mỗi tòa nhà trung bình có 3 tổ trưởng tổ dân phố, có xảy ra vấn đề gì thì tổ trưởng, nhà trưởng hay công an khu vực nhanh chóng can thiệp.

Từ năm 2009, chợ Nại Hiên Đông được thành phố đầu tư xây dựng nhằm từng bước ổn định cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của phần đông hộ dân đang sinh sống tại các KCC gần đó. Chợ có diện tích đất sử dụng 9.633m2, thuộc công trình chợ loại 2, khoảng 270 hộ kinh doanh, trong đó có không ít hộ nghèo thuộc diện tái định cư. Chị Hoa, một phụ nữ đơn thân đang sinh sống tại chung cư Làng cá Nại Hiên Đông chia sẻ, hằng ngày chị ngược xuôi buôn bán ở khu chợ này. Sáng tất tả với gánh hàng rau, tối bán trứng vịt lộn tại tầng trệt KCC gần nơi chị ở. Công việc khá vất vả, nhưng thu nhập hằng tháng của chị ổn định nhờ số hộ dân sinh sống tại phường ngày một đông.

Dù có nhiều thay đổi tích cực, nhưng so với những địa phương khác, đời sống của người dân Nại Hiên Đông còn gặp nhiều khó khăn. Bà Đỗ Thị Minh Hương, Chủ tịch UBND phường cho biết, hiện nay toàn phường có tất cả 275 hộ nghèo, đông nhất quận Sơn Trà. Trong đó, có nhiều hộ dân tái định cư, phụ nữ đơn thân về sinh sống tại các KCC phường Nại Hiên Đông. Chính vì thế, việc quản lý chung cư trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong sinh hoạt tổ dân phố hiện nay.

Nhìn dòng người từ các KCC ở Nại Hiên Đông đổ về cầu Sông Hàn mỗi sáng, mỗi chiều mới thấy, vùng đất từng in dấu một thời nghèo khó, không những đã đem đến cho người dân nơi đây một nơi chốn khang trang để đi về mà còn trở thành quê hương thứ hai của biết bao người, trong đó có nhiều cán bộ trẻ cùng góp sức mình dựng xây thành phố.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.