Nhật ký hải trình Đà Nẵng - Trường Sa - Bài cuối: Biển này là của ta, đảo này là của ta

.

Tàu KN 390 neo ở khu vực xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Lúc này là 5 giờ ngày 7-4-2024. Ở mạn tàu bên phải, đảo Song Tử Tây hiển hiện như hòn non bộ, cảnh sắc như bức tranh quê kiểng thanh bình.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi và thành viên đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà các em nhỏ sinh sống ở đảo Trường Sa Lớn.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi và thành viên đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà các em nhỏ sinh sống ở đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Trước 5 giờ sáng, tàu KN 390 đã neo ngoài khơi của đảo Song Tử Tây khoảng 1km. Một số đại biểu thức dậy sớm khoe từ rạng sáng đã nhìn thấy đảo sáng trưng ánh đèn. Có lẽ đêm qua, đảo cũng thức để sẵn sàng đón những đứa con của đất liền.

Từ 5 giờ 15, ai ai cũng dùng bữa sáng vội vàng để chuẩn bị rời tàu lên thăm đảo. Loa phát thanh liên tục phát đi những mệnh lệnh công tác. Hàng (quà tặng) chuyển lên đảo trước, tiếp đến thành viên đoàn là báo chí, đội văn nghệ; lượt thứ 3 là lãnh đạo đoàn và lần lượt các thành viên khác theo nhóm. 3 chiếc ca nô với tải trọng chở 7-10 người mỗi chuyến rẽ sóng từ tàu KN 390 theo luồng nước tiến vào đảo Song Tử Tây.

Lúc chúng tôi đặt bước chân đầu tiên lên đảo, bình minh cũng vừa ló dạng. Mặt trời như quả cầu hồng rực nhô lên từ sườn phía đông. Song Tử Tây là một trong 3 đảo có diện tích lớn trong quần đảo Trường Sa. Từ cầu tàu di chuyển vào khu trung tâm đảo ước chừng 700m. Các lối đi chính, đi dạo được thảm bê-tông; những khẩu hiệu, tấm pano truyên truyền cổ động trực quan được bài trí chỉn chu. Không gian cảnh quan nơi đây giống như khu phố trung tâm của mỗi xã trên đất liền. Giữa đảo Song Tử Tây là một sân bóng đá khá rộng, xung quanh các trụ sở cơ quan hành chính của đảo với đầy đủ cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa- giáo dục, y tế... “Điện, đường, trường, trạm” đều có cả.

Người tôi gặp đầu tiên trên đảo Song Tử Tây là chiến sĩ Phạm Đình Thức. Trong bộ quân phục chiến sĩ hải quân, Thức làm nhiệm vụ dẫn luồng thông qua cờ lệnh để các tàu ra vào đảo. Hình ảnh đẹp nhất nơi đảo xa thường gắn liền với người chiến sĩ dẫn luồng và trực gác cột mốc chủ quyền. Chàng trai quê ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa rời phố thị vào đầu năm 2024 để đến đảo Song Tử Tây với tâm thế của người chiến sĩ dẫn luồng, hiên ngang và uy dũng. Ghé thăm khu nhà ở người dân trên đảo là khung cảnh yên bình với dãy nhà liền kề khang trang, cổng ngõ phủ đỏ những nhành hoa giấy.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Trưởng đoàn công tác thành phố Đà Nẵng, trao những món quà tình nghĩa của đoàn công tác, ân cần động viên, thăm hỏi và chúc sức khỏe đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Song Tử Tây.

Từ sau 9 giờ ngày 7-4, đoàn công tác rời đảo Song Tử Tây và tiếp tục hải trình để buổi chiều ghé thăm đảo Đá Thị. Đảo Đá Thị là đảo đá chìm nhỏ bé giữa biển trời mênh mông. Khi lên thăm đảo, chúng tôi cảm nhận được tinh thần mạnh mẽ và ý chí quật cường của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Dù đảo nhỏ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn lạc quan và kiên cường. Nhìn những khuôn mặt rám nắng, ánh mắt tinh anh, nụ cười hồn hậu của các chiến sĩ trẻ, chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng, chân bước rời đảo ra về mà lòng lưu luyến mãi.

6 giờ sáng 8-4, đoàn lên xã đảo Sinh Tồn. Đảo có nhiều cây xanh, đứng trên tầng thượng (tầng 4) của công trình trên đảo phóng tầm mắt thì ngoài đường chân trời, biển xanh thu vào mắt là màu xanh ngút ngàn. Cây xanh thân lớn trên đảo  là các cây phong ba, bàng vuông, dừa và mù u. Đảo Sinh Tồn là một trong 3 đảo trên quần đảo Trường Sa có UBND xã, trường học và có các hộ dân sinh sống. Đảo còn có âu tàu để ngư dân ra đánh bắt hải sản và vào âu thuyền tránh trú bão, với sức chứa từ 60-70 tàu.

Phương tiện đi lại trên đảo có cả ô-tô điện. Đọng lại trong tôi ở đảo Sinh Tồn là rất nhiều chiến sĩ hải quân tuổi 18 đôi mươi quây quần dưới tán cây bàng giao lưu văn nghệ với các diễn viên Nhà hát Trưng Vương.

13 giờ 30 phút, thời khắc khó quên nhất trong đời chúng tôi, những thành viên trong đoàn công tác số 5 năm 2024. Tàu KN 390 thả neo tại vùng biển gần đảo Cô Lin để tiến hành lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Trường Sa. Trên boong tàu, tất cả chúng tôi nghiêm túc xếp hàng ngay ngắn dành phút mặc niệm tưởng nhớ 64 anh hùng là liệt sĩ trên đảo Gạc Ma và rất nhiều anh hùng liệt sĩ khác đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi…Sau hơn một giờ hành lễ, thu hình ảnh vào ống kính máy ảnh, máy quay của tôi là nhiều bàn tay đưa lên quẹt ngang mắt. Có người cúi xuống nhắm mắt không dám để lộ tiếng nấc…

Tất cả, ai ai cũng lặng đi vì xúc động… Cùng với vòng hoa tri ân, thuyền giấy là ngàn con hạc giấy mà đoàn đã tỉ mẫn gấp những ngày trước đó được thả xuống biển khơi. Từng cánh chim hạc vờn theo cùng sóng nước, trắng xóa, hòa lẫn vào đại dương mênh mông, mênh mông trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc...

Từ sau 14 giờ đoàn công tác lên đảo đá Cô Lin. Đảo đá chìm Cô Lin có thêm dải đá san hô. Đứng giữa đảo phóng tầm mắt ra xung quanh, đảo giống như “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Những hàng cọc bọc theo hình vòng cung, lấp xấp trên mặt nước như hàng rào tre xinh xắn. Hai cọc tiêu sừng sừng dẫn luồng tàu vào đảo như cổng làng mà con đường là dải lụa nước trong vắt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin cũng tăng gia trồng rau xanh như dền, mồng tơi. Ấn tượng hơn cả là những chậu “cây cảnh” là cây ớt chỉ thiên đặt trồng trong các hốc công trình trên đảo. Tôi có lần từng nghe “quả ớt có nhiều vitamin A nên ăn ớt sẽ giúp sáng mắt”?! Ở Cô Lin chắc hẳn mắt phải sáng, phải tinh anh khi từng phút, từng giờ canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tri ân 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại khu vực đảo Cô Lin - Gạc Ma. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tri ân 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại khu vực đảo Cô Lin - Gạc Ma. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Sáng sớm ngày 9-4, chúng tôi lên đảo Đá Tây A, ấn tượng đầu tiên với đảo là một âu thuyền đang có hàng trăm tàu cá ngư dân đang neo đậu. Nước trong âu thuyền đảo Đá Tây A trong vắt, xanh như ngọc. Ngôi chùa ở đảo Đá Tây A được trụ trì bởi vị sư quê ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Quân và dân trên đảo mỗi ngày có thể đi “shopping” mua hàng ở siêu thị mini. Ở đảo Đá Tây A, cùng với sư trụ trì chùa, cũng có nhiều cán bộ, chiến sĩ quê ở Đà Nẵng công tác trên đảo. Câu chào hỏi, tiếng nói, tiếng cười tôi được nghe nhiều ở nơi đây là “Cô Thi à/ chị Thi ơi” (Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi) như là ruột thịt, máu mủ của người Đà Nẵng trên quần đảo Trường Sa.

Chiều 9-4, tàu KN 390 đưa đoàn cập cầu tàu đảo Trường Sa Lớn. Đảo duy nhất trên hải trình của đoàn mà khi lên đảo không phải trung chuyển bằng xuồng cano. Chuẩn Đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Phạm Văn Hùng nói đảo Trường Sa Lớn là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa. Trường Sa Lớn là trung tâm hành chính của huyện và thị trấn Trường Sa. Đảo Trường Sa Lớn thật đẹp. Cây xanh, trường học, những ngôi nhà khang trang. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài Tổ quốc ghi công, chùa Trường Sa Lớn… tạo thành một quần thể hai bên đường băng sân bay. Đêm ca nhạc thấm tình quân dân vỡ òa mọi cảm xúc trong chúng tôi.

Màn dân vũ của các chiến sĩ hải quân trên đảo làm sôi động cả trời đêm. Những bài hát về người lính, về biển cùng những vũ điệu hip hop... gói vào nụ cười, vang rộn tiếng vỗ tay.... Hình ảnh đẹp ở Trường Sa Lớn là tiếng đệm đàn ghi-ta cho chiến sĩ hát của bác sĩ Võ Thu Tùng (Phó Giám đốc Sở Y tế).

Ngay trong đêm 9-4, tàu KN 390 kéo 3 hồi còi vang chào đảo - chào “Thủ đô” của Trường Sa biển cả hướng về thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Sáng sớm 10-4, chúng tôi đến nhà giàn DK1.2 (Phúc Tần), điểm cuối cùng của hải trình ra quần đảo Trường Sa. Sáng đó sóng khá lớn, gió cấp 6. Tàu KN 390 ban đầu gần như chạm vào nhà giàn, nhưng sóng to gió lớn tàu lùi dần ra xa... Cú khẽ chạm vào nhà giàn ví tựa cái ôm ấm nồng, vỡ òa những yêu thương. Hơn chục chiến sĩ vận tải hàng quà tặng trên xuồng ca nô, xé sóng tiếp cận nhà giàn.

Nhìn thấy nhà giàn DK1.2 trước mắt, nhìn thấy các cán bộ, chiến sĩ công tác vẫy tay chào nhưng vì thời tiết gió mùa sớm đành phải “lỗi hẹn” đứng ngắm từ xa… Hình cờ đỏ sao vàng trên nhà giàn như ấn dấu của chủ quyền quốc gia. Trong tiếc nuối, trong bịn rin về cuộc hội ngộ trên biển với cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn ĐK1.2, ai ai cũng bật lên niềm kiêu hãnh “Tự hào quá Việt Nam”. 

Từ trưa ngày 10 đến khuya ngày 11- 4, tàu KN 390 từ thềm lục địa phía nam di chuyển về Quân cảng Vùng 3 Hải quân tại Đà Nẵng. Trên hành trình trở về, dường như ai trong đoàn cũng chạm vào những ký ức, những kỷ niệm khi đến với những đảo chìm, đảo nổi mà mình đã đi qua. Nhớ cây phong ba, cây bàng vuông trên đảo. Nhớ đến những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vất vả giữa thời tiết khắc nghiệt với ý chí kiên định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.