.

Ngược về một thuở năm, mười

.

Hoàng hôn dần buông, những sợi nắng mong manh gom mình lại phía cuối ngọn đồi. Con đường về quê càng hun hút, quanh co. Vài ngôi nhà ba gian nằm lặng im bên trong những mảnh vườn đang trầm ngâm bên tán lá xanh. Tôi dừng xe, nhắm mắt lại, tự thưởng cho mình phút giây bình yên. Tiếng vi vu gió thổi trên cành cây, tiếng chim chộn rộn trên cao và chao ôi, cả tiếng  con nít. “Năm, mười, mười lăm, hai mươi, hăm lăm, ba mươi…”, đám trẻ đang cùng nhau chơi năm, mười nơi vườn cây rậm rạp. Chỉ đơn giản là trò chơi con trẻ, ấy vậy mà đã đưa tôi về cả một thế giới tuổi thơ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tuổi thơ tôi, nơi có tiếng chim quyên gọi hè sang, có xâu dế nướng trên đồng nội, hay quả trâm, quả sim chín mọng nơi triền đồi. Đó là khoảng thời gian mà ông bụt, bà tiên xuất hiện trong giấc mơ… Đó còn là những lần trốn ba mẹ chơi năm, mười. Trong thế giới trò chơi tuổi thơ như ô ăn quan, buôn đồ hàng, rồng rắn lên mây… có lẽ đơn giản, vui nhất, hồn nhiên nhất là trò năm, mười của đám trẻ làng tôi ngày ấy. Đơn giản là vì trò này rất dễ, bất kể ai cũng có thể tham gia, số lượng người chơi bao nhiêu cũng được. Một người phải úp mặt vào tường đếm “Năm, mười,...” cho tới một trăm. Trong khoảng thời gian này, những người còn lại sẽ đi trốn. Nếu ai bị phát hiện sớm nhất sẽ trở thành người “bị phạt” úp mặt hô năm, mười cho ván khác.Vui vì bất kể ai cũng có thể tham gia trò chơi, càng nhiều càng tốt và dù thắng hay thua đều rộn vang tiếng cười.

Nhớ những đêm trăng sáng, trên con đường làng hun hút rợp cỏ đôi bờ, những bụi tre đổ bóng xuống mặt đường, từng ống tre già cọ vào nhau như tiếng nghiến răng ken két, đấy cũng là thời điểm lũ trẻ í ới rủ nhau chơi năm, mười. Khi tiếng hô năm, mười vang lên, cả đám cắm đầu chạy lăng quăng khắp nơi tìm chỗ núp. Đôi lần có đứa hiếu thắng trèo lân tận ngọn cây ổi, té từ trên cao xuống khiến tụi bạn hốt hoảng, vậy mà chẳng hề hấn gì. Cuộc chơi cứ thế đến tận đêm khuya, hồn nhiên chơi đùa mà không có sự ganh ghét hay gian dối.

Nhớ nhất là những buổi chiều, trong mảnh vườn quê, đám trẻ con bày trò chơi năm, mười quẹt nhọ nồi. Có hôm, mang cả nồi gang to chuyên dùng nấu rượu của má ra úp sấp giữa sân. Nồi được nấu bằng rơm rạ lâu ngày nên tha hồ mà lấm nhọ. Cả nhóm oẳn tù tì, ai thua sẽ phải úp mặt đếm. Người đếm cũng là người kiêm luôn chức “họa sĩ nồi”. Ai bị bắt sớm nhất sẽ bị vẽ nhọ lên mặt.  Nhưng rồi, khi kết thúc cuộc chơi, chẳng ai còn giữ được khuôn mặt nguyên vẹn! Đứa nào cũng như ma lem trong điệu cười nắc nẻ.

Dường như đã lâu quá rồi,  hôm nay tôi mới gặp lại giai điệu tuổi thơ năm, mười, mười lăm…, năm mươi... Mỗi đứa trẻ trong trò chơi ngày ấy, đã chọn cho mình những lối rẽ cuộc đời khác nhau. Đứa nào cũng tất bật, lầm lũi mưu sinh, cuốn trong vòng xoáy của cơm, áo, gạo, tiền. Cuộc sống vất vả khiến tôi không có thời gian nghĩ về những kỷ niệm xưa. Thi thoảng bạn bè gặp nhau, nhắc trò chơi năm, mười lại thấy thời gian trôi nhanh quá, nghe lòng rưng rưng trong những đôi mắt đượm buồn.

Chiều vẫn cứ lún sâu bên ngọn đồi côi cút. Những đứa trẻ đã chia tay về nhà mỗi đứa, để lại sau lưng tiếng la ó, tiếng cười trong vắt. Chỉ mình tôi đứng lại bần thần, tiếc nuối. Ngọn khói chiều nhà ai bay vươn vất, bảng lảng trên ngọn cây cao, mà sao mắt lại cay xè…

PHAN THỊ THANH LY

;
.
.
.
.
.