Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Đô thị Đà Nẵng - dấu ấn tự hào

.

Ðà Nẵng, tháng Ba nắng tràn ngõ phố. Mảnh đất trung dũng, kiên cường, đang đổi thay từng ngày, tạo nên sức bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. 49 năm ngày Giải phóng Ðà Nẵng, với mỗi người dân Ðà Nẵng, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành, phát triển vượt bậc của quê hương.

Vẻ đẹp lung linh của thành phố Đà Nẵng về đêm. Ảnh: PHẠM PHÙNG
Vẻ đẹp lung linh của thành phố Đà Nẵng về đêm. Ảnh: PHẠM PHÙNG

1- Ngay sau ngày giải phóng (29-3-1975), thành phố Đà Nẵng tiếp tục với vai trò thành phố (đô thị tỉnh lỵ) thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Không gian đô thị nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế. Lúc bấy giờ dù là một thành phố biển nhưng cả Đà Nẵng chỉ có vài ba bãi tắm. Gần như toàn bộ bờ biển chỉ là những xóm chài nghèo, thành phố thực sự quay lưng với biển. Sông Hàn khi ấy đơn giản chỉ là sự ngăn cách bất tiện giữa đôi bờ với những xóm nhà chồ phía bờ đông. Khu vực phát triển nhất của đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi quận Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà (với các đơn vị hành chính quận Nhất, quận Nhì, quận Ba) với diện tích chưa đầy 6000ha.

Vốn là vùng đất lửa trong chiến tranh, căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy nên hạ tầng kỹ thuật đô thị sơ sài nhất là về giao thông. Kết nối hai khu vực đông, tây sông Hàn chỉ có hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ), Trần Thị Lý (đường sắt) vốn là các công trình cũ kỹ qua thời chiến tranh. Phương tiện giao thông qua lại phổ biến trên sông Hàn là những chuyến phà. Khả năng cấp nước rất hạn chế, phần lớn các khu vực dân cư còn dùng nước giếng. Công tác vệ sinh môi trường còn ít được quan tâm, bãi rác tự phát ở lẫn với khu vực dân cư. Qua hơn hai mươi năm kể từ ngày thống nhất đất nước (30-4-1975) đến thời điểm trước năm 1997, sự phát triển của đô thị Đà Nẵng là rất chậm. Hình hài đô thị không khác là bao so với mấy mươi năm trước đó. Ấy mới có câu ca: “Con gái quận Ba (Sơn Trà/Ngũ Hành Sơn) không bằng bà già quận Nhất (Hải Châu).

2- Sự kiện Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra cách đây tròn 27 năm (1-1-1997- 1-1-2024). Việc tập trung huy động nguồn lực phát triển mạnh hạ tầng cơ sở từ rất sớm ngay sau khi là thành phố trực thuộc Trung ương, tạo nền tảng để thành phố phát triển bứt phá. Trong chừng ấy năm, Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu, thành phố sự kiện, thành phố môi trường, thành phố đáng sống. Dấu ấn đổi thay dễ nhận thấy với Đà Nẵng là việc mở mang không gian đô thị nhanh chóng. Nếu sau giải phóng, đô thị Đà Nẵng nhỏ hẹp với vài con đường bờ tây sông Hàn, thì nay trở thành đô thị lớn thứ 4 Việt Nam. Nếu chỉ tính 27 năm sau khi trực thuộc Trung ương, đô thị Đà Nẵng đã tăng gấp 3,5 lần. Qua 27 năm phát triển đô thị, Đà Nẵng xây chắc nền tảng sức mạnh của lòng dân.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là vô cùng đúng lúc. Nghị quyết 43-NQ/TW đã mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng có cơ hội lớn vươn ra biển rộng…Hiện Đà Nẵng đang thực hiện Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đô thị Đà Nẵng rộng khoảng 37.500ha, dân số 2,5 triệu người. Đà Nẵng đang hướng đến trở thành đô thị lớn, thông minh, có bản sắc.

3- Dấu ấn tháng Ba ở Đà Nẵng gắn liền với sự đầu tư, xây dựng các công trình phát triển đô thị. Nhắc đến Đà Nẵng là nhắc đến thành phố của những cây cầu, trong số đó có cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Đúng ngày 29-3-2013, thành phố long trọng khánh thành cùng lúc 2 công trình này. Việc đưa vào khai thác 2 cây cầu trọng điểm nối hai bờ sông Hàn, nằm giữa trung tâm thành phố giải quyết ách tắc giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông qua lại, góp phần tạo cho thành phố diện mạo mới với cơ sở hạ tầng hiện đại.

Cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý là 2 cây cầu có kiểu dáng kiến trúc đẹp và độc đáo. Trong đó, cầu Rồng được mô phỏng theo hình dáng của rồng thời Lý, mạnh mẽ vươn ra biển lớn. Cầu Trần Thị Lý có kiến trúc trụ tháp nghiêng 3 mặt dây văng, trong đó có 2 mặt dây hình rẻ quạt mang hình dáng cách điệu mềm mại của cánh buồm căng gió ra khơi. Cầu Trần Thị Lý nhìn từ xa như một cánh buồm căng gió đang vươn ra biển lớn. Đến với thành phố biển xinh đẹp, chưa đầy 10 phút từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, du khách đã đón nhận những làn gió biển mằn mặn, được thả mình trên những bờ cát trắng miên man, và đắm say trong sóng biển xanh rì rào trên bãi biển Mỹ Khê.

Đi qua dòng chảy lịch sử với bao thăng trầm, những cây cầu mới như cầu Sông Hàn, Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý…hiên ngang nối đôi bờ sông Hàn, chứng kiến những bước phát triển rực rỡ, đón tương lai “vượt biển lớn” của thành phố đáng đến, đáng sống hàng đầu Việt Nam. Đô thị Đà Nẵng ngày nay gắn với nhịp sống sôi động của thành phố. Những cây cầu mới đã vắt qua sông Hàn như dải lụa trong lòng đô thị với sự kiêu hãnh bằng giá trị bất biến. Là sự tiếp nối không ngừng của lịch sử, của những thế hệ người Đà Nẵng hôm qua, hôm nay và mai sau

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.