Nguy cơ lừa đảo, tấn công mạng từ điện thoại thông minh

.

Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo với nhiều chiêu bài “tung hoành” trên không gian mạng và qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin mất tiền.

Các thiết bị điện thoại thông minh đang có nguy cơ trở thành phương tiện phát sinh các loại hình tội phạm mạng. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Các thiết bị điện thoại thông minh đang có nguy cơ trở thành phương tiện phát sinh các loại hình tội phạm mạng. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Theo báo cáo tổng kết tình hình an ninh mạng Việt Nam của Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), trong năm 2023, số vụ tấn công mạng tăng 9,5%, số vụ tấn công mạng nhắm vào thiết bị di động đã tăng 30% so với năm 2022, trung bình mỗi tháng nước ta lại có 1.160 vụ tấn công, lừa qua mạng. Dự báo năm 2024, người dùng điện thoại thông minh phải đối mặt nhiều hơn với các hình thức lừa đảo, tấn công bằng mã độc có khả năng xâm nhập, khai thác lỗ hổng, chiếm quyền điều khiển điện thoại chạy những hệ điều hành phổ biến như Android và iOS.

Trường hợp chị Nguyễn Ngọc Ngân (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) vừa qua đã bị mất hơn 20 triệu đồng trong tài khoản vì nghe theo hướng dẫn từ cuộc gọi lạ. Được biết, đối tượng lừa đảo tự xưng là “công an” và hướng dẫn chị cài ứng dụng VNeID (định danh điện tử) không chính thống qua đường dẫn lạ. Các đối tượng yêu cầu chị phải tắt bảo mật hệ thống trên thiết bị điện thoại sau đó mới tiến hành cài đặt ứng dụng. Sau khi tải xong, các đối tượng đã chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện thoại thông minh và chuyển tiền trong ngân hàng chị qua ví điện tử. Dù chị đã khóa tài khoản và tìm mọi cách để lấy lại nhưng vẫn không được vì các đối tượng thực hiện thủ đoạn quá tinh vi.

Ông Ngô Đức Toản, chuyên viên an ninh Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho hay, các đối tượng tin tặc thông thường sẽ thực hiện hình thức lừa đảo, gắn mã độc qua SMS, hộp thư điện tử; giả mạo trên mạng xã hội và lừa người thân, quen để mượn tiền, tống tiền, lừa đảo. Một số hình thức mới hơn có thể kể đến như: lợi dụng các lỗ hổng bảo mật của mạng wifi công cộng để đánh cắp dữ liệu; lây nhiễm phần mềm độc hại vào ứng dụng để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, điều khiển thiết bị điện thoại thông minh.

Theo Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam, có tới 32,6% số vụ bị tấn công vào các thiết bị điện thoại thông minh, điện tử xuất phát từ người dùng. Tiếp đến là do tin tặc khai thác vào lỗ hổng của các nền tảng, dịch vụ phần mềm cài đặt trên máy chủ chiếm 27,4%. Đây là phần mềm không có nguồn gốc rõ ràng hoặc yêu cầu người dùng cho phép truy cập lạm quyền, nền tảng quản lý nội dung, nền tảng chia sẻ dữ liệu… Bên cạnh đó, từ các website không an toàn, do tổ chức tự phát triển chiếm 25,3% số vụ việc. Cuối cùng là từ những thiết bị điện thoại thông minh có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, nhập lậu thường không được các cơ quan chức năng quản lý, theo dõi, kiểm tra độ bảo mật, an toàn thông tin.

Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Đà Nẵng) nhận định, những đối tượng tin tặc sẽ tiếp tục nâng cấp, phát triển các công cụ, mã độc sử dụng trong các chiến dịch tấn công. Ngoài ra, các lỗ hổng mới hoặc chưa được công bố ngày càng được các nhóm tấn công mạng tận dụng và khai thác một cách triệt để hơn. Để tránh việc bị phát hiện và ngăn chặn, các nhóm tin tặc luôn cập nhật thêm nhiều kỹ thuật phức tạp hơn với mục đích gây ảnh hưởng đến quá trình phát hiện, điều tra và phân tích mã độc. Để phòng tránh những nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, đơn vị khuyến nghị người dùng cần hạn chế truy cập các trang web hoặc cài chương trình, ứng dụng không rõ nguồn gốc, không bấm vào các đường dẫn lạ, luôn phải bật chức năng bảo mật hệ thống. Người dùng điện thoại thông minh cần cập nhật thường xuyên các thông tin, cảnh báo, đặc biệt là các dấu hiệu nhận diện lừa đảo trực tuyến để có thể chủ động phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.