.

Gần lắm Hoàng Sa

.

Một gia đình 9 người con ở Đà Nẵng có 9 thuyền trưởng, một máy trưởng và 9 tàu công suất lớn. Tất cả đều vươn khơi, bám biển Hoàng Sa.

Ông Trương Văn Hay (trái) trên tàu cá của mình. 								              Ảnh: NGUYỄN CẦU
Ông Trương Văn Hay (trái) trên tàu cá của mình. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Gia đình ông Trương Văn Trọng (82 tuổi), ở tổ 20, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, nhiều đời làm nghề đánh bắt hải sản. 16 tuổi ông đã theo cha xuống tàu ra biển. Cha ông, một ngư dân kỳ cựu đã vĩnh viễn nằm lại với vùng biển Hoàng Sa trong một lần bão tố. Thương tiếc cha, ông càng nỗ lực bám biển Hoàng Sa và chỉ nghỉ ngơi khi đã ngoài 60 tuổi.

Vợ chồng ông sinh được 9 người con, 8 trai, 1 gái. Các con trai ông, cứ tuổi 16 là xuống tàu ra biển. Để rồi đến nay, cả 8 người đều là chủ của 1 đến 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ và là thuyền trưởng, máy trưởng. Không hề thua kém các anh, người con gái duy nhất của ông cũng sở hữu một tàu đánh bắt xa bờ, công suất hơn 400 CV, chồng là thuyền trưởng. Hiện tại, gia đình ông là hộ ngư dân duy nhất ở Đà Nẵng có 9 thuyền trưởng, một máy trưởng và 9 tàu cá công suất lớn. Tất cả các tàu này đều liên tục bám biển Hoàng Sa.

“Đối với gia đình tôi, vùng biển Hoàng Sa linh thiêng lắm. Nơi đó có linh hồn cha tôi, chú tôi. Mỗi khi ra đó, tôi và các con đều cảm thấy yên lòng và hầu như chuyến nào cũng thuận lợi. Mùa gió bão, mấy tháng xa biển, lòng cảm thấy bồn chồn không yên. Nay tuổi cao sức yếu, phải ở nhà, nhưng lúc nào tôi cũng hướng về vùng biển đó và động viên con cháu nỗ lực bám trụ”, ông Trọng giãi bày nỗi lòng mình. Ông kể: Cha ông ở lại với biển cách đây gần 50 năm. Hồi đó, đánh bắt bằng tàu công suất nhỏ và không được trang bị máy móc hiện đại như bây giờ. Bão đến mà không biết để tránh. Chỉ vài đợt gió giật, tàu đã chìm nghỉm. Ngư dân trên tàu, người được tàu bạn cứu, người vĩnh viễn nằm lại với biển. Cơn bão kinh hoàng đó đã cướp mất cha ông và người chú ruột. Ông may mắn được cứu sống trong gang tấc.

Nối tiếp cha, ông Trọng làm thuyền trưởng và liên tiếp bám biển Hoàng Sa với đủ nghề, lúc thì câu mực, lúc giã cào… Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình ông đã có tàu công suất 60 CV. Nhưng rồi thảm họa lại ập đến với gia đình ông lần nữa khi những người vượt biên cướp mất tàu vào đầu năm 1978. Đã hơn 30 năm trôi qua, song ký ức về buổi sáng kinh hoàng ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. “Hôm đó, đang đánh bắt bình thường, bỗng chiếc tàu nhỏ, trên đó lố nhố nhiều người nhằm hướng tàu chúng tôi lao tới. Vừa áp mạn, họ nhảy lên rồi cứ thế dí dao vào cổ ép mọi người nhảy xuống tàu của chúng. Trước sự hung hãn của những tên cướp biển, không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải chấp nhận rời chiếc tàu thân yêu của mình và trở về trên chiếc tàu nhỏ, cũ kỹ của bọn chúng”, ông Trọng nhớ lại. Và phải 2-3 năm trời kiên trì đánh bắt trên con tàu công suất nhỏ ấy, cha con ông mới dành dụm đủ tiền đóng mới chiếc tàu công suất 45 CV, tiếp tục bám biển Hoàng Sa.

"Đã thành truyền thống của gia đình, hễ gặp tàu bị nạn trên biển, các tàu của anh em tôi đều sẵn sàng bỏ cả chuyến biển tham gia ứng cứu. Riêng tôi, hơn 30 năm bám biển, ít nhất 10 lần tham gia ứng cứu thành công các tàu bị nạn. Trước đây, cha tôi cũng đã nhiều lần cứu sống người bị nạn trên biển. Lần tôi nhớ nhất là vào năm 1982, cha con tôi cứu 6 ngư dân Quảng Bình trôi dạt trên biển khi tàu họ bị chìm, chở về Đà Nẵng."

Ông Trương Văn Hay

Con ông Trọng, từ người con cả Trương Văn Tài, đến người con út Trương Văn Dũng, đều giống nhau về hành trình vào đời và gây dựng sự nghiệp. 16 tuổi xuống tàu theo cha, anh ra biển. Tất cả họ đều có một điểm chung là đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Hiện người anh cả Trương Văn Tài, trú phường Thanh Khê Đông, là chủ cặp tàu ĐNa 90277 - ĐNa 90204. Đã ngoài 50 tuổi nhưng người thuyền trưởng này vẫn kiên cường bám biển. Ông là người tiên phong chuyển đổi nghề câu mực khơi sang nghề lưới vây sau khi mực liên tục rớt giá. Người con thứ, Trương Văn Tình, thuyền trưởng tàu ĐNa 90238, là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của phường Thanh Khê Đông nhiều năm liền. Người con trai thứ 3, Trương Văn Thương, chủ tàu và là thuyền trưởng tàu ĐNa 90035, liên tục đạt kỷ lục về thời gian bám biển.

Người thứ 4, Trương Văn Hay, hiện trú tổ 36 phường Thanh Khê Đông, chủ tàu và là thuyền trưởng tàu ĐNa 90235. Ông Hay đã nhiều lần được báo chí ngợi ca sự kiên cường bám biển Hoàng Sa và nhiều lần tham gia cứu hộ tàu bạn gặp nạn trên biển. Chuyến gần đây nhất, vào cuối năm 2011, khi đang đánh bắt, ông nhận được lệnh của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng yêu cầu đến cứu hộ, cứu nạn tàu ĐNa 90189 của ngư dân Sơn Trà bị chết máy đang trôi dạt trên biển. Không hề do dự, ông cùng mọi người khẩn trương thu lưới rồi tức tốc lên đường đi cứu nạn. Sau hơn 2 ngày 2 đêm vượt quãng đường 125 hải lý, tàu ông đã kéo tàu bị nạn về đất liền an toàn.

Ông Hay nói rằng, đã thành truyền thống của gia đình, hễ gặp tàu bị nạn trên biển, các tàu của anh em ông đều  sẵn sàng bỏ cả chuyến biển tham gia ứng cứu. Riêng ông, hơn 30 năm bám biển, ít nhất 10 lần tham gia ứng cứu thành công các tàu bị nạn. Trước đây, cha ông cũng đã từng nhiều lần cứu sống người bị nạn trên biển. Lần ông nhớ nhất là vào năm 1982, cha con ông đã cứu 6 ngư dân Quảng Bình trôi dạt trên biển khi tàu họ bị chìm, chở về Đà Nẵng.

“Đánh bắt hải sản hiệu quả cao. Gia đình sẽ tiếp tục phát huy nghề của cha ông. Hiện tại, thế hệ kế tiếp đã có 2 thanh niên tham gia bám biển. Với chính sách hỗ trợ rất hấp dẫn của thành phố, chắc chắn năm tới, gia đình sẽ đóng mới một vài chiếc tàu công suất lớn nữa”, ông Hay cho biết thêm.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.