.

Tầm sớm hơn trị muộn

.

Qua thăm khám sức khỏe định kỳ hằng năm, nhiều người may mắn phát hiện, điều trị bệnh ở giai đoạn tiền phát, tránh những biến chứng do bệnh gây ra cũng như kịp thời thay đổi thói quen có hại cho sức khỏe.

ThS, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng khoa Ngoại tim mạch lồng ngực khám sàng lọc tim cho trẻ.
ThS, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng khoa Ngoại tim mạch lồng ngực khám sàng lọc tim cho trẻ.

Tầm soát sớm để điều trị đúng cách

Cách đây 4 tháng, cô bé Đinh Thị Quyền, nhà ở thôn 1, nóc Meng Lin, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) được nhóm Kết nối yêu thương đưa xuống Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ khám chuyên sâu về tim mạch. Chuyến đi này nhằm đánh giá lại tình trạng sức khỏe của em sau khi chẩn đoán bị tim bẩm sinh. Chị Phạm Mỹ Hạnh, thành viên nhóm chia sẻ, trong một chương trình sàng lọc trước đó tại địa phương, bác sĩ kết luận Quyền có vấn đề về tim mạch.

Lần này, dựa trên kết quả khám và siêu âm, bác sĩ tại BV Hoàn Mỹ kết luận, Quyền hở van tim dạng nhẹ, chỉ cần can thiệp, điều trị tích cực bằng thuốc một thời gian sẽ khỏi. Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, sớm mồ côi mẹ, cuộc sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương nên với Quyền, việc may mắn phát hiện bệnh sớm sẽ giúp em có cuộc sống khỏe mạnh, giảm bớt gánh nặng về sau.

Từ năm 2006 đến nay, hàng trăm chuyến xe vượt suối, băng đèo đưa đoàn bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng đến các xã vùng sâu, vùng xa các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên khám sàng lọc, tầm soát bệnh lý về tim mạch miễn phí cho trẻ em. Qua công tác thăm khám, có khoảng 15.000 trẻ em trong khu vực được tầm soát, trong đó phát hiện, điều trị phẫu thuật cho gần 400 trẻ, gần 200 trường hợp khác tiến hành can thiệp sớm.

Bác sĩ Lê Xuân Túy, Trưởng Đơn vị Tim mạch, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, can thiệp mạch vành qua da (không cần phẫu thuật) là kỹ thuật dùng ống thông nhỏ để đưa một quả bóng nhỏ vào lòng động mạch bị tắc, tiến hành nong và đặt giá đỡ để lưu thông dòng máu. Thời gian thực hiện thường được tiến hành trong 1 giờ đồng hồ và trung bình sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có thể xuất viện.

Cũng theo bác sĩ Túy, qua việc tham gia khám sàng lọc, rất nhiều phụ huynh “bật ngửa” khi biết con mình bị tim bẩm sinh. Có trường hợp, bố mẹ đưa con 11 tháng tuổi đi khám “cho vui” nhưng kết quả cho thấy bé bị thông liên nhĩ, tăng áp phổi rất nặng, cần phải phẫu thuật gấp.

Trong đó, thông liên nhĩ bẩm sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả xấu đối với sức khỏe của bé. Nhẹ thì kém ăn, chậm lớn, hay nôn trớ, viêm phổi, mệt mỏi, thở nông; nặng có thể rối loạn nhịp tim, suy tim, tăng áp lực động mạch phổi khiến vòng tuần hoàn máu không bình thường, máu không lấy đủ oxy để nuôi dưỡng cơ thể, có thể dẫn đến tử vong.

Gặp ông Bảy ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang tại Phòng khám, BV Đà Nẵng, ông cho biết lâu nay luôn cảm thấy trong người không được khỏe, thường xuất hiện cảm giác buồn nôn, đau tức vùng bụng, mắt xuất hiện quầng thâm, da khô, hay bị phù nề, chảy máu da, nước tiểu vàng. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên ông không chịu đi khám. Tuy nhiên cách đây hơn 1 tháng, người hàng xóm ngay cạnh nhà ông đột ngột qua đời vì bệnh xuất huyết dạ dày, sợ quá nên gia đình nhất quyết chở ông đi khám bệnh.

Tại đây, bác sĩ cho biết ông Bảy bị suy giảm chức năng gan, nếu không sớm điều trị, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt dễ dẫn đến xơ gan, thậm chí ung thư gan. “Người nông dân làm đâu tiêu đó, làm gì có nguồn tiền nào dôi ra để chăm sóc sức khỏe nên cứ thế lờ đi. Nhưng cũng may là mình đi viện kịp thời để điều trị, nếu không thì đổ bệnh ra đó, tiền mô mà chạy chữa”, ông Bảy nói.

Nhiều người còn lơ bệnh

Những năm gần đây, BV Hoàn Mỹ thường xuyên tổ chức chương trình tư vấn, khám bệnh miễn phí cho người dân. Như Khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình – Thần kinh, từ năm 2014 đến nay tổ chức nhiều đợt khám bệnh miễn phí tại bệnh viện, mỗi đợt thu hút từ 50 đến 80 người. Trong đó có khoảng 30% phát hiện tình trạng bệnh lý về khớp gối như đứt dây chằng chéo gối, rách cơ, viêm cơ, đứt dây chằng bánh chè, thoái hóa khớp; bệnh lý đau thắt lưng, thoát vị đĩa đệm và các bệnh lý cột sống, bệnh lý khớp vai như viêm khớp, viêm gân cơ, xơ rách gân, trật khớp tái diễn, thoái hóa khớp...

ThS. bác sĩ Lê Quang Minh, Trưởng Khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình – Thần kinh cho biết, bên cạnh việc lơ là, không quan tâm đến việc tầm soát, nhiều người dân vẫn còn chủ quan với bệnh, khi té ngã không đến BV khám mà tự ý điều trị theo phương pháp dân gian hoặc tự mua thuốc uống trong thời gian dài khiến việc xử lý bệnh sau này rất khó khăn.

Đơn cử, có bệnh nhân sau khi té bong gân đã đến tiệm thuốc Bắc nhờ nắn, bó thuốc giảm sưng đau. Tuy nhiên, do làm không đúng cách nên thuốc nóng gây bỏng, hoại tử da. Khi chuyển đến BV, bác sĩ buộc phải cắt bỏ lớp da bỏng, lấy da vùng khác đắp vào khiến việc điều trị kéo dài.

Trong vòng 6 năm qua, BV Phụ nữ Đà Nẵng khám tuyến vú cho 22.863 lượt người. Qua công tác tầm soát đã phát hiện 192 trường hợp ung thư vú, trong đó bệnh nhân trẻ nhất 21 tuổi và lớn nhất 79 tuổi. Điều này cho thấy, ung thư tuyến vú có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Qua nhiều năm công tác, bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Lợi, Phó Giám đốc BV Phụ nữ Đà Nẵng nhận thấy, chị em phụ nữ vẫn còn thái độ e dè trong khám, chữa phụ khoa. Thậm chí khi cơ quan, đơn vị hợp đồng tổ chức khám bệnh định kỳ cho công nhân, viên chức, nhiều chị chỉ siêu âm phần ngực, bụng mà bỏ qua phần khám phụ khoa.

Trong khi đối với phụ nữ, có 2 dạng ung thư thường gặp là ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Nếu may mắn phát hiện sớm sẽ dễ dàng cứu chữa và sống yên ổn đến tuổi già. Còn ngược lại, sẽ nhanh chóng suy kiệt, dẫn đến tử vong như nhiều dạng ung thư khác. Do đó, trong những trường hợp này, việc tầm soát bệnh rất quan trọng, phụ nữ ở độ tuổi trên 30, cứ 6 tháng nên đi khám một lần.

Thực tế, có khá nhiều người dân biết bệnh mà không chịu đến BV thăm khám vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền còn đè nặng lên vai. Với họ, việc tầm soát sức khỏe vẫn còn là điều khá xa lạ. Chỉ khi nào họ thấy người thân, hàng xóm đau nặng, vô phương cứu chữa hoặc bản thân đau không chịu nổi mới chịu đi viện. Bên cạnh đó, tâm lý sợ đau, sợ khám ra bệnh cũng là những nguyên nhân khiến mọi người ngại đến viện. Mặt khác, bảo hiểm y tế hiện chỉ chi trả cho trường hợp khám chữa bệnh (trị bệnh) mà không chi trả cho việc khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm chẩn đoán, tầm soát bệnh nên chưa tạo ra thói quen “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong nhân dân.

Hiện nay, trung bình một ngày Khu khám bệnh (bao gồm khám Bảo hiểm y tế và khám dịch vụ) tại BV Đà Nẵng đón từ 300 đến 450 người đến khám, trong đó phần lớn là người có những biểu hiện bệnh từ nặng đến nhẹ. Bác sĩ Nguyễn Trường Minh, Trưởng khoa Khám, BV Đà Nẵng cho biết thông qua phương tiện truyền thông, chăm sóc sức khỏe, người dân bắt đầu có ý thức hơn trong việc khám chữa bệnh, dù con số này hiện vẫn còn rất hạn chế. “Việc tầm soát bệnh có nhiều cái lợi bởi hầu hết các bệnh giai đoạn đầu thường ít có biểu hiện cụ thể. Nếu chờ có biểu hiện rõ ràng mới đến bệnh viện thì phần lớn bệnh đã trở nặng, phải điều trị kéo dài và tốn kém tiền của, thậm chí khó bảo toàn mạng sống”, bác sĩ Minh khẳng định.

Y học ngày càng tiến bộ, không những phòng, người ta còn có thể chủ động tìm ra bệnh để điều trị kịp thời trước khi nó kịp hút cạn sinh lực con người. Nói thì dễ, nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc bản thân mình, trước khi bệnh tật tìm đến.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.