.

Nghe trong thì thầm

.

Có chút phiền phức vì mưa lây rây, nhưng leo dốc một đỗi thì người nóng hẳn. Tôi cũng không rõ có phải vì cốc rượu nhỏ ban trưa, hay là vì cuối cùng thì mình đã đặt chân đến chốn này. Ao ước ngày cũ đã chạy theo hoài qua năm tháng, rằng ngày nào đó, sẽ đi trong những con đường nhỏ, dưới tán rừng thông và lắng nghe tiếng suối rì rầm đã từng hiện danh trong Côn Sơn ca.

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Mấy triền dốc nhỏ khuất sau mùi nhang khói và những tiếng thì thầm trong các điện thờ. Chỉ có hơi thở là chênh vênh chút xíu thôi, vì con đường đã mòn nhẵn bước chân người, vì mưa mang ướt át xuống các thềm đá. Suối hình như còn ngái ngủ hay mải rong chơi ở đâu vì dòng nước vẫn chưa chịu về. Tôi cứ nghĩ mùa suối ở Côn Sơn chắc là hay, nên đồng nghiệp của mình mới có luôn ký ức về chuyện đạp xe gần 30km chỉ để tắm một lần cho bõ.

Ngày đó chắc Côn Sơn đang mộc, còn bây giờ thì vùng đất địa linh nhân kiệt gắn với nhiều tên tuổi của tiền nhân như vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang – ba vị lập ra thiền pháp Trúc lâm và biến nơi này thành một thiền viện lớn của triều Trần rồi giao cho Huyền Quang trụ trì; là Trần Nguyên Đán với Thanh hư động, nhiều hơn và gắn bó hơn là Nguyễn Trãi... đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt với nhiều hạng mục được đầu tư, cũng như người từ khắp nơi về chiêm bái. Không gian bện lại bởi mùi hương xứ bắc, thốt nhiên làm bước chân cũng trở nên rụt rè. Ánh mắt độ lượng từ trên những pho tượng Phật vừa uy nghi, lại vừa có chút gì bí ẩn trong mịt mù nhang khói. Cũng có thể vì tôi đã ngần ngại trước những chiếu người đầy ắp đang lầm rầm khấn vái trước các ban thờ. Ngày tháng 2 âm lịch vừa mới bắt đầu, nên việc đi lễ chùa chắc vẫn còn dài.

Tôi không có thời gian đủ nhiều để lên xem khói đầu non và chạy về ven rừng với cỏ vì mọi người đang chờ để di chuyển về một phía xa hơn, nhưng mưa xuân cũng đủ phủ một lớp bàng bạc khác lên vẻ lộng lẫy đã ở lại mãi cùng Thanh hư động ký của Nguyễn Phi Khanh. Hôm ấy, trong rừng thông, có rất nhiều lao xao của người trẻ và cùng với những sắc màu mang theo, họ đã làm tươi tắn cả một khoảng đồi. Không biết khi dành cho Côn Sơn một tình yêu đặc biệt và chọn nơi này làm nơi lui về ở ẩn, Nguyễn Trãi có khi nào nghĩ về Côn Sơn ngày sau không. Nhưng lão đại già nua hơn 600 tuổi trước chùa Côn Sơn vẫn mang cốt cách trầm ngâm của một chứng nhân lịch sử. Nhiều câu chuyện thăng trầm bể dâu đã đi cùng năm tháng và sẽ được trao truyền qua năm tháng…

Những gì là thương nhớ, hẳn nhiên sẽ luôn thuộc về thương nhớ. Phải vì thế không mà vùng đất tôi vừa qua, nơi tôi vừa đến như đã quen thuộc rất lâu rồi. Có thể vì một điều gì đó đã luôn vời vợi, và đến lúc nó bước ra từ trong tất thảy những điều mà mình đã từng mường tượng mà thôi.

Khi trôi về đến Kiếp Bạc, nhìn dòng Thương trong một ngày mưa phủ bụi và nhìn mãi về phía hội tụ của Lục đầu giang, với những tên sông có khi chưa hề gặp nhưng đã nằm lòng ngay từ ngày thơ bé trong các bài thơ, câu hát đến quen thuộc như sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình, tôi biết là mình đã có thêm một ký ức khác, trong thì thầm mênh mang của một ngày sông thương như tên Thương...

Hạnh Nhi

;
.
.
.
.
.