.

Người thầy của cháu tôi

.

Tôi gọi cha mẹ mình là cậu mợ và hồi nhỏ, thấy cậu rất quan tâm đến việc học hành của các con nhưng sự lưu tâm ấy chỉ dừng lại ở những lời nhắc nhở, răn đe hay là ký vào “thông tín bạ”(*) mỗi cuối tháng. Còn dạy bảo, kiểm tra, kèm cặp nhau thì mấy anh chị em chúng tôi tự lo lấy và cứ răm rắp theo thông lệ là tối đến tất cả phải ngồi vào bàn chăm chỉ học hành. Nền nếp ấy đã được duy trì ở nhà tôi suốt những năm chúng tôi còn đến trường, chứ cậu tôi ít khi ngó ngàng đến.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thế nên tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy cậu tự nguyện lo liệu tất thảy mọi chuyện học hành của thằng Quân, dẫu biết nó là đứa cháu được cậu tôi thương quý nhất nhà. Một điều mà trước đó tôi không thể nào hình dung ra được. Hồi ấy Quân được sáu tuổi và đang theo lớp một (niên khóa 79-80).

Buổi chiều Quân học trường Lê Lợi và được chính cậu tôi chở đi, đón về. Còn buổi sáng, Quân được học trường… “ông nội” ở ngay tại nhà. Nào tôi có dám bịa. Thì chính cậu tôi đã điền vào như thế. Điền ở ngay cái nhãn dán ngoài tập vở đấy thôi. Trường: Ông Nội.

Lớp học của hai ông cháu diễn ra trên một cái bàn tròn mặt dán mi-ca, kê ngay đường lên xuống nhà sau và sát với chỗ bày hàng. Chẳng là vừa để vui tuổi già vừa để có đồng ra, đồng vào, cậu mợ tôi có mở một cái hàng bé bé ngay ở nhà ngoài.

Hàng quán trông lèo tèo là thế mà bán buôn chẳng thiếu một thứ gì đâu nhé! Từ chuối, ổi, bó củi, cây kim cho đến dầu thắp, dầu xức… nên cũng có lắm người mua. Buổi sáng cả hai chị em chúng tôi phải đi dạy, mợ tôi đi chợ rồi về nấu ăn, thế là cậu “đánh vật” với việc bán hàng và việc đứng lớp.

Vào những hôm về sớm, thường xuyên tôi được thấy cảnh này: cháu vừa học vừa chơi. Nhẩn nha đọc, viết, làm tính và nhẩn nha trông ra đường dõi theo một cái gì đó. Còn ông thì tất tả quay ra hàng bán mấy cái kẹo, lại vội vã quay vào lớp giảng toán rồi lại hấp tấp quay ra hàng cân ký than rồi lại quáng quàng quay vào lớp đọc chính tả…

Đến là khổ! Chẳng thế mà có lúc tôi đã nghe cậu tôi gắt gỏng với mấy ông nhãi ranh lượn qua mua trái ổi, lượn lại mua cái bánh, quay đi mua trái chuối, vòng về mua bì mía róc là: “Lấy gì thì lấy một thể đi,chứ đây chẳng có mà rảnh đâu nhé! Có nhanh lên không thì bảo. Để người ta còn… dạy”. Cứ như thế! Cậu tôi ở giữa những người khách hàng và đứa cháu.

Ở giữa những món hàng, những đồng bạc lẻ và những bài toán, bài tập đọc, chính tả… Ở giữa trách nhiệm của ông cụ (bán hàng) và ông nội (thầy giáo). Trông cậu mới bận rộn làm sao nhưng ngời ngợi niềm sướng vui và hạnh phúc. Không mấy khi được chứng kiến những cảnh tượng thật sống động như vậy nhưng, chẳng hiểu sao, mắt tôi lại cay xè.

Có những chuyện tưởng là  nhỏ nhặt, cỏn con mà sao cứ làm mình cảm động mãi, như là chuyện dạy Quân học của cậu tôi, như những buổi lên lớp… buồn cười như thế của cậu. Như là cái trường “ông nội” thật là lạ lùng ở chính ngôi nhà thân yêu này.

Những hình ảnh về gia đình sao mà quá tươi đẹp và ấm áp. Thật may, tôi còn kịp ghi nhận và giữ gìn cho đến tận hôm nay và không ngờ đã có rất nhiều khi, nhờ thế mà bao ý nghĩ muộn phiền, u ám ở trong tôi đã có thể bị đẩy lùi, nhòa xóa. Tôi tìm lại được sự cân bằng cần thiết cho cuộc sống của mình.

Còn Quân? Tôi vẫn luôn dõi theo cháu và thấy mừng bởi cho đến hôm nay, Quân vẫn luôn sống tốt. Chứ chẳng lẽ có thể sống khác được sao, khi mà cháu của tôi đã từng có một người thầy đặc biệt như là ông nội. Dẫu người thầy ấy… Dẫu cậu tôi đã không còn…

MỸ NỮ


(*) Thông tín bạ giống như sổ liên lạc.

;
.
.
.
.
.